Nguyễn Minh Thanh -
Sống ở các đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội thì việc người đi bộ tiện ở đâu sang đường ở đó đã không còn là hiện tượng lạ.
Những vạch sơn trắng kẻ trên đường vốn dành riêng cho người đi bộ băng qua đường dường như chỉ du khách nước ngoài đến du lịch chấp hành. Trong khi đó, một số người dân không thấy xe lưu thông là sang đường, nhìn ngang nhìn dọc không có ai là sang đường bất kể là có vạch sơn chỉ dẫn sang đường hay không.
Dành ra thời gian buổi trưa để quan sát ở các con đường Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai sẽ thấy nhiều người làm văn phòng qua đường một cách tùy tiện. Họ khoác tay nhau vui cười băng qua đường không có vạch sơn dành cho người đi bộ, sang đường khi xe cộ chưa dừng lại.
Ở TPHCM nhiều cầu bộ hành ở Công viên Suối Tiên (quận 9), ở trước Bệnh viện Ung bướu (đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh), chợ Văn Thánh (Bình Thạnh) được xây dựng lên nhưng người dân những khu vực này vẫn không sử dụng. Họ nghiễm nhiên bước xuống lòng đường đông đúc để đi qua mà quên mất sự an toàn của chính mình và các phương tiện tham gia giao thông khác.
Một điểm giao thông nguy hiểm khác là giao lộ Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TPHCM) có hầm chui được xây dựng nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ bởi nơi này có lưu lượng xe tải lớn và xe khách lên đường cao tốc về miền Tây. Tuy nhiên người dân vẫn băng qua đường dù đã có hầm chui.
Ở TPHCM là vậy và Hà Nội cũng không khá hơn khi một tờ báo đưa tin Đi bộ đúng đường – “nhiệm vụ bất khả thi” của người Hà Nội, cho thấy việc qua đường tùy tiện trở thành thói quen khó bỏ.
Điều 9, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm gồm cảnh cáo hoặc phạt tiền 50-60 ngàn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Phạt tiền 60-80 ngàn đồng đối với đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Phạt tiền 80-120 ngàn đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc.
Chế tài đã có nhưng việc xử phạt người đi bộ hầu như rất ít. Cá nhân tôi cho rằng để xóa bỏ thói quen sang đường tùy tiện thì cần có các hình thức tuyên truyền phù hợp. Ngoài ra mỗi người dân nên vì sự an toàn của chính mình và cộng đồng mà dần từ bỏ thói quen xấu này.