Thứ tư, Tháng Một 22, 2025

Nguồn cung lúa gạo ở Đông Nam Á

Trong khi nhu cầu lúa gạo phải tăng thêm thì năng suất tự nhiên của lúa đang giảm do biến đổi khí hậu, đặt ra bài toán lớn cho các nền kinh tế lúa gạo trong khu vực Đông Nam Á.

Các nước xuất khẩu gạo ở Đông Nam Á đang phải vật lộn để giữ năng suất trước tình trạng biến đổi khí hậu khắc nghiệt.

Cuộc chiến tăng năng suất

Châu Á sản xuất đến 90% lúa gạo cho thế giới, trong đó Thái Lan, Việt Nam luôn nằm trong nhóm ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất. Tuy nhiên, ngân hàng SDB cho biết mức tăng sản lượng hàng năm tại các nước Đông Nam Á cũng chỉ vào khoảng 1,22%, đưa tổng sản lượng gạo khu vực lên mức 128,3 triệu tấn cho niên vụ 2021-2022.

Các thống kê cho thấy gạo cung cấp 20% lượng calorie toàn cầu, tương đương với 475.635 tấn gạo tiêu thụ trong năm 2017. Hệ lụy của biến đổi khí hậu lên năng suất lúa đã mạnh hơn người ta tưởng, và Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm quốc tế (IFPRI) cho biết mức giảm năng suất có thể lên đến 10-15% trong năm 2025, kéo theo giá lúa tăng từ 30-37%. Điều này đã thể hiện rất rõ tại Thái Lan khi nơi này chịu đợt hạn hán kéo dài giữa năm 2016 làm giảm đến 16% tổng sản lượng lúa. Thiếu nước, sâu bệnh, khí quyển nóng lên, độ mặn xâm nhập vào ruộng mỗi năm một sâu, và việc đối phó đôi khi trở thành một thứ trận chiến hoặc thắng hoặc thua.

Sản lượng lúa toàn cầu đã từ 578 triệu tấn trong niên vụ 2000-2001, giảm xuống còn 576 triệu tấn trong niên vụ 2001-2002. Sau đó, con số này tiếp tục giảm xuống 548 triệu tấn niên vụ 2002-2003, rồi 534 triệu tấn niên vụ 2003-2004 do nông dân chưa có kinh nghiệm đối phó với những vấn đề biến đổi khí hậu. Đà tăng sản lượng được phục hồi một cách nhọc nhằn kể từ niên vụ 2004-2005 với 542 triệu tấn, vượt lên 601 triệu tấn trong niên vụ 2009-2010 và 712 triệu tấn niên vụ 2014-2015 rồi khựng lại ở mức này suốt nhiều năm sau.

Điều này cho thấy việc gia tăng sản lượng, giữ vững năng suất, canh tác bền vững và giữ vững chất lượng hạt gạo không dễ chút nào trong bối cảnh thời tiết mỗi năm mỗi trở nên khắc nghiệt và trong chiều hướng diện tích canh tác bị thu hẹp lại.

Trên bình diện kinh tế, lúa gạo vừa là nguồn tự túc lương thực vừa là nguồn xuất khẩu, và các nền kinh tế lúa gạo Đông Nam Á thường có sự cân đối giữa nhu cầu sử dụng nội địa và việc thu ngoại tệ. Kế hoạch tự túc lương thực rõ nét nhất ở Indonesia với mục tiêu 100% lúa, bắp và đậu nành vào năm 2017, và đường, thịt bò vào năm 2019. Malaysia đặt mức tự túc 90% gạo. Trong khi đó Việt Nam quyết giữ mức tăng 2,5% sản lượng lúa hàng năm và giữ diện tích trồng lúa ở mức 3,8 triệc hecta. Philippines và Lào đi theo chiều hướng của Việt Nam nhưng đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lương thực thay gạo. Trong khi đó Myanmar, Kampuchia và Thái Lan không quy định mức tự túc lương thực.

Cạnh tranh ráo riết trên thị trường xuất khẩu

Các nước xuất khẩu gạo chính hiện nay là Ấn Độ với 12,5 triệu tấn trong niên vụ 2017-2018, tiếp theo là Thái Lan: 10,2 triệu tấn, Việt Nam: 6,7 triệu tấn, Pakistan: 3,8 triệu tấn, Myanmar: 3,3 triệu tấn, Mỹ: 3,3 triệu tấn, Trung Quốc: 1,6 triệu tấn, Campuchia: 1,25 triệu tấn, Uruguay: 810 ngàn tấn, và Brazil: 650 ngàn tấn. Ở đây thị trường xuất khẩu gạo chia làm hai nhóm: Việt Nam chọn phân khúc thị trường gạo giá thấp và như vậy phải cạnh tranh về giá với các đối thủ gạo giá thấp khác như Ấn Độ. Ngược lại Thái Lan chọn phân khúc thị trường gạo giá cao, bán cho những nước giàu có hơn nhưng ngược lại phải luôn giữ cho chất lượng gạo thật ổn định.

Các chính phủ kế tiếp nhau tại Thái Lan đều tập trung vào việc xuất khẩu gạo bởi nơi đây kinh tế lúa gạo nuôi sống đến gần một nửa dân số mà phần lớn là người trồng lúa. Vấn đề của họ là giữ cho chất lượng gạo luôn tốt hơn các đối thủ trên thị trường để bảo đảm vị trí dẫn đầu phân khúc gạo giá cao. Lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan giữ đều đặn ở mức tăng hàng năm 14,8% trong nhiều năm. Tại Indonesia, Bộ trưởng Nông nghiệp Amran Sulaiman cho biết lượng gạo sản xuất đã vượt nhu cầu nội địa từ năm 2017. Có thể trong nay mai Indonesia cũng sẽ trở thành đối thủ của Việt Nam trong xuất khẩu gạo giá thấp.

Việt Nam cũng đang có những toan tính riêng để ít nhất là gia tăng tỷ lệ gạo giá cao trên thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu. Biện pháp trước hết là thuần hóa và đưa công nghệ vào những giống lúa ngon đặc sản ở các địa phương, tẻ cũng như nếp. Đặc biệt là việc đưa kỹ thuật nguyên tử vào một số dòng lúa hiện hữu, hoặc để làm tăng năng suất và chống sâu bệnh đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, hoặc để tạo dòng lúa chất lượng cao nhằm cạnh tranh thị trường xuất khẩu.

Việc đưa kỹ thuật nguyên tử vào đối phó với tình trạng suy giảm năng suất nông nghiệp toàn cầu được các tổ chức quốc tế hoan nghênh và ủng hộ, nay đã lan rộng đến khoảng 70 quốc gia, áp dụng cho những loại nông sản khác nhau. Trong khi đó, tại Ấn Độ, biện pháp lai giống vẫn được ưu tiên, một mặt để đối phó với biến đổi khí hậu, mặt khác để gia tăng lượng gạo giá thấp xuất khẩu nhằm thu ngoại tệ cho nông dân.

Hoàng Xuân Phương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối