Mạnh Tùng
Việc mua bán nhà ở mặt tiền hoặc trong hẻm tại TPHCM vẫn diễn ra âm thầm với nguồn cung dồi dào, nhu cầu khá cao và giao dịch thành công gọn lẹ. Ghi nhận chuyển động thị trường cho thấy đã có sự chuyển dịch cách thức rao bán cũng như tìm mua phân khúc này.
Sàn giao dịch “cửa đóng then cài”
Cách đây chừng nửa năm, tại nhiều đoạn ở các con đường của quận Gò Vấp như Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Cây Trâm, Phạm Văn Chiêu... nằm san sát nhau là các điểm môi giới nhà phố mặt tiền, nhà trong hẻm, đất nền giá rẻ. Tuy nhiên, tới thời điểm này, các điểm môi giới không còn nhiều. Một số nơi còn treo biển thì cũng “cửa đóng then cài” qua nhiều ngày trong tuần.
Trong vai người mua nhà, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị gọi đến số điện thoại của những điểm môi giới đóng cửa này, nhân viên môi giới đều lấy lý do đang bận việc ở ngoài chưa về được và hẹn gặp lại sau. Ông V., một người làm nghề môi giới ở đường Cây Trâm cho biết, khoảng 3-4 tháng trở lại đây, rất nhiều điểm môi giới nhà phố xung quanh đây “dẹp tiệm” vì quá vắng khách, một số người làm nghề này không đủ sống nên phải chuyển nghề nhưng vẫn treo bảng hy vọng “vớt” được khách nào hay khách đó.
Tại một điểm môi giới khác trên đường Lê Văn Thọ, một người môi giới tên Sơn lôi một xấp giấy photocopy sổ hồng của những chủ nhà gửi ông để giới thiệu cho một khách hàng đến tìm hiểu mua nhà. “Nhà đúc lửng, diện tích 40 m2 ở hẻm đường Cây Trâm, phường 8, giá 1,37 tỉ đồng; nhà diện tích 45 m2 , một trệt, một lửng ở hẻm 64 đường Quang Trung, phường 12, giá 1,1 tỉ đồng; nhà cấp bốn diện tích 47 m2 ở hẻm 35 Phạm Văn Chiêu, giá 1,1 tỉ đồng...”, ông Sơn liên tục chào hàng. Tuy nhiên, sau một hồi đắn đo, vị khách kia lắc đầu, và ông Sơn cũng lắc đầu ngao ngán với cảnh môi giới nhà phố hiện nay không dễ ăn.
Ông Hoàng, người từng làm môi giới nhà phố ở đường Lê Văn Thọ hơn 10 năm nay cũng dẹp bảng tiệm và chuyển mặt bằng làm quán bán nước vì quá ế ẩm. Ông Hoàng cho biết, liên tiếp ba tháng cuối năm 2014, ông không bán được một căn nhà nào do khách ký gửi nên không có thu nhập. “Làm nghề này mãi như vậy lấy gì sống?”, ông Hoàng than.
Khi các điểm giao dịch ngày càng teo tóp vì ít khách thì giới “cò” chuyển “văn phòng giao dịch” sang đặt tại... quán cà phê, tiệm tạp hóa. Theo giải thích của một số chủ quán có treo biển môi giới, hoặc là môi giới nhà đất ế ẩm nên họ phải chuyển mặt bằng qua kinh doanh mặt hàng khác và làm song song với nghề cũ, hoặc là nhiều chủ quán muốn kiếm thêm thu nhập và “trải nghiệm” nghề mới nên treo biển môi giới để làm thêm.
Chuyển sang tự mua tự bán
Ông Trần Văn Thuận, đang ở một chung cư tại quận Gò Vấp, hiện muốn tìm một căn nhà phố, rộng rãi, nằm trong hẻm để dọn về sống, còn chung cư ông sẽ cho thuê. Dạo một vòng các con hẻm, ông Thuận khá ưng ý với căn nhà ở đường số 14, phường 8 với một trệt, hai lầu. Tuy nhiên, giá bán mà chủ nhà đưa ra là 4,5 tỉ đồng khiến ông hơi hụt hẫng vì vượt quá khả năng của mình. Ông Thuận cho biết sẽ đi tìm căn nhà khác với giá mềm hơn, chừng ba tỉ đồng để có thể dọn nhà sau tết.
Nếu ông Thuận đi mua thì cũng có những người như ông Đức đang rao bán nhà. Cách đây hơn một tuần, ông đã bán được căn nhà cấp bốn trong một con hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) với giá 1,4 tỉ đồng chỉ sau hai tuần treo bảng bán nhà trước cổng. Theo lời ông, quá trình mua bán diễn ra khá nhanh chóng sau khi ông đồng ý giảm cho người mua 30 triệu đồng so với giá đăng tin. Cũng trên con đường này, ông Quốc sau nửa tháng treo bảng bán nhà một trệt, hai lầu với giá gần 3,5 tỉ đồng cũng đã tiếp khoảng 10 người tới hỏi mua.
Ngoại trừ các quận trung tâm như quận 1 và quận 3, hai quận Phú Nhuận và Tân Bình là nơi có nhiều căn nhà phố được rao bán. Mỗi căn nhà trong hẻm hoặc đường nhỏ tại hai quận này với diện tích chừng 40-50 m2 , một trệt, một lầu cũng có giá 3,5-5 tỉ đồng tùy vào vị trí.
Trong khi đó, các căn nhà phố ở quận Gò Vấp nằm gần khu sân bay Tân Sơn Nhất cũng có giá tương tự. Nhà phố với cùng diện tích trong các con hẻm, đường nhỏ ở quận Thủ Đức tại các phường Linh Xuân, Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước có giá thấp hơn, trong khoảng 1,5-2 tỉ đồng. Trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, một số hộ dân cũng treo biển bán nhà với lý do nhà cũ bị thu nhỏ lại do quy hoạch làm con đường mới này. Theo một người dân đang treo biển bán nhà tại đây, giá bán nhà ở đây trung bình 27 triệu đồng/m2, thậm chí sẽ cao hơn nữa vì nhà của họ đang ở vị trí mặt tiền của đại lộ.
Với kinh nghiệm làm môi giới nhà đất nhiều năm, ông Trần Văn Trường (có văn phòng giao dịch ở quận 3) nhận định nguồn cung nhà phố luôn dồi dào vì chuyện chuyển nhà của người dân đô thị luôn diễn ra. Giá bán nhà ở phân khúc này luôn trong tư thế “dòm ngó nhau”, tức là người bán, người mua thỏa thuận sao cho phù hợp với giá mặt bằng chung của giá đất ở mỗi khu vực, giá trị của căn nhà.
Bà Quỳnh, nhà trên đường Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh đang muốn bán gấp căn nhà cũ một trệt, một lầu, diện tích khoảng 34 m2 với giá 1,7 tỉ đồng. Không ký gửi ở điểm môi giới, bà đăng tin rao bán trên một số trang rao vặt miễn phí với lời nhắn: miễn trung gian. Sau một tuần đăng tin, bà nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm và đang trong quá trình thương lượng với người mua. Theo bà Quỳnh, kênh đăng tin trên mạng sẽ hiệu quả hơn việc ký gửi cho các điểm môi giới khi bán được nhà mà không phải chi hoa hồng.
Ông Trường cho rằng, sở dĩ các điểm môi giới đang chết dần vì hiện nay, kênh rao bán nhà trên mạng đang phổ biến và hiệu quả, tiết kiệm hơn khiến lượng người ký gửi nhà tại các điểm này cũng giảm dần. Đồng thời, khách hàng có nhu cầu mua nhà lại có xu hướng dạo trên mạng tìm nhà hoặc đến thương lượng trực tiếp với người bán.