Mỹ Huyền -
Hiện nay, tại một số quán ăn ở khu trung tâm TPHCM, thực khách thấy có cả người nước ngoài phục vụ, bên cạnh nhân viên người Việt Nam. Không đòi hỏi trình độ cao, những người nước ngoài chỉ cần thành thạo một số ngoại ngữ như Anh, Pháp là có thể làm việc.
Nhân viên phục vụ
Họ là những người nước ngoài đến TPHCM, do chưa chọn được việc làm như mong muốn nên chọn công việc phục vụ tạm thời để chờ việc. Một số chủ quán cho biết, do thành thạo ngoại ngữ nên mức lương của những nhân viên người nước ngoài thường cao hơn mức lương của đồng nghiệp trong nước. Với một quán ăn có đội ngũ nhân viên giỏi ngoại ngữ, công việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.
Khu vực phố Tây (quận 1, TPHCM) bao gồm đường Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu, Đề Thám là nơi có nhiều người nước ngoài làm việc tại các quán ăn, tiệm cà phê. Chẳng hạn, ở nhà hàng Baba’s Kitchen trên đường Bùi Viện, nhân viên nhà hàng chủ yếu là người Ấn Độ. Nhà hàng này do một người Ý gốc Ấn mở, tuyển nhân viên như một cách giúp đồng hương có việc làm.
Một nhân viên phụ bếp người Ấn Độ, khoảng 20 tuổi, tỏ ra hào hứng với công việc này khi luôn tay khiêng những chiếc chảo lớn đi rửa. Khi được hỏi vì sao không làm việc ở Ấn Độ mà phải đi xa tìm việc, anh cho biết làm ở đây “salary double” (lương gấp đôi), cộng với việc chủ quán cho ăn ở miễn phí. Anh đang tập nói tiếng Anh bên cạnh ngôn ngữ bản xứ của mình.
Phía ngoài là một nhân viên khác tên Karmal, 38 tuổi. Công việc chính của anh này là mời khách vào quán và hỗ trợ khách chọn món. Do khách của nhà hàng chủ yếu là người Ấn Độ và khách Tây sành món Ấn, nên chủ quán cần có người sành đặc sản Ấn để giới thiệu.
Anh Jeet, 31 tuổi, đến từ Nepal và làm kế toán ở nhà hàng này ba năm nay. Ngoài công việc tính toán thu chi của quán, anh còn nhận đặt món ăn qua điện thoại. Anh nói tiếng Anh và tiếng Việt cũng khá thạo. Làm ở đây anh cũng được chủ cho ăn ở. “Tôi đã từng làm việc ở Thái Lan cũng trong ngành nhà hàng. Tôi muốn đi làm nhiều nơi để có kinh nghiệm trước khi về mở nhà hàng tại quê nhà”, anh Jeet nói.
Chị Charlotte, 25 tuổi, người Bỉ, cho biết sau khi tốt nghiệp ngành vật lý trị liệu, chị sang Việt Nam khoảng một tháng nay. Chị vào làm ở nhà hàng La Casa Del Mojito trên đường Pasteur, quận 1, nơi chuyên các món Cuba. Trong khi chờ việc đúng chuyên ngành, chị đến nhà hàng này làm nhân viên phục vụ.
“Tôi không đặt kỳ vọng cao về lương vì mức sống ở đây thấp hơn. Vì khó khăn khi tìm việc trong nước nên tôi đã lên kế hoạch tìm việc ở châu Á hoặc châu Phi”, chị Charlotte cho biết. Nhà hàng đón nhiều khách quốc tế nên đây cũng là môi trường giúp chị hòa nhập tốt hơn.
Đến TPHCM cùng một người bạn, chị Charlotte nhận xét con người ở đây ôn hoà. Hơn nữa, việc đi du lịch từ Việt Nam qua các nước lân cận cũng dễ dàng. Công việc của chị không khác gì với nhân viên người Việt, nhưng nhờ vốn tiếng Anh và tiếng Pháp chị được trả khoảng 12 triệu đồng/tháng.
Nhân viên tiếp thị
Có được công việc vừa ý khi đến một nước xa lạ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vì vậy, anh Daniel, 23 tuổi, người Anh, muốn tìm hiểu cuộc sống ở TPHCM nên đã nhận tiếp thị tờ rơi quảng cáo cho một quán bar tại quận 1 để đổi lấy chỗ ăn ở và giải trí buổi tối. Tối nào anh cũng dạo quanh khu phố Tây đến khuya để giới thiệu về quán bar, nếu khách thấy hứng thú anh sẽ mời về quán.
Anh Daniel cho biết, anh không thấy công việc cực nhọc vì anh có thể gặp gỡ nhiều người với nhiều quốc tịch. Việt Nam, trong đó TPHCM là điểm đến cuối cùng trong tour du lịch một năm của anh. Anh cho biết do mới ra trường nên muốn đi để trải nghiệm, và sắp tới anh sẽ xin dạy học cho các trường trung học hoặc các trung tâm tiếng Anh vì thu nhập cũng đủ chi tiêu.
Không chỉ tại TPHCM, nhiều người nước ngoài còn làm nhân viên cho các khu nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành khác. Trong số những người đó, chị Largedine Ceebril đến Phú Quốc làm việc qua một dịch vụ môi giới việc làm ở Philippines. Chị là người vui vẻ, năng động và nói tiếng Anh rất tốt. Largedine Ceebril cho biết chị làm kiếm tiền để gửi về nuôi con ở quê nhà.
Theo một số người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, công việc phục vụ cho họ nhiều trải nghiệm. Một số gắn bó lâu nên bén duyên, quyết định chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai.
Chẳng hạn như anh Karmal đã lấy vợ là giáo viên dạy nhạc người Việt và cả hai đã có một bé trai kháu khỉnh. Còn anh Daniel, sau thời gian làm nhân viên tiếp thị, cho biết công việc này giúp anh có thêm kiến thức về nhiều nền văn hoá. Daniel kể anh rất ấn tượng khi gặp người Việt Nam trên đường, dù không quen biết nhưng họ vẫn chia sẻ kinh nghiệm tìm việc làm và cách sinh sống tại TPHCM.
Chị Largedine Ceebril nói đồng nghiệp của chị ở khu nghỉ dưỡng rất hoà đồng và chia sẻ với chị mỗi khi chị nhớ con gái, nhớ nhà. Họ cũng thường đưa chị đi dạo phố vào thời gian rảnh rỗi. Chủ của khu nghỉ dưỡng cũng đối xử rất tốt với chị. Largedine Ceebril nói sau này nếu phải rời xa nơi này, chị sẽ rất nhớ.