Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Người trồng điều lại lo ngay ngáy

Phú Li-

Tình trạng sâu bệnh hoành hành đang đe dọa nhiều nông dân trồng điều ở tỉnh Bình Phước, khiến họ phải đối mặt với một vụ mùa bết bát nữa.

Nhiều vườn bị sâu bệnh

Ông Nguyễn Văn Trình, người có 2,5 ha điều ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước chán nản cho biết, ông đã chủ động phòng ngừa bằng cách tỉa cành cho vườn thông thoáng cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật hết ba lần tính từ đầu năm đến nay “nhưng vẫn không ăn thua”.

Quan sát vườn điều nhà ông Trình, phần lớn cây đều có hiện tượng cháy lá, khô cành và khô đọt. Trong khi đó, chỉ còn khoảng hai tháng nữa là đến thời kỳ cây điều thay lá, ra hoa cho niên vụ 2017-2018. “Tình hình này không chừng lại mất mùa chứ chẳng chơi. Giờ chỉ còn biết tiếp tục phun xịt để mong có cứu vãn được gì không”, ông Trình nói.

Tại hầu khắp các địa phương khác của tỉnh Bình Phước - nơi được mệnh danh là thủ phủ điều với khoảng 134.350 ha, chiếm gần 50% diện tích điều của cả nước - cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo các nông dân có nhiều năm kinh nghiệm, nguyên nhân chủ yếu vẫn do thời tiết bất thường, mưa quá nhiều tạo độ ẩm cao, tạo môi trường lý tưởng để bọ xít muỗi chích hút lá non và bệnh thán thư phát triển.

Ngành chức năng của Bình Phước cũng đã đưa ra con số thống kê sơ bộ, cho thấy hiện có khoảng 34.392 ha điều bị sâu bệnh. Đáng lưu ý khi có nhiều diện tích trong số này thuộc sở hữu của đồng bào dân tộc thiểu số, việc chăm sóc có nhiều hạn chế khiến tình trạng hết sức nghiêm trọng.

Điều là cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Phước. Năm 2016, việc xuất khẩu điều đạt 500 triệu đô la Mỹ, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này. Những ngày qua, lãnh đạo tỉnh đã phải thường xuyên tỏa về các địa phương để nắm tình hình và đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh trên cây điều.

 tieuNông dân trồng điều đang đứng trước nguy cơ bị mất mùa rất cao.  Ảnh: Phú Li

Nguy cơ mất trắng

Một đoàn khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định tình trạng sâu bệnh hại rất nặng. Tuy nhiên, trước thắc mắc vì sao Bình Phước vẫn chưa công bố dịch, ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết theo Nghị định số 116/2014/NĐ-CP của Chính phủ, muốn công bố dịch thì phải có hai điều kiện.

Một là diện tích bị nhiễm bệnh phải tăng đột biến so với mức trung bình của hai năm liền kề trước đó. Hai là tỉnh đã áp dụng tất cả các biện pháp mà vẫn không kiềm chế được dịch bệnh. Hiện nay, Bình Phước vẫn chưa áp dụng được hết các biện pháp phòng trừ nên không đủ điều kiện để công bố dịch.

Có một hiện tượng mà các nông dân cho rằng khá đặc biệt, đó là nhiều vườn điều bị rụng và thay lá non ở thời điểm hiện tại, tức quá sớm so với thông thường. Những năm trước, cây điều hay rụng, thay lá và ra hoa vào khoảng tháng 11 (ngoại trừ niên vụ 2016-2017, cũng do tác động của thời tiết mà cây điều bị trễ vụ, mãi đến tháng 2 mới ra hoa). Vì vậy, có ý kiến cho rằng không loại trừ khả năng niên vụ điều năm nay sẽ đến sớm hơn.

Ông Phạm Văn Hòe, người có 1,2 ha điều ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập cho rằng nếu cây điều ra hoa giữa lúc sâu bệnh hại chưa bị khống chế như hiện nay thì chuyện nông dân bị mất trắng là khó tránh khỏi.

Hai năm trở lại đây, giá hạt điều luôn ở mức cao (khoảng 35.000-40.000 đồng/kg), song cây điều cũng bị sâu bệnh hại tấn công rất nhiều. Ở niên vụ 2016-2017, tình trạng mất mùa cũng diễn ra gay gắt với mức sụt giảm phổ biến từ 40-70% (trong khi năng suất bình quân thường cũng rất thấp, chỉ 1-1,5 tấn/ha), không ít nông dân mất trắng mùa điều.

Mặc dù vẫn duy trì ngôi vị là nước sản xuất và xuất khẩu nhân điều nhiều nhất thế giới, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,1 triệu tấn điều thô để đáp ứng năng lực sản xuất (1,4 triệu tấn). Chuyện thiếu hụt nguyên liệu trong nước và phải lệ thuộc vào nhập khẩu với nhiều rủi ro là bài toán nan giải của ngành điều từ nhiều năm qua. Tình hình mùa vụ hiện tại sẽ lại càng xoáy sâu thêm vào điểm yếu này.

[box] Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), trong năm 2017 này, ngành điều phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỉ đô la Mỹ, tăng 160 triệu đô la so với năm 2016. Tuy nhiên do bất thường của thời tiết, sản lượng cho chế biến dự kiến chỉ 250.000 tấn. Như vậy, lượng điều thô nhập khẩu phải tăng thêm 200.000 tấn nữa so với năm 2016.[/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối