Minh Trần -
Du lịch thiên nhiên, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, văn hóa... Và còn một thứ du lịch hết sức thú vị mà không nhiều người để ý: du lịch bảo tàng. Hãy bước vào một bảo tàng, để tâm hồn đắm chìm vào bầu không khí lặng lẽ xung quanh, sẽ thấy trước mặt như một nhà hát mà các hiện vật trưng bày là những diễn viên đang diễn cho chúng ta xem những giấc mơ của con người. Những giấc mơ luôn có nhiều điều nhắn lại cho đời sau.
Ước mơ trường tồn
Các pharaoh với giấc mơ trở nên vĩ đại và sống mãi thì bây giờ cũng chỉ còn là những bức tượng đá cho du khách ngồi ngắm mà thôi.
Bảo tàng quốc gia Ai Cập nổi tiếng nằm ở Cairo ngay quảng trường Tahrir, nơi 5 năm trước xảy ra cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Mubarak được cả thế giới chú ý. Nhưng cũng không cần sự kiện đó, thế giới nhớ rằng mảnh đất này là cái nôi của một trong những nền văn minh vĩ đại cổ xưa nhất Trái đất.
Bảo tàng là một tòa nhà kiến trúc tân cổ điển sơn màu đỏ thẫm nổi bật khá bề thế. Nhưng so với những gì chứa bên trong thì nó quá là nhỏ bé.
Sau khi bỏ ra 60 pound để bước vào bên trong, du khách sẽ tức khắc ấn tượng với hàng trăm những quan tài sơn hình sặc sỡ xếp lớp trên những kệ gỗ, cứ thể như bảo tàng quá thừa mứa hiện vật như vậy. Mỗi một chiếc trong cái “đống” quan tài vua chúa cổ đại đó chắc chắn là niềm mơ ước của bất kỳ một bảo tàng lịch sử, nghệ thuật nào trên thế giới.
Tuy vậy, cái “đinh” của bảo tàng không phải ở đó, cũng không phải ở mặt nạ vàng của Pharaoh Tutankhamon, mà là hai phòng trưng bày xác ướp. Muốn vào đây, du khách phải bỏ thêm 100 pound. Mỗi phòng chứa khoảng một chục xác ướp của những Pharaoh vĩ đại. Trong đó nổi bật nhất là Seti I, Ramses III, Ramses vĩ đại, nữ hoàng Hatshepsut... mà tên tuổi gắn liền với những cuộc chinh phạt mở rộng bờ cõi đẫm máu của đế quốc Ai Cập.
Cho đến nay nghệ thuật ướp xác Ai Cập vẫn còn là điều bí ẩn. Kỹ thuật gìn giữ thi thể không tan rã sau 2.000-3.000 năm quả là kỳ diệu và lịch sử như thể quá tuyệt vời khi chọn cách thức này để đời sau cảm nhận cái ước vọng tột cùng của con người từ thuở khai thiên lập địa: được trường tồn.
Cách bảo tàng không xa, chỉ vài cây số, là quần thể kim tự tháp Giza nổi tiếng. Các Pharaoh đã kỳ công xây dựng kim tự tháp để hy vọng chúng sẽ bảo vệ thể xác mình mãi mãi. Công trình khổng lồ này là minh chứng cho sự kỳ diệu của bàn tay khối óc con người, những cũng minh chứng cho sự bóc lột sức lao động của hàng trăm ngàn nhân công, nô lệ trong điều kiện sống cực kỳ khắc nghiệt. Và chắc rằng xương máu của hàng ngàn người đã hòa lẫn vào tuyệt tác đó.
Cho đến bây giờ các kim tự tháp dù vẫn đứng sừng sững nhưng đã mai một điêu tàn cùng năm tháng, không phải là lời tuyên ngôn về sự bất tử mà như những đài tưởng niệm ghi khắc sự trả giá cho những giấc mơ trường tồn là quá đắt. Lịch sử luôn cho thấy không gì có thể mãi mãi tồn tại. Những xác ướp tuy vẫn còn nguyên vẹn hình hài, nhưng tất cả đã bị khô héo trở thành những vật thể vô hồn. Mới thấy sau hàng ngàn năm thì giấc mơ trường tồn đó vẫn chỉ là giấc mơ.
Ước mơ phú quý
Nếu được hỏi cần phải đi đâu để chứng kiến sự giàu sang, xa hoa, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những đại cường quốc. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Nếu ai đã từng đến một quốc gia còn bộn bề khó khăn vì bị bao vây cấm vận là Iran sẽ phải nghĩ khác. Bảo tàng châu báu ở thủ đô Tehran đang lưu giữ một bộ sưu tập những vật dụng bằng đá quý đồ sộ đến sững sờ. Chỉ cần bỏ ra số tiền tương đương khoảng 100.000 đồng Việt Nam là khách có thể chiêm ngưỡng nào vương miện, trường kiếm, dao găm, nào bình, chén, nào giày, dép, quần áo…, tất cả đều được cẩn không biết bao nhiêu là châu ngọc: hồng ngọc, cẩm thạch, hổ phách, kim cương… Ai đó chỉ cần sở hữu một viên đá nhỏ trong số hàng trăm ngàn viên đá ở đây là đủ sống cả đời. Chỉ cần nhìn mỗi một vương miện Pahlavi là đủ thấy: có 3.380 hạt kim cương (tổng cộng 1.144 carat), trong đó lớn nhất là hạt kim cương ánh vàng 60 carat. Ngoài ra còn có 5 viên ngọc bích (emerald) lớn với tổng cộng 200 carat.
Đó là bộ sưu tập của nhiều đời vua của đế quốc Ba Tư – đế quốc Trung Đông với nền văn minh Lưỡng hà nổi tiếng ở giữa hai sông Tigris và Euphrates. Bộ báu vật này bắt đầu được sưu tầm từ thế kỷ 16. Chỉ cần một ông vua tích lũy của cải thì có xài đến nhiều đời vẫn còn thừa mứa. Nhưng các ông vua Ba Tư vẫn tiếp tục tích lũy, tích lũy. Không gì có thể lý giải được ngoài tham vọng làm giàu.
Ở xa hơn nữa về phía đông, tham vọng làm giàu của các triều đại vua phong kiến Trung Hoa cũng tỏ ra không kém. Muốn tận mắt nhìn thấy điều đó không phải đến Bắc Kinh mà là… Đài Bắc. Trong một tòa nhà được xây dựng mô phỏng theo cấm cung Bắc Kinh, Bảo tàng cung điện Đài Loan sở hữu bộ sưu tập lịch sử nghệ thuật Trung Hoa lớn nhất và quý giá nhất thế giới. Với gần một triệu hiện vật, người ta ước tính rằng cùng lúc bảo tàng chỉ trưng bày được một phần trăm số báu vật của mình. Những hiện vật ở đây không chỉ vĩ đại về giá trị của vàng bạc châu báu, mà gây ấn tượng lớn về sự kỳ diệu mà con người có thể tạo ra qua việc chạm khắc, tạo hình. Như bộ gốm sứ Nhữ diêu, bộ sưu tập điêu khắc đá quý...
Khát khao giàu có của nhiều người là vô hạn. Tất nhiên không cần giàu có đến mức như vậy để sống sung sướng, nhưng họ vẫn muốn khối tài sản của mình càng đồ sộ càng tốt. Từ thuở hồng hoang khi mới ra khỏi hang động con người chỉ sản xuất đủ cho cái ăn, cái mặc. Rồi họ bắt đầu dư thừa. Và họ tích lũy lại chỉ để thỏa mãn ước mơ sở hữu thật nhiều, thật nhiều. Những khối tài sản vượt xa trí tưởng tượng như vậy đến từ những đợt cống nạp của các quốc gia nhỏ bé bị đô hộ, từ sự chiếm đoạt trong những lần đi chinh phạt tàn khốc. Những kho báu đó hình thành từ những trang sử đầy máu và nước mắt.
Cuzco (Peru) được biết đến bởi di tích Machu Pichu, thành phố trên cao nổi tiếng của người Inca. Nhưng để đến chiêm ngưỡng kỳ tích đó, du khách sẽ phải băng qua hàng trăm cây số bảo tàng ngoài trời: “ruộng bậc thang bằng đá”. Những công trình đá tầng tầng lớp lớp rất vĩ đại, nhưng tất cả đều... hoang phế. Dân tộc tạo ra kỳ tích đó giờ đã đi về đâu? Bảo tàng ngoài trời này là minh chứng hùng hồn cho con đường máu và nước mắt khi thực dân phương Tây tràn đến Nam Mỹ để vơ vét tài sản thuộc địa. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để có sự giàu có, kể cả diệt chủng.
Giấc mơ quyền lực
Ngày nay, khi đến những cường quốc và tham quan các bảo tàng nổi tiếng, đi lướt qua không biết bao nhiêu là hiện vật tiêu biểu cho hầu hết các nền văn minh trên Trái đất, du khách lại có cảm giác không phải đơn giản là sự giàu có nữa mà là quyền lực.
Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) rộng 60.000 m2, có bộ sưu tập với gần nửa triệu hiện vật. Bảo tàng quốc gia Anh Quốc ở London rộng 92.000 m2 với 13 triệu hiện vật (!). Cả hai bảo tàng đều sở hữu hầu như đầy đủ các bộ sưu tập của văn minh Cận Đông, Á, Phi, Mỹ, Hy Lạp, La Mã, Ý, Hồi giáo...
Cả hai bảo tàng đều được hình thành từ khoảng thế kỷ 15-16 khi mà các cường quốc Tây Âu với thế mạnh khoa học kỹ thuật bắt đầu manh nha đi chinh phục thế giới. Và ở đâu mà quân đội họ đến thì đều theo sau là những chuyên gia, những thương gia sẵn sàng thâu tóm tài sản quý giá từ các nền văn minh bằng nhiều cách. Lấy Ai Cập là một ví dụ. Bộ sưu tập Ai Cập ở cả Louvre và Bảo tàng Anh Quốc đều hình thành tương tự nhau. Xâm chiếm, tịch thu, chuyên chở về chính quốc hoặc các nhà khai thác thuộc địa săn lùng “mua lại” ở các địa phương rồi bán lại hay cống nạp cho chính quốc.
Ngay ở giữa quảng trường Concorde ở Paris cạnh Louvre đứng sừng sững cột đá Ai Cập cổ đại nổi tiếng cao 23 m mang đến từ Luxor. Ở London (Anh Quốc) và New York (Mỹ) – trái tim của những siêu cường – đều có cột đá tương tự như vậy. Tất cả là “quà” của chính quyền Ai Cập gửi “tặng” họ vào thế kỷ 19. Những món quà này được gửi tặng cho các nước đế quốc khi Ai Cập và các quốc gia lân cận đang có sự tranh giành quyền lực và tất nhiên ai được các đế quốc bảo hộ càng nhiều thì càng có cơ may giành chiến thắng.
Việc khai thác thuộc địa vơ vét tài nguyên, nhân lực để phục vụ cho sự phát triển kinh tế chính quốc là điều dễ hiểu. Còn việc thâu tóm các báu vật lịch sử, văn hóa rõ ràng không phải là thỏa mãn khát vọng giàu sang mà có lẽ không gì khác ngoài để thỏa mãn giấc mơ quyền lực. Đó là cảm giác quyền lực quyết định số phận của các dân tộc của các nền văn minh khác. Hãy đến Paris, London, hòa vào dòng người nườm nượp nối chân nhau lướt qua những phòng trưng bày để trầm trồ trước các giá trị hoa mỹ, để rồi suy ngẫm về giấc mơ quyền lực và cái giá con nguời phải trả cho chúng. Cái giá ấy là chế độ thực dân đè nặng hàng mấy trăm năm lên hàng trăm nước thuộc địa.
Mơ giấc mơ nào?
Có thể không được to lớn, không được hùng vĩ, không có nhiều hiện vật giá trị “khủng” như nhiều bảo tàng khác, nhưng có một bảo tàng nhỏ bé, khiêm tốn nằm ở Philippines có lẽ lại là nơi mang lại cảm xúc sâu sắc nhất và nhân văn nhất cho người đến tham quan.
Đó là Bảo tàng lúa thế giới, nằm trên phần đất của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cách Manila khoảng 70-80 km về phía nam. Đường đến đây qua nhiều cánh đồng, núi đèo và rừng thẳm để lại trong lòng du khách sự bình yên trong màu trời-đất-cây lá. Bảo tàng chỉ là một khu nhà không lớn, bên trong là các hiện vật đời thường như liềm, cày, thau, chậu… Tất cả dùng để kể lại câu chuyện con người đã sống với cây lúa như thế nào từ thuở khai thiên lập địa. Tất cả để nhắc là thiếu cây lúa, con người liệu có tồn tại trong hình hài như ngày nay. Tất cả đều gợi lại câu chuyện trên những thửa ruộng tình người đã nảy sinh như thế nào.
Càng ý nghĩa hơn khi ngay bên cạnh là Ngân hàng giống lúa. Ngân hàng chứa tổng cộng 120.000 lúa giống từ khắp nơi trên thế giới. Có những giống lúa ngày nay hầu như đã tuyệt chủng ở chính quê hương của nó. Muốn vào ngân hàng lúa phải được mặc áo bảo hộ, qua nhiều lớp cửa để bước vào phòng lưu trữ đặc trưng với nhiệt độ từ 2oC đến âm 20oC. Những hộc đựng các giống lúa nằm san sát nhau cứ như là những ngôi mộ ở nghĩa trang dễ làm cho du khách cảm nhận sự mong manh của sinh tồn và diệt vong.
Những ai đã chu du hang cùng ngõ hẻm, có lẽ nên một lần đến đây để nghe hạt lúa nhắc nhở rằng cái quý giá nhất của con người chính là sự sống, tất cả những ước mơ vinh hoa, phú quý hay quyền lực chỉ đều là mong manh, thoáng đến rồi thoáng đi.