Để có nguồn thực phẩm sạch, nhiều gia đình ở thành thị bắt đầu với việc trồng cây xanh, rau sạch trên sân thượng, mua rau củ, thịt sạch tại các siêu thị... Tuy nhiên, việc lựa chọn thực phẩm sạch với người dân thành phố hiện nay đang còn là một thách thức khi Ban An toàn thực phẩm TPHCM thống kê việc sản xuất nông nghiệp tại thành phố chỉ cung cấp khoảng 30% nhu cầu thực phẩm trên địa bàn.
Thách thức của người nội trợ
Tham dự buổi hội thảo “Từ ăn sạch đến sống xanh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và hệ thống siêu thị VinMart tổ chức sáng ngày 13/12 tại TPHCM, bà Hồng Đào ngụ tại quận Tân Bình, cho biết bà thường hay đi chợ truyền thống để mua tôm cá tươi sống, gà vịt… Riêng việc mua rau, do lo ngại rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên bà đành quay về siêu thị để mua vì dù sao trên bao bì cũng có địa chỉ nhà cung cấp rõ ràng.
Không riêng bà Đào, nhiều gia đình chấp nhận mua hàng tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, một số phụ nữ khác tại buổi hội thảo lại cho rằng hiện nay chị em đang đi chợ truyền thống hay hiện đại thì cũng đều lo lắng về chất lượng sản phẩm, mặc dù có tên công ty sản xuất thực phẩm rõ ràng, nhưng mặt hàng họ mua liệu có được kiểm tra xem có còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, làm sao để biết đó có phải là rau sạch thật sự không?.
Tại hội thảo, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng phụ nữ là người quyết định chính trong bữa cơm gia đình, lựa chọn thực phẩm sạch tùy thuộc vào kiến thức của mình. Nếu gia đình có điều kiện kinh tế, chuyện lựa chọn thực phẩm chất lượng khá dễ dàng. Nhưng việc lựa chọn thực phẩm sạch với nhiều gia đình tương đối khó, khi chi phí thực phẩm thường chiếm 25-50% chi tiêu hàng tháng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bán qua kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) mới chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu ngành bán lẻ, còn lại chợ đầu mối, chợ truyền thống doanh thu chiếm tỉ lệ cao với 70%. Từ đó, Sở Công thương TPHCM đang chỉ đạo mục tiêu phân phối, dẫn dắt thị trường trong việc định hướng sử dụng hàng thực phẩm sạch, hàng Việt Nam chất lượng cao. Do đó, kênh phân phối gồm các siêu thị hiện đại, các cửa hàng tiện lợi được giao nhiệm vụ dẫn dắt chủ lực trong việc định hướng thị trường, và giải quyết tốt việc cung cấp hàng hóa sạch, có nguồn gốc, nhãn mác và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới, hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ phải tập trung thu mua hàng hóa ở các vùng nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo an toàn thực phẩm, và sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới hệ thống phân phối hiện đại, từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển thêm hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi và định hướng phát triển gần 50 siêu thị trên toàn thành phố.
Trước tình trạng các chợ truyền thống chiếm đến 70% doanh thu ngành bán lẻ, bà Trang khuyên chị em phụ nữ nên ưu tiên đến các siêu thị để yên tâm mua hàng chất lượng. Nếu bắt buộc phải đến chợ truyền thống, nên mua thực phẩm được bày bán trong nhà lồng chợ, nơi được ban quản lý chợ quản lý nguồn gốc hàng hóa.
Nhà bán lẻ phải chịu trách nhiệm cao nhất
Các chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng các sản phẩm nhập khẩu hay sản phẩm cần thời gian vận chuyển dài thì càng có nhiều chất bảo quản. Thực phẩm tại địa phương hoặc các vùng lân cận sẽ đảm bảo hơn về độ tươi mới. Nếu xét về mức độ dinh dưỡng thì thực phẩm của Việt Nam không hề thua kém thực phẩm nhập khẩu, thậm chí người tiêu dùng có thể tìm thấy nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng ở tại chính vùng miền hay trong chính vườn nhà mình.
Do đó, người nội trợ nên lựa chọn thực phẩm mà mình biết về quy trình nuôi trồng. Ở thành phố người tiêu dùng nên mua của các đơn vị cung cấp uy tín, có nguồn cung từ các nhà vườn chính.
Theo thông tin từ Ban Quản lý ATTP TPHCM, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bữa ăn tập thể, thành phố đang có kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, trước mắt yêu cầu toàn bộ trường học trên địa bàn chỉ được lấy nguồn thực phẩm an toàn, những thực phẩm đạt chuẩn, đạt chuỗi và có giám sát. Đối tượng tiếp theo là các nhà hàng, khách sạn hạng sang và tiếp đến sẽ mở rộng đối tượng, để thực phẩm sạch phủ khắp thành phố.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng cùng với vai trò của Nhà nước, các nhà bán lẻ phải kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng hàng hóa trước khi đưa vào hệ thống siêu thị. Hội đang chủ trì nhiều chương trình kiểm tra và nâng cao chất lượng thực phẩm trên địa bàn thành phố. Tiêu chí thực hiện sẽ hướng theo nhiều nước trên thế giới, đó là nhà bán lẻ phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thời gian qua Ban Quản lý An toàn TPHCM đã ký kết với các tỉnh thành như Long An, Lâm Đồng… nhằm kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất rau quả, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc. Thực phẩm an toàn này chủ yếu cung cấp cho hệ thống phân phối hiện đại như các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi…
Anh Minh