Hoàng Xuân Phương -
Không nhân viên thu ngân, không người phục vụ, đó chưa phải là tất cả đặc trưng của chuỗi nhà hàng Eatsa. Tại đây người ta có thể chuyện trò hay nhờ trợ giúp bởi các chú robot, các màn hình ki ốt tự động nhận ra món ăn mà khách muốn đặt và các món ăn hay thức uống sẽ có ngay trên bàn, bên trong một tủ kính nhỏ khi thực khách gõ tay vào đó hai lần.
Tại một nhà hàng ăn Eatsa ở New York.
Các ông chủ bằng robot hay người thật chưa bao giờ tiết lộ tại sao món ăn tươi ngon lại xuất hiện bên trong lồng kính, nhưng người ta nghĩ rằng đó chính là những máy in 3D sản xuất thực phẩm tại chỗ theo ý muốn. Phóng viên Nicole Galluci của tờ Mashable đã đến ăn tại một nhà hàng Eatsa mới mở trong khu East Coast của thành phố New York (Mỹ) và thưởng thức một thứ trải nghiệm hết sức lý thú tại đó, tất cả như là một cuộc cách mạng.
Nhà hàng kỹ thuật số này luôn cung cấp thực phẩm tươi nhưng với một cung cách hoàn toàn khác: không có lấy một nhân viên thu ngân, cũng chẳng có đến một người phục vụ để trao thực đơn, ghi phiếu ăn hay để bưng đồ ăn thức uống từ nhà bếp ra bàn. Thực khách chỉ việc đến đặt món ăn nơi các màn hình ki ốt hay trước màn hình máy tính, hay qua một ứng dụng trên mặt điện thoại của mình, rồi tìm một chỗ ngồi ưng ý.
Ở Eatsa, không có ai bưng đồ ăn cho khách cả. Khách đến đây chỉ cần ngồi vào một cái bàn, và món ăn mà họ yêu thích sẽ xuất hiện một cách bí ẩn ở ngay trên bàn, trong lồng kính, bên ngoài ghi đúng tên đăng ký của thực khách. Một dòng chữ xuất hiện trên đó cho biết món ăn hay ly nước đã làm xong, và việc cần phải làm là tự tay thực khách gõ vào lồng kính hai lần để cánh cửa mở ra và lấy thức ăn. Lúc này, khách sẽ nghĩ rằng có ai đó đã biết rất rõ về sở thích của mình, ai đó đã mang những thực phẩm ưa thích đặt vào trong tủ kính nhỏ? Theo Nicole Galluci, không có ai cả, chính công nghệ trí khôn nhân tạo đang làm nên những điều kỳ diệu.
Ý niệm về một thứ nhà hàng kỹ thuật số xem ra xa lạ, có chút gì đó đáng sợ, và vì thế mà một phóng viên với đầu óc bảo thủ đã phải tận mắt chứng kiến, ngay từ khi một cửa hàng ăn vừa mở. Nicole Galluci đã nghĩ rằng một nhà hàng không có những tương tác giữa nhân viên và thực khách sẽ rất buồn nản, thiếu sức sống, nhưng thực tế là điều ngược lại: Những hình ảnh vẫn sinh động, điệu nhạc vẫn du dương, các thực khách vẫn vui vẻ nói chuyện với nhau, và thỉnh thoảng một robot Eatsa (được gọi là Mascot) đi ngang qua chào bạn. Thực ra Eatsa vẫn có những người thật ở đâu đó, giữa những robot để cho mọi người có thể yên tâm mỗi khi cần sự trợ giúp cần thiết.
Người ta không biết những gì đã xảy ra trong “nhà bếp” của Eatsa ngoài những hệ thống thiết bị điện tử gắn trên tường, tất cả vẫn còn được giữ bí mật tạo nên thứ cảm giác hiếu kỳ. Hệ thống điện tử trên các tấm vách bức tường như có khả năng “thần thông” đọc được tất cả sở thích riêng tư của từng người, kể cả với một nhà hàng đồ chay như tại khu phố Manhattan này. Scott Bruggman, Giám đốc đào tạo tại Eatsa đồng thời là người lãnh đạo bộ phận nghiên cứu thực đơn cho biết “ở đây người làm việc chung với robot”, và điều này có thể giải thích tại sao công thức phối trộn thành món ăn được đưa ra rất nhanh và chính xác, nhờ vào công nghệ.
Trong khi nhà hàng kỹ thuật số xuất hiện như một giấc mơ, tạo nên sự kinh ngạc và lòng thích thú thì nhiều nhà phân tích lo ngại công nghệ sẽ tạo nên sự ngăn cách giao tiếp giữa những con người, ở đây là thực khách và người phục vụ. Nhưng những người trẻ lại thích đến đây để ăn, và cho rằng một môi trường công nghệ như thế thúc đẩy tính xã hội nơi con người nhiều hơn cả khi tiếp xúc với nhân viên thu ngân hay người phục vụ. Như vậy không chỉ nhà hàng kỹ thuật số là một ý niệm mới, mà cả phương cách thể hiện tính xã hội nơi con người ở đây cũng phát triển theo một ý niệm mới.