Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Người mua đủng đỉnh, người bán ngóng chờ

MẠNH TÙNG - 

Sự hào hứng của thị trường bất động sản trong những ngày đầu tháng 7-2015 với quy định mở cửa cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam kéo dài chẳng bao lâu. Nhiều doanh nghiệp địa ốc nhắm vào phân khúc khách hàng này đang vừa làm vừa đợi, trong khi đó người nước ngoài xem ra vẫn đủng đỉnh chờ mọi thứ rõ ràng hơn.

Băn khoăn pháp lý

bdsNgười nước ngoài tham quan một dự án bất động sản mở bán tháng 11 vừa qua tại TPHCM.

Ngày 1-7-2015, thời điểm Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, được thị trường bất động sản đón nhận tích cực với quy định mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Lúc đó, nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn đã tung ra các chương trình bán nhà cho người nước ngoài khá rầm rộ. Chẳng hạn, Công ty TNHH Căn hộ Vườn Phố với dự án City Garden hay Tập đoàn Vingroup với dự án Vinhomes Central Park ở quận Bình Thạnh, TPHCM.

Sau một quá trình dài nỗ lực tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng, một số chủ đầu tư đã tìm được những vị khách nước ngoài đầu tiên cho dự án của mình, thậm chí có dự án cho biết đã thực hiện hàng trăm giao dịch mua bán căn hộ với người nước ngoài.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, những vị khách đặt bút ký hợp đồng mua nhà tại Việt Nam thời gian qua thường là những người đã có mối liên hệ với người Việt Nam, chẳng hạn như có vợ hoặc chồng là người trong nước. Do đó, quyết định mua một căn nhà tại Việt Nam với họ không mấy khó khăn về mặt pháp lý, vì các trường hợp này đã được quy định tại nghị quyết thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được Quốc hội ban hành tháng 6-2008.

Trong khi đó, các trường hợp người nước ngoài không thuộc những đối tượng được quy định trong nghị quyết thí điểm trên lại đang vướng một số thủ tục pháp lý khi mua nhà tại Việt Nam theo Luật Nhà ở mới. Trường hợp của ông Richard, một người Mỹ hiện đang làm việc tại một chi nhánh tập đoàn quốc tế của Việt Nam, đang sống ở quận 1, TPHCM là một ví dụ.

Ông Richard cho biết đã từng tìm hiểu một dự án căn hộ cao cấp ở quận Bình Thạnh, song nhân viên tại dự án này lại không thể giải đáp những thắc mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển tiền, đóng thuế và làm giấy chứng nhận. Vị khách này cho rằng, có vẻ như các doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt lắm về mặt thông tin, cũng như những hướng dẫn cho đối tượng khách hàng như ông.

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, một số lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho biết đã năm tháng trôi qua kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, đến nay các quy định hướng dẫn đã có nhưng họ vẫn đang lúng túng trong việc ký kết hợp đồng mua bán với người nước ngoài. Khi được hỏi, một lãnh đạo doanh nghiệp ấp úng: “Thật ra bây giờ cứ ký hợp đồng mua bán với họ chứ chuyện làm giấy tờ sau này để từ từ tính tiếp”.

Việc khó vay vốn từ ngân hàng cũng khiến nhiều khách nước ngoài không có điều kiện tài chính mua nhà ở Việt Nam gặp khó khăn. Một vị khách nữ người Pháp, sống tại quận 2, TPHCM, cho biết chị không thể tiếp cận được các gói tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nên không đủ tiền mua nhà, đành phải chấp nhận ở nhà thuê.

Cuối tuần rồi, trong một hội nghị phổ biến Luật Nhà ở 2014 tại Sở Xây dựng TPHCM, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, khẳng định nghị định hướng dẫn chi tiết luật này đã rõ ràng và đủ cơ sở để các doanh nghiệp có thể bán nhà cho người nước ngoài. Theo ông Khởi, nếu như trước đây người nước ngoài chỉ được mua, sở hữu nhà nhưng không được quyền chuyển nhượng, thì Luật Nhà ở 2014 đã cho phép họ chuyển nhượng, cho, tặng và thừa kế.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, dù cơ quan soạn thảo luật nói các quy định cho người nước ngoài mua nhà đã rõ ràng, song nhiều địa phương vẫn đang lúng túng trong việc thi hành các quy định này.

Vừa làm vừa đợi

Nhiều doanh nghiệp địa ốc cho biết họ không kỳ vọng nhiều vào đối tượng khách hàng này, cho rằng số lượng khách nước ngoài không nhiều, chỉ khoảng 3-5% tổng nguồn cầu của thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những chủ đầu tư đưa ra kế hoạch bán nhà cho người nước ngoài với số lượng lớn.

Tháng 11 vừa qua, quỹ đầu tư Genesis Global Capital đã ký kết mua lại 30% căn hộ thuộc dự án Diamond Lotus ở quận 8 do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang làm đầu tư. Quỹ này đặt hàng Phúc Khang mỗi năm xây dựng một số lượng căn hộ tương đương 50 triệu đô la Mỹ để khai thác khách hàng là các thương nhân, khách du lịch, Việt kiều muốn sở hữu nhà tại Việt Nam.

Tương tự, Công ty Keppel Land Việt Nam cũng vừa mang dự án Estella Heights tại quận 2 sang Singapore để giới thiệu cho khách hàng tiềm năng ở nước này. Theo công bố của chủ đầu tư, trong hai ngày ra mắt đã có 54 giao dịch thành công với người nước ngoài tại Singapore. Còn tại sự kiện công bố dự án Hưng Phúc-Happy Residence (quận 7), chủ đầu tư là Công ty Phú Mỹ Hưng cho biết đã có 60 người nước ngoài đến tham gia và đặt chỗ căn hộ tại đây.

Những ngày đầu tháng 12 này, một số chủ đầu tư các dự án nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp cũng lần lượt bung hàng, trong đó nhiều chủ đầu tư đang nhắm đến đối tượng khách nước ngoài. Chẳng hạn, Công ty Căn Hộ Vườn Phố mở bán 318 căn hộ của tòa tháp Promenade thuộc dự án khu căn hộ cao cấp City Garden. Ông William Towne Baker, Tổng giám đốc Công ty Căn Hộ Vườn Phố Việt Nam, kỳ vọng với những yếu tố như vị trí đắc địa, không gian xanh cộng với vị trí nằm sát trung tâm thành phố, dự án này sẽ đủ sức thu hút những vị khách nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam.

Trong khi đó, tại thành phố Vũng Tàu, Công ty Sapphire Việt Nam cũng vừa mở bán giai đoạn hai dự án Sanctuary Hồ Tràm, với 44 căn biệt thự nghỉ dưỡng biển nhắm đến khách hàng giàu có trong nước và khách quốc tế đến du lịch, nghỉ dưỡng và chơi gôn tại đây. Tương tự, Tập đoàn Centurion của Singapore cũng vừa mở bán đợt đầu tiên dự án bất động sản nghỉ dưỡng The Dalat at 1200 tại thành phố Đà Lạt với 49 căn biệt thự và 65 căn hộ, với hy vọng sẽ thu hút khách hàng trong nước và các nhà đầu tư bất động sản ở các nước trong khu vực.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng có hai yếu tố tác động đến quyết định mua nhà tại Việt Nam của khách hàng nước ngoài. Một là thông tin thị trường, và hai là nhu cầu thực sự của chính họ. Theo ông Quang, việc thông tin trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện thiếu minh bạch khiến nhiều khách nước ngoài băn khoăn, nên họ vẫn chần chừ trong việc mua nhà.

Sự lựa chọn giữa nhu cầu mua để ở và mua để đầu tư, theo ông Quang, cũng quyết định đến phân khúc nhà mà khách nước ngoài nhắm tới. Nếu để sinh sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam, họ sẽ chọn những căn hộ có vị trí đẹp; còn nếu mua đầu tư, họ cần biết dự án đó sẽ mang lại lợi nhuận như thế nào và thường nhắm đến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối