Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Nguy cơ mất việc vì tự động hóa

Mỹ Huyền-

Nhiều tổ chức nghiên cứu về tự động hóa trong sản xuất đã cảnh báo về việc tự động hóa có khả năng lấy đi hàng triệu việc làm ở khu vực Đông Nam Á.

Những công việc được thực hiện bởi hàng ngàn nhân công trong quá khứ, giờ đây và trong tương lai gần sẽ được thay thế bởi hệ thống robot và quá trình tự động hóa.

 

Mô hình “Thái Lan 4.0”

Theo phóng viên Martin Lowe từ tờ CGTN, Thái Lan là nước chịu ảnh hưởng đặc biệt từ xu hướng tự động hóa. Chẳng hạn, một nhà máy sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất Thái Lan chuyên sản xuất vỏ chai nước ngọt và bia, hiện nay đã cho ra hàng tỉ sản phẩm mà quá trình sản xuất được vận hành gần như hoàn toàn bằng robot theo mô hình kinh tế “Thái Lan 4.0”.

Với mục tiêu 50% tự động hóa sản xuất trong vòng 5 năm, “Thái Lan 4.0” là bước tiếp theo sau ba bước đầu của mô hình cải cách nền kinh tế Thái Lan từ năm 2016. Mô hình kinh tế này khởi đầu bằng các bước đưa kỹ thuật công nghệ vào nghành nuôi trồng, để người nông dân có thể tự làm chủ việc đồng áng thay vì lao động hoàn toàn bằng tay chân như trước, cũng như đẩy mạnh nền công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng tại đất nước này. Hiện tại, Thái Lan đã giảm chi phí cho nông nghiệp xuống còn 0,2% năm 2017 so với 0,9% năm 1994. Đây được coi là một bước tiến cho nền nông nghiệp Thái Lan.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của quá trình tự động hóa, các tổ chức bảo vệ người lao động tại Thái Lan lo ngại rằng quá trình này có thể dẫn đến khủng hoảng việc làm, thất nghiệp tràn lan. Cụ thể, Thái Lan hiện có 38 triệu người lao động trong các ngành nghề, trong đó 17 triệu lao động phổ thông và 6 triệu nhân công đã qua đào tạo cơ bản. Như vậy có tới 23 triệu người có nguy cơ bị mất việc.

Tình trạng tương tự cũng phổ biến ở khắp Đông Nam Á. Robot hóa trong ngành sản xuất cũng đang bắt đầu ở Campuchia, Philippines, Việt Nam và Indonesia.

Đông Nam Á từng có thế mạnh cạnh tranh cao do giá nhân công rẻ, nhưng với tốc độ tự động hóa như hiện nay thì lợi thế trên đã không còn nữa. Hầu như tất cả các công việc có chuyên môn thấp đều được tự động hóa. Những lao động dễ bị ảnh hưởng nhất là công nhân trong các dây chuyền lắp ráp, đóng gói thực phẩm, lao động tại các nông trại, nhân viên bán hàng, công nhân may mặc, thợ xây dựng...

 Viec-lam-1Tự động hóa là hướng đi của các ngành sản xuất hiện đại.

Xu hướng bắt buộc

Các nhà kinh tế học trên thế giới đang kêu gọi cải cách giáo dục để đào tạo người lao động sử dụng thành thạo yếu tố kỹ thuật số trong sản xuất và kinh doanh. Chính phủ Thái Lan đã ưu tiên các khoản vay hàng tỉ đô la Mỹ để đầu tư vào robot hóa vì cho rằng đất nước cần phải hiện đại hóa để tăng tính cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thái Lan cho rằng nên nhìn toàn diện về tương lai khi tính cạnh tranh trên toàn cầu ngày càng gia tăng, nếu không ứng dụng công nghệ mới thì tất cả nhân công cũng sẽ chịu ảnh hưởng dù đang ở bất kỳ vị trí nào trong nguồn cung ứng lao động.

Trong khi đó, các nhà quan sát lại cảnh báo rằng trong khi các nơi khác trên thế giới từng bước tiến hành tự động hóa, robot hóa thì tiến trình này diễn ra nhanh hơn nhiều tại Đông Nam Á. Với tốc độ tự động hóa như hiện nay, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo trên 80% lao động trong ngành may mặc có nguy cơ mất việc trong khu vực Đông Nam Á trong vòng hai năm tới.

Tiến sĩ Kiriya Kulkolkarn, khoa Kinh tế trường Đại học Thammasat (Thái Lan) nêu ý kiến Chính phủ cần hỗ trợ phúc lợi cho người mất việc từ quá trình tự động hóa hoặc thiết lập một khoản thu nhập cơ bản phổ thông. Vốn để hỗ trợ có thể từ thuế dành cho người có lợi nhuận từ việc tự động hóa. Tương tự, một số nhà chuyên môn về thị trường lao động cũng cho rằng không thể bỏ mặc người lao động tự xoay xở trong xu hướng tự động hóa nhanh chóng như hiện nay, mà cần có sự chuyển đổi ngành nghề hoặc đào tạo cơ bản.

[box] Singapore và Việt Nam được đánh giá là những nước thực hiện tốt quá trình tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh. Điều này có thể dẫn đến một khủng hoảng thất nghiệp “trên diện rộng” trong tương lai.

Ví dụ, mới đây, phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Đào Hữu Huyền, lãnh đạo Công ty cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang cho biết kể từ khi đưa vào vận hành thiết bị tự động hóa đã có hàng trăm người bị mất việc vì các phòng ban của công ty ông đều tự động hóa. Tương tự tại một nhà máy bột giặt và hoá chất ở Long Biên, trước đây có 100 lao động nhưng từ khi đưa máy móc vào hoạt động thì chỉ cần 10-15 người vận hành là đủ. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối