Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Nguy cơ từ tiêm chất làm đầy

Theo các chuyên gia về y dược học, thủ thuật tiêm chất làm đầy để làm đẹp có nhiều mạo hiểm, cần bàn tay của bác sĩ có chuyên môn cao.

Tiêm chất làm đầy để tạo hình thẩm mỹ là phương pháp làm đẹp khá phổ biến hiện nay.

Một trong những phương pháp làm đẹp thẩm mỹ đang được nhiều người ưa chuộng là tiêm chất làm đầy để giúp da tươi trẻ hoặc tạo hình thẩm mỹ mà không phải phẫu thuật. Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp dễ gây biến chứng.

Hàng loạt “tai nạn thẩm mỹ”

Ngày 20-7 vừa qua, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TPHCM) đã cấp cứu một phụ nữ 30 tuổi, ngụ tại quận 2. Trước đó, người phụ nữ này đã đến một cơ sở làm đẹp ở quận 4 để nâng mũi. Tại đây, các kỹ thuật viên đã dùng chất làm đầy (filler) loại hyaluronic acid để tiêm vào vùng mũi.

Chỉ 5 phút sau tiêm, khuôn mặt chị bắt đầu sưng to, mi mắt sụp xuống, da vùng mũi, trán có vết bầm lan rộng. Khi về nhà, chị D. thấy thị lực mắt trái giảm hẳn, chỉ nhìn thấy lờ mờ. Chị D. đã đến hai bệnh viện để thăm khám nhưng tình hình không cải thiện. Sau đó, chị D. được chuyển sang Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng mặt sưng to, hoại tử và tắc mạch mắt trái do chất làm đầy gây ra.

Trước đó, vào đầu tháng 6, các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận và cấp cứu cho bệnh nhân Đoàn Thị M., 23 tuổi, nhập viện do biến chứng sau tiêm chất làm đầy VINCI (crosslinked hyaluronic acid).

Qua thăm khám, các bác sĩ thấy toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, tiết dịch. Chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào nên việc điều trị rất khó khăn.

Cuối tháng 12-2016, một phụ nữ (22 tuổi, ngụ tại TPHCM) cũng bị đột quỵ, mù mắt sau khi tiêm chất làm đầy để nâng mũi và được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân 115. Người phụ nữ này đến một cơ sở spa để tiêm chất làm đầy, chủ cơ sở đã yêu cầu nhân viên đến một công ty ở quận Tân Bình mua 2 mũi tiêm chất làm đầy cho khách. Tuy nhiên, khi mới tiêm được nửa mũi chất làm đầy thì người phụ nữ than đau, mặt mày choáng váng, ói liên tục.

Những điều cần biết

Mục đích của việc tiêm chất làm đầy là làm tăng thể tích của một phần cơ thể trong thời gian ngắn, qua đó có thể nâng mũi, độn cằm, làm đầy môi, xóa nếp nhăn… Thủ thuật này bao gồm việc dùng loại kim chuyên biệt tiêm vào da một lượng rất nhỏ chất làm đầy, tạo thành một khối mô nhầy nằm dưới da, giúp da căng hơn.

PGS.TS. DS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Y dược TPHCM, cho biết tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc, tiêm không đúng chỗ, tiêm nhầm mạch máu hay sử dụng quá số lượng… là nguyên nhân khiến cho phương pháp làm đẹp này trở thành mối nguy hiểm khôn lường.

Chất làm đầy được dùng có thể là acid hyaluronic, collagen dạng tiêm, acid poly-L-lactic (Sculptra) hoặc calci hydroxylapatit (Radiesse). Đối với trường hợp acid hyaluronic (dùng ở dạng muối có tên hyaluronat), đây là chất tự nhiên trong cơ thể người, có nồng độ cao trong mô khớp và dịch khớp với vai trò bôi trơn, giảm xóc, bảo vệ khớp. Vì vậy, bác sĩ khoa cơ-xương-khớp có khi dùng acid hyaluronic tiêm vào khớp người bệnh để ức chế thoái hóa khớp, thúc đẩy tổng hợp tế bào sụn khớp.

Các chất làm đầy vừa kể được gọi là “chất làm đầy không vĩnh viễn” vì có tuổi thọ chỉ kéo dài từ 4 đến 18 tháng, tức sau thời gian này chất làm đầy sẽ tiêu tan. Khi đó, người ta lại tiếp tục tiêm chất làm đầy để làm đẹp.

Loại chất làm đầy vĩnh viễn phổ biến hiện nay là silicon dạng lỏng. Tuy nhiên sau khi phát hiện silicon dạng lỏng có để lại di chứng gây hại nguy hiểm, chất này đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. Cho tới nay, dù đã được cảnh báo tác hại của silicon trong làm đẹp, nhưng rất nhiều người vẫn để ngoài tai. Ở Việt Nam, vẫn thấy xuất hiện những trường hợp tai biến sau khi nâng mũi bằng silicon làm mặt biến dạng, tiêm silicon lỏng vào ngực dẫn đến hoại tử vùng ngực... Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không dùng silicon lỏng tiêm vào bất cứ nơi đâu để làm đẹp.

Hậu quả khôn lường

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, da liễu… biến chứng sau tiêm chất làm đầy nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu. Nếu để muộn, phần bị tiêm hoặc có liên quan sẽ bị hoại tử, bệnh nhân có thể bị mất chức năng, mất giác quan, không thể phục hồi trở lại bình thường. Nguy hiểm hơn là trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, chất làm đầy sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây liệt một phần cơ thể.

Quy định của các cơ quan tổ chức y tế, y khoa trên thế giới đều bắt buộc người thực hiện tiêm chất làm đầy phải là bác sĩ được cấp giấy phép. Biến chứng của chất làm đầy nếu có thường sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của những người không có chuyên môn và được cấp giấy phép. Tuy nhiên thực tế một số cơ sở không giấy phép cũng quảng cáo và thực hiện.

Ngoài ra, chất làm đầy không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng tại các cơ sở “chui” cũng là một tai họa thường trực. Những biến chứng khó lường của việc tiêm chất làm đầy có thể xảy ra là gây tắc mạch máu ở vùng tiêm. Ví dụ như tiêm vùng mắt, nếu gây tắc mạch có thể dẫn đến bị mù mắt, tiêm vùng má, mũi gây tắc mạch thì gây hoại tử mũi hoặc một phần mũi, hay tắc những mạch máu dẫn lên não có thể làm liệt một phần cơ thể. Ngoài ra, còn có nguy cơ bị nhiễm trùng do tiêm chích.

Tiêm chất làm đầy không phải là thủ thuật làm đẹp “đơn giản, nhanh và không đau” như thường được quảng cáo. Nếu không được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn cao, việc tiêm vào các chất làm đầy là con dao hai lưỡi, có thể gây ra những tai biến khôn lường.

Minh An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối