Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Người trẻ bảo tồn tranh Đông Hồ

LINH NGUYỄN -

Ingo (viết tắt của in gỗ) là nhóm mà ba thành viên sáng lập là ba cô gái trẻ trong năm nay đã giới thiệu dự án tâm huyết của họ nhằm duy trì, gìn giữ và bảo tồn làng tranh Đông Hồ với sản phẩm đầu tiên là bộ học cụ Ingo cho trẻ em 6-10 tuổi tự in tranh Đông Hồ tại trường hoặc tại nhà.

Ngày ấy-bây giờ

nghe-nhan-huong-dan-cac-be-in-tranhNghệ nhân hướng dẫn các bé in tranh.

Tranh Đông Hồ là dòng tranh dân gian khắc gỗ của Việt Nam, xuất xứ từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, nằm bên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ. Xưa kia, tranh Đông Hồ là một phần không thể thiếu trong phong tục đón tết ở miền Bắc khi các phiên chợ tranh diễn ra nhộn nhịp, nhà nhà đi sắm tết vào tháng 12 Âm lịch lúc nào cũng mua một hay vài bức tranh Đông Hồ về treo để cầu may mắn, sung túc.

Tranh thể hiện quan điểm mỹ học của dân gian, người lớn và các cụ già thích tranh Đông Hồ vì nội dung tranh miêu tả sinh động phong tục tập quán, lối sống của người dân Việt Nam vùng Bắc bộ một cách mộc mạc, bình dị. Đồng thời tranh cũng phản ánh tính thời sự, châm biếm những thói hư tật xấu trong đời sống xã hội. Trẻ em thế hệ trước biết tranh Đông Hồ qua những hình ảnh và lời giới thiệu trong sách giáo khoa.

Thế nhưng, từ hơn 150 hộ in tranh trước năm 1945, tranh Đông Hồ dần bị lãng quên khi chỉ còn hai hộ theo nghề, các hộ khác đã chuyển sang làm hàng mã để sinh sống. Mặc dù hiện nay tranh Đông Hồ đang được cơ quan quản lý lập hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhưng những người quan tâm đến tranh Đông Hồ giờ đây chủ yếu là một số ít người có niềm đam mê với việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa. Thế hệ trẻ và thiếu nhi hiện nay đa phần biết rất ít hoặc không biết về tranh Đông Hồ.

Lưu giữ nghệ thuật dân gian

bo-con-cung-in-tranhBố con cùng in tranh.

Được sự tài trợ của Quỹ Văn hóa và Phát triển Hoàng tử Claus (một tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan), trong hai ngày 17 và 18-9 vừa qua, nhóm Ingo đã tổ chức một triển lãm vào cửa tự do có tên Đông Hồ phiêu lưu ký tại sân chơi Nado Outdoor, quận 1, TPHCM. Triển lãm là cơ hội để Ingo giới thiệu đến những người yêu nghệ thuật, các bậc phụ huynh và đặc biệt là các bé tham quan phiên chợ tranh Đông Hồ, giao lưu với nghệ nhân in tranh Nguyễn Hữu Tảo, trải nghiệm tự tay in tranh qua bộ học cụ mà Ingo đang tập trung phát triển. Đội ngũ thực hiện dự án gồm Nguyễn Thị Thanh Mai (chủ nhiệm và sáng lập viên Ingo),  Hà Thị Thu Ngân (tư vấn chiến lược dự án), Ngô Thị Ngọc Dung (trợ lý dự án).

Chị Mai kể rằng trong thời gian du học ở nước ngoài, chị cùng với sinh viên các nước đã tham dự nhiều sự kiện giới thiệu về di sản văn hóa quốc gia của nước mình. Nhưng khi đến lượt mình, chị chợt nhận ra rằng chị không biết gì cả và cảm thấy trong lòng có một sự mất mát. Sau đó, Mai đã giới thiệu một số bản in khắc gỗ tranh Đông Hồ được mẹ chị tặng nhưng kiến thức về loại tranh dân gian này chị lại không biết nhiều.

Trở về nước, năm 2014 chị một mình vác ba lô đi Bắc Ninh, tìm tới làng tranh Đông Hồ, đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, được con dâu ông Sam, cũng là một nghệ nhân, cho xem tranh và giới thiệu các công đoạn làm tranh, tận mắt chứng kiến cách tạo mực in, vỏ cây dó... Chuyến đi tuy ngắn nhưng đọng lại trong lòng chị rất nhiều suy nghĩ về việc bảo tồn dòng tranh quý này. Không phải ai ở trong nước cũng có điều kiện đi thăm làng tranh, vì vậy một bộ công cụ in tranh là điều rất cần thiết để mọi người có được trải nghiệm, nhất là trẻ em và đó, theo chị là cách lưu giữ văn hóa dân gian của dân tộc.

Nghịch ngợm với... Ingo

Bộ học cụ Ingo là những bản khắc gỗ và khung gỗ nhỏ xinh với nhiều hình thù đặc trưng của dòng tranh dân gian Đông Hồ như em bé, động vật, côn trùng..., một bộ mực in đủ màu, giấy dó. Vì mực in của tranh Đông Hồ đều chiết từ những chất liệu tự nhiên như vàng từ hoa hòe, đỏ bazan từ cây sỏi son, gỗ vang, màu xanh từ lá chàm, lá dọc mùng, màu đen từ than lá tre hay rơm nếp... không có bất cứ thành phần hóa chất nào gây độc hại đến sức khỏe cho trẻ em lại còn dễ lau chùi nên được đa số phụ huynh hưởng ứng.

Tại triển lãm, các bé tự tay mình dùng bộ học cụ in tranh dựa vào kỹ thuật in tranh của Đông Hồ. Nhiều phụ huynh thấy bé chơi vui quá nên cũng mượn một bộ học cụ để chơi cùng, thế là cả gia đình có một ngày cuối tuần vui vẻ bên nhau cùng in tranh, tranh in xong được mang về làm kỷ niệm. Chị Thu Trang (ngụ ở quận 1) vừa hướng dẫn con trai quết màu in tranh vừa nói: “Đây là một bộ học cụ bổ ích, thay vì cuối tuần cầm iPad chơi game thì con trai tôi được tự tay trải nghiệm nghệ thuật dân gian, được chạm vào từng chất liệu đã tạo nên dòng tranh tiếng tăm mà giờ chỉ thấy trên sách báo”. Còn chị Vân Anh (sinh viên trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch) vừa in tranh vừa nói: “In tranh giúp tôi thư giãn và gợi nhớ về tuổi thơ hay cùng bạn bè chơi những trò chơi dân gian”.

Triển lãm Đông Hồ phiêu lưu ký đã thành công ngoài dự kiến của nhóm Ingo khi số lượng phụ huynh và các bé đến tham quan chật kín không gian sân chơi Nado Outdoor (quận 1). Chị Thu Ngân, tư vấn chiến lược của dự án cho rằng trẻ em là những người giữ lửa tốt nhất của nghệ thuật truyền thống và việc để trẻ em tham gia vào trải nghiệm nghệ thuật dân gian là cách giáo dục văn hóa tốt hiện nay. “Không chỉ là trải nghiệm cho trẻ, mà hoạt động của nhóm đang được các nghệ nhân ủng hộ, bởi chúng tôi đang cố gắng duy trì nghề truyền thống của các nghệ nhân, đó cũng là cách bảo tồn làng tranh Đông Hồ”, chị Ngân nói.

Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa Đông Hồ bằng việc đưa tranh Đông Hồ vào trường tiểu học thông qua bộ học cụ Ingo và sắp tới là nhiều hoạt động, sản phẩm khác có liên quan tới dòng tranh này nhưng hiện nay, nhóm dự án đang tìm địa điểm ở Hà Nội để đem triển lãm Đông Hồ phiêu lưu ký đến với trẻ em Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối