Diễm Quỳnh-
Tỷ lệ thai bám sẹo mổ lấy thai cũ ngày càng tăng và gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Vì vậy, muốn phát hiện sớm thai bám sẹo mổ lấy thai thì cách tốt nhất các thai phụ nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mới đây, một phụ nữ sống tại quận Gò Vấp, TPHCM đã phải vào Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu khẩn cấp do bị thai bám vào vết sẹo mổ lấy thai cũ. Chị cho biết, trước đây chị từng hai lần mổ lấy thai, sau đó chị có đặt vòng tránh thai, thế nhưng thời gian gần đây chị thấy khó chịu, đau bụng lâm râm, đi ra huyết. Sau khi khám ở bệnh viện Từ Dũ, chị được chẩn đoán có thai dính vào vết mổ cũ và phải nhập viện ngay lập tức.
Theo một khảo sát về tình trạng thai bám sẹo mổ lấy thai tại Bệnh viện Từ Dũ do bệnh viện thực hiện cho thấy có sự gia tăng số lượng thai ngoài tử cung ở sẹo mổ lấy thai qua từng năm. Cụ thể, năm 2010 (183 ca), năm 2011 (297 ca), năm 2012 (392 ca), 2013 (529 ca), 2014 (869 ca). Các số liệu này phản ánh tình trạng mổ lấy thai ngày càng gia tăng theo các năm.
Một bác sĩ sản khoa làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ cho biết, thai bám ở sẹo mổ lấy thai là một dạng thai ngoài tử cung đặc biệt. Theo lẽ thường, khi trứng đã thụ tinh ở ống dẫn trứng thì vài ngày sau, trứng sẽ di chuyển vào buồng tử cung và phần lớn trứng thụ tinh sẽ bám ở lòng tử cung. Nhưng với những bà mẹ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, một số trứng không đi vào tử cung mà bám lại ở vết mổ cũ và làm tổ ở đó.
Dấu hiệu thai bám sẹo mổ lấy thai cũng giống như một trường hợp thai ngoài tử cung bao gồm trễ kinh, đau bụng, ra huyết âm đạo. Nhưng nhiều trường hợp thai bám ở sẹo mổ lấy thai không có triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện được khi đi khám thai định kỳ. Vì vậy, chẩn đoán sớm thai bám ở sẹo mổ lấy thai sẽ giúp tăng khả năng bảo tồn được tử cung và giảm những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe sản phụ. Và siêu âm sẽ là một phương tiện khá hữu hiệu giúp chẩn đoán thai ở sẹo mổ lấy thai với các dấu hiệu: buồng tử cung rỗng, không có sự tiếp xúc túi thai, thấy rõ ống cổ tử cung rỗng, sự mất liên tục ở thành trước tử cung, hiện diện túi thai ở phần trước của eo, tử cung, không có hoặc thiếu tổ chức cơ tử cung giữa bàng quang và túi thai.
Việc thai phụ bị thai bám sẹo mổ lấy thai sẽ nguy hiểm, có nguy cơ nhau cài răng lược, gây xuất huyết ồ ạt trong quá trình dưỡng thai, thậm chí khi mổ lấy thai chảy máu nhiều và phải cắt tử cung để đảm bảo tính mạng cho thai phụ.
Cũng theo vị bác sĩ trên, việc điều trị thai bám sẹo mổ cũ tùy thuộc vào tuổi thai, kích thước túi thai, nguyện vọng còn sinh sản của thai phụ và tình trạng huyết động học. Trong trường hợp thai phụ có tuổi thai nhỏ hơn 8 tuần thường bác sĩ sẽ đặt một ống foley để đẩy khối thai ra khỏi vết mổ, sau đó sẽ hút thai sau 24 giờ. Còn trường hợp tuổi thai từ 8 đến dưới 14 tuần sẽ tiến hành chấm dứt thai kỳ bằng phương pháp hủy thai.
Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp nào phòng tránh được bệnh lý trên. Cho nên, sau khi mổ lấy thai, sản phụ phải ngừa thai ít nhất 18 tháng sau mới nên có thai lại, vì nếu có thai sớm sẽ dễ bị nguy cơ vỡ tử cung gây ảnh hưởng tính mạng của mẹ và thai nhi.
Ngay sau khi chậm kinh hoặc nghi ngờ có thai trở lại, thai phụ nên đến ngay cơ sở y tế để khám và kiểm tra xem có thai hay không, thai đã vào tử cung hay chưa và vị trí của thai trong buồng tử cung để đề phòng trường hợp thai bám ở sẹo mổ lấy thai.
Thai phụ nên khám thai đều đặn, đúng hẹn. Khi đi khám thai, đi sinh, cần khai rõ thời gian, lý do mổ lần trước, nằm viện bao nhiêu ngày sau mổ, có nhiễm trùng trong thời gian hậu phẫu không. Đặc biệt, người phụ nữ cần chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ, đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào thì đau nhói lên. Khi có dấu hiệu này có nguy cơ nứt vết mổ cũ, cần phải đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất.