Vũ Yến thực hiện -
Làm nông nghiệp hữu cơ không phải là chuyện mới ở Việt Nam, cũng không phải chuyện dễ. Vậy nhưng, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), một đơn vị với thế mạnh bán lẻ, lại đang dấn thân vào lĩnh vực mới mẻ đó. Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, xung quanh câu chuyện này.
Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa ông, đang là một doanh nghiệp bán lẻ phát triển rất mạnh, lý do gì đã thôi thúc Saigon Co.op đầu tư, phát triển dự án nông nghiệp?
Ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op.
- Ông Phạm Trung Kiên: Với vị trí và trách nhiệm của một doanh nghiệp bán lẻ thuần Việt đứng đầu thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam, Saigon Co-op từ lâu đã đặt mục tiêu đảm bảo chất luợng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách hàng lên hàng đầu, từ đó chúng tôi đã đầu tư tập trung không những về chiều rộng là mở rộng mạng lưới, mà còn về chiều sâu là quản lý chất lượng sản phẩm cung ứng trên toàn hệ thống siêu thị. Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý kiểm tra và kiểm soát chất lượng hàng hoá và vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng phòng kiểm nghiệm thực phẩm, đầu tư xe kiểm nghiệm lưu động để chủ động và nhanh chóng kiểm tra sớm tại vùng nguyên liệu-tại nhà sản xuất..
Từ nhiều năm nay, dựa vào yêu cầu cấp bách của thị trường-người tiêu dùng, từ định hướng cũng như trăn trở của Saigon Co.op cần phải tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất cung ứng tiêu dùng thực phẩm an toàn chất lượng hơn, chúng tôi đã quyết tâm tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, do những lý do khách quan và chủ quan, cho tới đầu năm 2016 chúng tôi mới chính thức triển khai dự án thí điểm đầu tiên, đó là phối hợp cùng các hộ nông dân của HTX nông nghiệp Tân Tiến, tỉnh Vĩnh Long sản xuất gạo Jasmine 100 đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ tháng 10 vừa qua chúng tôi đã có sản phẩm gạo đạt chuẩn VietGAP đầu tiên đạt sáu tiêu chí an toàn, chất lượng; tiến lên tiêu chuẩn Global GAP.
Với dự án thí điểm đầu tiên này, mục tiêu chính của Saigon Co.op là tìm kiếm một mô hình gắn kết trong chuỗi giá trị sản xuất-phân phối-tiêu dùng, bên cạnh thực hiện trách nhiệm xã hội của Saigon Co-op, chứ không phải nhắm vào lợi nhuận, tạo tiền đề cho Saigon Co-op đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, dự án đã làm đúng chức năng là gắn kết bốn nhà với những vai trò, nhiệm vụ cụ thể gồm nhà nước-nhà khoa học-nhà sản xuất (người nông dân) và nhà phân phối (Saigon Co.op) để đưa sản phẩm sạch, an toàn tới tay người tiêu dùng.
Trong khi thị trường tiêu thụ gạo sạch khá hẹp, nhiều công ty khác cũng đầu tư, liệu đây có phải là quyết định đúng của Saigon Co.op không?
- Như tôi đã chia sẻ, đây là dự án thí điểm đầu tiên trong dự án nông nghiệp sạch của Saigon Co.op. Nếu mô hình phát triển tốt thì chúng tô sẽ mở rộng ở nhiều địa phương, vùng miền khác nhau với các sản phẩm khác nhau. Do đặc thù là gạo sạch theo quy trình và phân bón hữu cơ, quy mô và sản lượng không lớn, lại phân phối trong hệ thống của Saigon Co.op nên chúng tôi có một số lợi thế khi đầu tư vào mảng này. Và như tôi đã khẳng định, chúng tôi chưa xem lợi nhuận là tiêu chí hàng đầu khi đang thí điểm nên chúng tôi thực sự chưa quá lo ngại về mức độ cạnh tranh trên thị trường.
Sau gạo, Saigon Co.op sẽ cho ra mắt những sản phẩm gì, thưa ông?
- Sau dự án gạo ở Vĩnh Long, tùy từng giai đoạn cụ thể và tùy vào điều kiện thực tế sản xuất chúng tôi sẽ lần lượt cho ra đời các sản phẩm thực phẩm thiết yếu như rau-củ-quả, thịt (gia súc, gia cầm), thủy hải sản, trái cây…
Vậy sản phẩm hữu cơ (organic) có phải là điểm tiếp theo trong lộ trình đầu tư thực phẩm sạch của Saigon Co.op?
- Đúng vậy. Chúng tôi cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là đỉnh cao của sản xuất nông nghiệp và là động lực cho nền nông nghiệp bền vững ở nuớc ta. Do đó bên cạnh việc tham gia đầu tư, phát triển vùng sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trọng tâm dự án nông nghiệp sạch của Saigon Co.op là ưu tiên đầu tư sản xuất cung ứng sản phẩm hữu cơ.
Ở thời điểm này, Saigon Co.op đã tham gia đầu tư vào một trang trại hữu cơ được chứng nhận quốc tế như USDA, EU rộng hơn 300 ha tại Cà Mau. Tới quý 1-2017, các sản phẩm hữu cơ như gạo, rau, thủy hải sản mang tên Co.op Organic sẽ được kinh doanh tại hệ thống siêu thị. Sau đó, Saigon Co.op cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các trang trại hữu cơ khác, để sớm cung ứng các thực phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng.
Việc đầu tư, phát triển dự án nông nghiệp sạch, kể cả với những đơn vị rất chuyên nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn. Vì sao Saigon Co.op tự tin đầu tư vào lĩnh vực này?
- Khó khăn của Saigon Co.op là không phải đơn vị chuyên sâu trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng qua quá trình kinh doanh lâu năm, gắn kết với các sản phẩm nông nghiệp nên Saigon Co.op tự tin mình có những hiểu biết về nhu cầu thị trường, có hệ thống dữ liệu về thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó Saigon Co.op có cơ sở để định hướng, để đầu tư nông nghiệp và tự tin có thể bảo đảm đầu ra.
Thêm nữa, Saigon Co.op là một đơn vị luôn đặt trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng, với người tiêu dùng lên trên hết. Chúng tôi tự tin và tự hào rằng mọi hoạt động không chỉ nhắm tới lợi ích kinh doanh mà nhắm tới lợi ích của người tiêu dùng. Khi đầu tư cho ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng thì chúng tôi tin sẽ được người tiêu dùng tin cậy, ủng hộ, nhất là khi chúng tôi trực tiếp đầu tư, giảm được nhiều chi phí trung gian, sản phẩm đến tay người dùng sẽ có giá tốt.
Ông nhắc nhiều đến “trách nhiệm xã hội”, với vai trò là nhà bán lẻ, Saigon Co.op đang thể hiện trách nhiệm này như thế nào, thưa ông?
- Từ nhiều năm qua, Saigon Co-op luôn chủ động thực hiện nhiều việc thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội và môi trường trong nhiều lĩnh vực, góc độ. Nổi bật như: tích cực trong chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” - hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, tiên phong trong chương trình “Bình ổn thị trường” suốt nhiều năm nay, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất cung ứng nông nghiệp, chủ động tích cực trong việc bảo vệ môi trường.
Trở lại câu chuyện nông nghiệp, thực ra chúng tôi tham gia vào nông nghiệp là do nền sản xuất trong nước có nhiều vấn đề, như khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng quá dài, qua nhiều khâu trung gian; vấn đề thực phẩm bẩn, không an toàn ảnh hưởng tới người tiêu dùng quá lớn. Saigon Co.op tham gia vào chính là thể hiện trách nhiệm xã hội, với mong muốn gắn kết chặt hơn chuỗi giá trị sản xuất-phân phối-tiêu dùng, mang lại những sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng, đem lại cuộc sống an toàn và thu nhập nâng lên cho người nông dân. Khi nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã chuyên nghiệp hơn, sản phẩm sạch, có chất lượng hơn, chúng tôi sẽ lại lùi về, tập trung đảm nhiệm vị trí của nhà phân phối.
Thêm vào đó, trách nhiệm xã hội của Saigon Co.op không chỉ là tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà quan trọng hơn là quá trình tạo ra sản phẩm ấy đảm bảo không làm tổn hại tới môi trường. Trách nhiệm xã hội ấy còn thể hiện ở các hoạt động thiết thực hàng ngày như khuyến khích khách hàng sử dụng túi tự hủy để bảo vệ môi trường, sử dụng điện năng hiệu quả, tiết kiệm và nhiều hoạt động vì cộng đồng khác mà Saigon Co.op thực hiện hàng năm.
Xin cảm ơn ông.