Phan Anh -
Báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 15-2, có bài Thu gom rác thải điện tử: Đường còn rất dài, phản ánh về tình trạng thu gom rác điện tử cũng như cảnh báo mối nguy hại cho môi trường sống hiện nay. Đọc bài viết và có dịp đi nhiều nơi mới thấy vấn đề nêu trên thật đáng lo ngại vì mọi thứ đang diễn ra ngay kề bên chúng ta.
Vì lợi ích giá rẻ trước mắt, việc Việt Nam cho nhập khẩu ồ ạt rác thải điện tử từ các nước khác đã vô hình trung tự biến mình trở thành bãi rác thải công nghiệp.
Dọc quốc lộ 1A đoạn từ cầu Đồng Nai (thị xã Dĩ An, Bình Dương) đến huyện Bình Chánh (TPHCM) mấy chục năm nay đã tồn tại một khu vực chuyên bán các loại phụ tùng, thiết bị và máy móc cũ cho ngành công nghiệp, cơ khí, vận tải. Những loại máy móc này chủ yếu hàng cũ đã qua sử dụng nhiều năm, nhập lại từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Đức… Các loại máy xúc, xe ủi, xe nâng của nhiều hãng với rất nhiều kích thước, chủng loại mà phần lớn đã hết hạn sử dụng, nhiều chiếc được sản xuất từ trước những năm 1980-1990 và được nhập về Việt Nam với giá hàng phế liệu. Theo các chủ cửa hàng, phần lớn xe đã được sử dụng rồi và không còn tốt, có cái chỉ là đồ phế liệu, phải tân trang, sữa chữa lại mới bán được. Giá bán sau khi được tân trang là từ 300 triệu đến 1,8 tỉ đồng tùy vào năm sản xuất.
Từ ngã tư An Sương đến Hương Lộ 2 là “lãnh địa” cung ứng máy cơ khí chế tạo cũ. Ở đây có các loại máy điều khiển tự động (Computer Numerical Controlled – CNC), các loại máy phay, tiện, bào đến máy ép, thổi nhựa, khí nén, khoan, bào, cắt cỏ… Khoảng 80% trong số máy được nhập về đây có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 15-7-2014 và có hiệu lực từ ngày 1-9-2014, quy định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời hạn sử dụng không quá năm năm và chất lượng sản phẩm phải còn mới trên 80%. Tuy nhiên, thông tư này gặp phải sự phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Cuối tháng 8-2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng thi hành thông tư này và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng lại thông tư này cho phù hợp với điều kiện thực tế. Còn theo nội dung mới nhất của bản dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 20 nói trên, máy móc cũ muốn nhập khẩu vào Việt Nam chỉ cần đáp ứng tiêu chí là thời gian sử dụng không quá mười năm tính từ ngày sản xuất tới ngày nhập khẩu vào Việt Nam và chất lượng sử dụng trên 70%.