Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Người truyền cảm hứng cắm hoa Ikebana tại Việt Nam

(SGTT) - Có một cô giáo trẻ đam mê nghệ thuật hoa đạo và luôn khát vọng quảng bá nghệ thuật có lịch sử hàng trăm năm của Nhật Bản này đến cộng đồng yêu hoa đạo tại Việt Nam.

Đó là cô giáo Lê Phạm Việt Hà, tên tiếng Nhật của cô là Abe Hanna.Tình cờ gặp cô tại một sự kiện triển lãm về hoa đạo Nhật Bản tại phòng triển lãm Nhu Garden ở Hội An, tôi được nghe câu chuyện truyền cảm hứng của cô giáo trẻ về bộ môn nghệ thuật cũng lắm công phu này.

Duyên với nghề
Lê Phạm Việt Hà (trái), nghệ nhân hoa đạo Ikebana và cô chủ của Nhu Garden bên cạnh những chậu hoa Shoka và Jiyuka. Ảnh: Nhân Tâm

Việt Hà nhớ lại rằng cô đến với nghệ thuật cắm hoa Ikebana Nhật Bản cách đây 16 năm khi sang Nhật Bản vào năm 2003. Năm 2005, cô quay lại Nhật Bản để học cao học ngành Đông phương học nhưng chủ yếu là để học nghề hoa đạo, một môn nghệ thuật mà cô rất tâm huyết.

Tại Nhật Bản, cô đã dành trọn một năm để theo học Ikebana tại trường Ikebono và mất 7-8 năm để thực hành. Kiên trì theo đuổi, cuối cùng cô đã đạt được chứng nhận trở thành giáo viên về hoa đạo. Tuy nhiên, sự nghiệp dạy học của cô cũng không hề dễ dàng. Trong hai năm qua, cô chỉ được đứng lớp với vai trò trợ giảng tại Nhật Bản.

Cũng trong thời gian đó, nhờ mạng xã hội, Việt Hà biết được tại Việt Nam có một vài nhóm yêu và theo đuổi nghệ thuật Ikebana. Để lan tỏa tinh thần hoa đạo Nhật Bản cũng như giúp những người đang muốn trở thành giảng viên như cô, Việt Hà đã về Việt Nam để gặp gỡ, giao lưu với các hội nhóm, đồng thời tổ chức các khóa học hoa đạo chuyên nghiệp.

Hòa và mỹ trong hoa đạo
Cắm hoa nghệ thuật Ikebana.

Dạo quanh khu vườn tại Nhu Garden, Việt Hà giới thiệu với tôi nhiều điều thú vị về nghệ thuật hoa đạo. Cuộc triển lãm ở Nhu Garden trưng bày đủ ba dạng thức cắm hoa tiêu biểu của Ikebana và một số sản phẩm được đổi mới nhưng vẫn giữ đúng tinh thần hoa đạo, tôn trọng sự hòa hợp giữa các yếu tố thiên nhiên với nhau cũng như yếu tố thiên nhiên và con người.

Kiểu cắm hoa Rikka gồm nhiều hoa lá khác nhau được kết hợp hài hòa tạo nên bức tranh phong cảnh. Các cành lá như vươn ra từ một gốc, được gọi là Mizugiwa, ranh giới nơi sự sống nảy sinh.

Tiếp theo là kiểu cắm Shoka, sử dụng từ một tới ba loại nguyên liệu, thể hiện tính đặc trưng một cách tự nhiên và hình thái lý tưởng nhất của nguyên liệu đó.

Cuối cùng là kiểu cắm Jiyuka, một dạng thức hoàn toàn tự do không có khuôn mẫu cố định. Với Jiyuka, người cắm có thể cắm hoa lá theo hướng tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên hoặc sắp xếp các nguyên liệu theo ý đồ của người cắm, thậm chí sử dụng các nguyên liệu không phải thực vật.

Để học hết các dạng thức cắm hoa này, người học cần trải qua 14 khóa đào tạo khác nhau, có thể kéo dài từ một đến bốn năm, tùy theo thời gian học.

“Bạn đừng ngại tiếp xúc với Ikebana vì nghĩ nó có quá nhiều quy tắc. Tinh thần hòa và mỹ trong hoa đạo đôi khi chỉ đơn giản là sự kết hợp một nhành hoa với một chiếc bình bạn yêu thích. Hòa là sự kết hợp giữa các yếu tố như cây cỏ trải qua mưa gió phong sương có được vẻ đẹp hiện tại. Các loại hoa lá khác nhau bổ trợ hài hòa trong một tác phẩm. Hòa sinh ra mỹ”, Việt Hà chia sẻ.

Tiếp tục lan tỏa tinh thần hoa đạo

Đây là lần đầu tiên cô giáo Việt Hà tổ chức triển lãm tại Hội An, lần đầu tiên cô kết hợp hoa với tranh và cũng là lần đầu tiên cô trưng bày tác phẩm trong không gian vườn. “Nhiều cái lần đầu tiên quá khiến tôi hồi hộp hơn những lần triển lãm khác. Nhưng sự phong phú của hoa lá Hội An và sự thân thiện của người dân mỗi khi tôi vào vườn xin hoa đã thổi bay mọi lo lắng”, cô xúc động nói. Triển lãm lần này cô chủ yếu sử dụng hoa lá địa phương như tre trúc Hội An, cây cỏ vườn nhà, hoa mọc tự nhiên trên đường hay gốm nung.

Không chỉ dừng lại ở cuộc triển lãm lần này, Việt Hà quyết định sẽ thường xuyên quay lại quê hương để tiếp tục truyền cảm hứng cho cộng đồng đam mê hoa đạo.A

Nghi thức thưởng lãm hoaCũng như trà đạo, hoa đạo hay còn gọi là Ikebana là nghệ thuật cắm hoa đặc trưng của Nhật Bản. Không chỉ đơn thuần là cách cắm hoa, hoa đạo Nhật Bản là sự coi trọng cung cách lễ nghi khi cắm hoa và cả sự tôn trọng, biết ơn với người cắm hoa.Trong hoa đạo, người ta cho rằng hoa cỏ cũng có sinh mệnh giống con người, khi chiêm ngưỡng các loài hoa đó, bạn cũng cần phải biết cách thưởng thức.Trước tiên, người xem sẽ ngồi trên một tấm chiếu và cúi đầu thực hiện nghi lễ với hoa. Sau khi xem kỹ toàn bộ cấu trúc bình hoa, cách kết hợp các vật liệu, bình hoa, bệ đựng bình hoa, người xem sẽ cúi đầu thể hiện sự cảm ơn đối với người cắm hoa.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối