Cao Ban -
Bàn về hướng phát triển nhà giá rẻ tại TPHCM, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cho rằng họ còn gặp nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính cũng như giải pháp hạ giá thành sản phẩm.
Thủ tục tối đa còn 6 tháng
Nhà giá 100 triệu đồng/căn chỉ nên phát triển tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ảnh: Quỳnh Trần
Tại hội thảo “Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ” tổ chức ngày 27-2, nhiều ý kiến cho rằng TPHCM chưa thực sự phát triển nhà ở xã hội là do doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, khiến dự án bị ngâm quá lâu, ảnh hưởng tới tiến độ công việc và hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, cho biết công ty có dự án nhà ở thương mại Lê Thành An Lạc quy mô 2 ha đã hoàn chỉnh pháp lý. Vì muốn chuyển sang làm nhà ở xã hội cho thuê – một phân khúc mà thành phố có nhu cầu lớn và còn khan hiếm nguồn cung, nên ông nộp đơn xin chuyển đổi từ nhà thương mại sang 1.000 căn nhà ở xã hội. Ông bắt đầu nộp hồ sơ từ tháng 12-2014, tới nay đã 27 tháng, nhưng hồ sơ vẫn chưa được duyệt.
“Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội chỉ mong nhất là thời gian làm thủ tục được rút ngắn vì điều này ảnh hưởng lớn đến chi phí và giá thành”, ông Nghĩa nói.
Công ty Địa ốc Hoàng Quân cũng kêu khó vì đã mất 2 năm làm thủ tục nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Chủ tịch công ty này, ông Trương Anh Tuấn cho biết thủ tục bắt đầu từ cấp huyện, lên Sở Xây dựng, rồi chờ ý kiến của các sở ngành liên quan, cuối cùng mới trình lên UBND thành phố. “Quy trình rất phức tạp, phải đi qua nhiều cửa. Phải làm sao quy tất cả các thủ tục về một đầu mối thì nhà ở xã hội mới phát triển được”, ông Tuấn bày tỏ.
Đại diện Công ty Thiên Phát cho biết, một dự án của đơn vị này đã phải mất 7 năm chờ thủ tục mới được thực hiện. Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, công ty chỉ mất khoảng 4 tháng đã làm thủ tục xong cho quỹ đất 20 ha.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, khẳng định rằng chính quyền kiến tạo, giúp đầu tư hạ tầng, quỹ đất, thủ tục hành chính... sẽ quyết định 70% thành công chính sách nhà ở xã hội, 30% còn lại doanh nghiệp hành động bằng cách sử dụng vật liệu tiên tiến, giảm giá thành sản phẩm.
Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành khác, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư một dự án nhà ở xã hội còn 6 tháng, tạo cơ chế “một cửa” duy nhất cho doanh nghiệp liên hệ.
Không phát triển đại trà nhà 100 triệu đồng
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trong giai đoạn 2017-2020, nhà thương mại vừa túi tiền, nhà xã hội, nhà cho thuê giá rẻ vẫn trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung vì nhu cầu có thể lên đến một triệu căn. Các đối tượng có nhu cầu nhà ở này bao gồm gần 3 triệu người nhập cư, 400.000 sinh viên đang học tập tại TPHCM, 50.000 cặp kết hôn mới mỗi năm, 500.000 hộ dân thành phố chưa có nhà, cùng hàng trăm ngàn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ông Châu khẳng định, thành phố hoàn toàn có thể làm được nhà giá siêu rẻ như ở Bình Dương tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông và các tiện ích, dịch vụ cơ bản như khu chế xuất Linh Trung 1, 2, 3 (326 ha), khu công nghệ cao (913 ha), công viên phần mềm Quang Trung (43 ha), Đại học Quốc gia TPHCM (647 ha), khu chế xuất Tân Thuận (320 ha)…
“Thành phố có thể làm được nhà ở xã hội 30 m² (gồm 20 m² sàn và 10 m² gác lửng), có giá bán 100-200 triệu đồng/căn tương đồng như tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ dạng này, giải quyết khoảng 1% nhu cầu của công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư”, ông Châu nhận định.
Do vậy, TPHCM cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ nói chung để đảm bảo công bằng xã hội và giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội. Ông Châu cho rằng, tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cần phát triển nhiều căn hộ nhà ở xã hội cho thuê có diện tích từ 25m² đến 50 m²/căn. Với căn hộ bán, nên phát triển loại căn hộ nhà ở xã hội 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 50-77 m², có giá từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng/căn.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho rằng căn hộ nhà ở xã hội nên có diện tích 35-50 m², xây cao 12-15 tầng, giá 12 triệu đồng/m². Như vậy giá mỗi căn hộ dao động trong khoảng 400-600 triệu đồng.
Còn căn hộ nhỏ diện tích 20 m² không nên bán, bởi sẽ dễ hình thành khu ổ chuột không đáng có. “Nhà diện tích nhỏ chỉ nên dùng cho thuê, nếu người thuê không đảm bảo các quy định của chủ đầu tư thì có thể thu hồi nhà không cho thuê nữa. Về lâu dài, chủ đầu tư có thể đập đi xây lại, hoặc đập thông 2-3 căn hộ để mở rộng diện tích”, ông Nghĩa nói.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng trong điều kiện hiện nay, nhà cho người thu nhập thấp ở TPHCM có giá dưới 1 tỉ đồng là chấp nhận được. Đây là thị trường có nhiều đối tượng, do vậy nên có nhiều mức giá để người dân lựa chọn như 900, 700, 500 hoặc 300 triệu đồng mỗi căn.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng băn khoăn, phải làm sao để giảm giá nhà ở xã hội xuống thấp nhất mà không phải giảm diện tích căn hộ và vẫn đảm bảo đầy đủ tiện ích. Để làm được điều này, cần hình thành một liên kết chuỗi giữa chủ đầu tư, công ty xây dựng, nhà cung cấp vật tư và chính quyền để giảm chi phí ở các khâu. Ông Thăng cho biết, cam kết với ông, Tổng công ty xi măng sẽ hạ giá 300.000 đồng/tấn xi măng cho các dự án nhà ở xã hội.
Cũng tại hội thảo trên, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên cam kết bán xi măng bằng giá thành; còn đại diện một công ty đá granite cho biết sẽ giảm 20% giá bán cho các chủ đầu tư làm dự án nhà ở xã hội.
Ông Thăng cho rằng thành phố không thể áp dụng rập khuôn cách làm nhà 100 triệu đồng/căn của tỉnh Bình Dương do TPHCM là đô thị đặc biệt. Ngoài ra, để phát triển nhà ở xã hội, cần hình thành thị trường nhà ở xã hội, có thể chuyển nhượng tư do, không nên bó buộc theo quy định sau 5 năm mới được bán.