Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Nguyên liệu lao dốc, doanh nghiệp nhựa lưỡng lự

Văn Nam

Chỉ trong vòng hai tháng từ tháng 10-2014 đến cuối năm 2014, giá các loại nguyên liệu hạt nhựa đã giảm 14-20%. Là ngành sản xuất được hưởng lợi khá nhiều từ việc dầu thô giảm giá, thế nhưng đến thời điểm này hầu hết doanh nghiệp nhựa trong nước vẫn lưỡng lự, chưa có động thái giảm giá sản phẩm đầu ra.

Chờ thêm chút nữa

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Th hôm cuối tuần rồi, một lãnh đạo của Tổng công ty TNHH MTV Công nghiệp in-bao bì Liksin tại TPHCM, cho biết nguyên liệu hạt nhựa chiếm 60% chi phí giá thành trong sản xuất bao bì. Thống kê của Liksin cho thấy từ tháng 10-2014 đến thời điểm cuối năm 2014 giá các loại hạt nhựa nguyên liệu đã giảm 14-20% (tùy loại) so với những tháng đầu năm 2014.

Vị đại diện Liksin cũng dự báo rằng nguyên liệu hạt nhựa sẽ tiếp tục có các đợt giảm giá mạnh trong năm 2015 theo xu hướng giảm giá dầu thô. “Giá nguyên liệu giảm sẽ giúp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dễ thở hơn. Tuy nhiên, dù giá hạt nhựa có giảm nhưng biến động cũng rất khó lường và các hợp động mua nguyên liệu hạt nhựa thường được ký trước một tháng nên rất khó cho doanh nghiệp chủ động mua tích trữ nguyên liệu”, vị này nói.

Sản xuất cọc nhựa PVC tại nhà máy của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn ở huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Văn Nam
Sản xuất cọc nhựa PVC tại nhà máy của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn ở huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Văn Nam

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, cho biết giá nguyên liệu hạt nhựa bắt đầu giảm mạnh từ tháng 10-2014 và theo đó, khoảng hai tháng sau các nhà sản xuất ngành nhựa đã có thể đưa được nguyên liệu giá thấp vào sản phẩm. Tuy nhiên, từ cuối tuần qua các tổ chức chuyên tư vấn về giá nhựa cho biết giá nguyên liệu hạt nhựa bắt đầu tăng trở lại, các lô hàng bắt đầu giao từ tháng 2-2015 đã không còn đà giảm. Theo ông Ngân, với tình hình này, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp ngành nhựa trong nước chưa có động thái nào về giảm giá sản phẩm đầu ra vì còn phải đợi xem việc giảm giá nguyên liệu còn kéo dài bao lâu, đến mức độ nào thì họ mới tính toán đến việc giảm giá sản phẩm. “Hầu hết doanh nghiệp đang trong trạng thái lưỡng lự, chưa doanh nghiệp nào giảm giá đầu ra và tiếp tục đợi chờ”, ông Ngân cho hay.

Tặng sản phẩm chứ không giảm giá

Đại diện một số doanh nghiệp nhựa khác cũng tiết lộ trước biến động giá nguyên liệu khó lường như hiện nay thì doanh nghiệp khó lòng giảm giá sản phẩm đầu ra bởi một khi đã giảm nhưng vì lý do nào đó buộc phải tăng giá trở lại, sẽ tạo tâm lý không tốt nơi người tiêu dùng. Vì thế, giải pháp được một số doanh nghiệp áp dụng để “lấy lòng” khách hàng là khuyến mãi thêm sản phẩm chứ không giảm giá.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty Nhựa Nguyễn Tân, quận 12, TPHCM nhận định nếu trong ba tháng tới, giá nguyên liệu hạt nhựa tiếp tục giảm thì công ty sẽ có phương án từng bước nhằm giảm giá các sản phẩm. Cái khó của hầu hết doanh nghiệp nhựa hiện nay là họ chỉ dám nhập nguyên liệu về phục vụ sản xuất cầm chừng, sản xuất tới đâu mua nguyên liệu tới đó chứ không nhập nhiều để dự trữ như lúc trước.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện nay 80% nguyên liệu dùng trong sản xuất nhựa, cao su phải nhập khẩu. Năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 3,46 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu với trị giá 6,34 tỉ đô la Mỹ và dự kiến trong năm 2015 lượng chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu vào khoảng 3,7 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2014.

Nhận định về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành cho rằng, nút thắt của ngành nhựa là nguyên liệu. “Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu nhựa. Hơn 80% nguyên liệu của ngành nhựa vẫn phải nhập khẩu. Trong khi đó giá nguyên liệu phụ thuộc vào giá dầu, vốn đang rất thất thường và khó dự đoán”, vị này nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối