Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Nhà phân phối đòi nông sản sạch

Trước tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), một trong những tiêu chí bắt buộc là bên cung cấp nông sản không dùng hoặc phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong các mặt hàng này.

Phát hiện thì chuyện đã rồi

Thời gian qua, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã khiến việc xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Đơn cử như thanh long, chuối đã từng bị nước nhập khẩu cảnh báo về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một thành viên của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, lý giải rằng do bệnh ruồi đục trái có dấu hiệu tăng nên để bảo vệ vườn thanh long người dân đã phun thuốc. Theo nguyên tắc, sau khi phun thuốc thì phải cách 7-10 ngày mới được thu hoạch, thế nhưng vẫn có nông dân không tuân thủ nguyên tắc này.

Trên thực tế, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép không chỉ có sản phẩm trong nước mà cả những sản phẩm nhập khẩu. Mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) phát hiện một số rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định. Tuy nhiên, khi phát hiện ra thì mọi chuyện đã rồi, người tiêu dùng đã mua.

Nhà phân phối có quyền

Để chuẩn bị cho Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ thực phẩm 2014 diễn ra vào cuối tháng 10 này, ITPC đã làm cầu nối cho các nhà sản xuất và phân phối đối với các mặt hàng nông sản. Qua đó, ITPC nhận thấy rằng các nhà phân phối đang có những đòi hỏi khắt khe hơn với nhà sản xuất là phải kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc ITPC, cho biết hiện đơn vị này đã kết nối các nhà sản xuất với nhà phân phối như hệ thống các siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm ở TPHCM. Theo ông Tuấn, để sản phẩm nông sản có mặt tại các siêu thị thì vừa dễ lại vừa khó. Cái dễ ở đây là các siêu thị yêu cầu về việc đóng gói, quy cách hàng hóa, và điều này khá đơn giản đối với doanh nghiệp sản xuất, thu mua. Còn cái khó chính là nhà phân phối muốn nhà sản xuất không dùng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phải cam kết là đảm bảo kiểm soát được dư lượng thuốc.

Theo ông Tuấn, để có thể đáp ứng những yêu cầu này đòi hỏi nhà sản xuất phải có sản phẩm được công nhận đạt các tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt như VietGap, GlobalGap... “Những điều các nhà phân phối yêu cầu tưởng chừng đơn giản nhưng để đáp ứng được thì ngành nông nghiệp phải điều chỉnh lại phương thức sản xuất”, ông Tuấn nói.

[box type="download"] Tại TPHCM, để tránh những trường hợp “lọt lưới” như câu chuyện trái cây nhập khẩu nói trên, UBND thành phố có công văn gửi Bộ NN&PTNT cho phép dùng bộ dụng cụ kiểm tra nhanh (bộ kít) các loại chất hóa học có trong thực phẩm trên thị trường. Nếu được sử dụng, khi cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh… thì được tịch thu lô hàng. Sau đó, mới lấy mẫu phân tích, kiểm tra xem hàm lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật có vượt quy định hay không.

Tuy nhiên, kiến nghị này không được bộ đồng ý. Theo Bộ NN&PTNT, việc kiểm tra bằng bộ kít chỉ cho kết quả ở dạng định tính, mà không thể biết được hàm lượng cụ thể. Do đó, trong trường hợp tịch thu lô hàng để phân tích, kiểm tra, song lô hàng có hàm lượng hóa chất ở dưới ngưỡng cho phép sẽ gây thiệt hại cho người kinh doanh.[/box]

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối