Thứ ba, Tháng Một 14, 2025

Nhà trọ giảm tải cho nhà thương

Thái Ngọc-Hoàng Nhung

Để giảm tải cho bệnh viện và để giải quyết tình trạng bệnh nhân phải nằm chung giường, một số bệnh viện đã cho bệnh nhân ra ngoài những nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn ở gần để điều trị ngoại trú trong thời gian chờ sắp xếp lịch mổ.

Trong vai người nhà của bệnh nhân muốn tìm phòng trọ để điều trị ngoại trú, chúng tôi đến đường Tân Thành, gần Bệnh viện Chợ Rẫy ở quận 5, TPHCM. Ngay từ đầu đường, chúng tôi đã được đon đả mời: “Tìm chỗ trọ ở lại điều trị hả em? Vào chỗ chị coi đi, giá cả ở đây phòng nào cũng vậy hết”. Theo chân chị chủ nhà, chúng tôi vào một căn nhà có chiều ngang chưa đầy 3 m nằm trong một hẻm nhỏ trên con đường này.

Bên trong căn phòng chật chội có một tấm nệm mỏng trải trực tiếp xuống sàn nhà, và trên bức tường lửng ngăn cách các phòng có treo một cây quạt máy. Bên ngoài là lối đi thông giữa các phòng dẫn đến nhà vệ sinh dùng chung. Chị chủ nhà cho biết, nếu thuê theo ngày thì giá phòng khoảng 120.000 đồng/ngày, còn thuê theo tháng thì giá khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Những hộ đang sống tại đây cho biết, con hẻm dài khoảng 20 m này có đến năm gia đình đang kinh doanh phòng trọ cho bệnh nhân thuê.

Một bệnh nhi cùng cha thuê phòng trọ gần bệnh viện để điều trị ngoại trú.  Ảnh: Thái Ngọc
Một bệnh nhi cùng cha thuê phòng trọ gần bệnh viện để điều trị ngoại trú. Ảnh: Thái Ngọc

Không chỉ đường Tân Thành, các con đường xung quanh Bệnh viện Chợ Rẫy như Thuận Kiều, Phạm Hữu Chí, Lê Đại Hành... cũng khá nhiều nhà treo bảng cho thuê phòng. Phòng nhỏ có giá 100.000 đồng/ngày, ở tháng khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng. Còn những phòng rộng và tiện nghi hơn có giá 150.000-400.000 đồng/ngày. Tương tự, khu vực xung quanh Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh) cũng có nhiều phòng trọ cho bệnh nhân điều trị ngoại trú thuê.

[box type="download"] Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, do quá tải ở khu khám ngoại trú và khu điều trị nội trú, bệnh viện phải kê lên thêm 600 giường bằng cách thiết kế giường nhỏ hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 15% lượng bệnh nhân phải nằm ghép.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết do không đủ giường nên những bệnh nhân chưa cần mổ gấp sẽ được sắp lịch mổ. Bệnh viện sẽ cho bệnh nhân thực hiện những xét nghiệm tiền phẫu, hẹn một ngày quay lại phẫu thuật. Có những bệnh nhân phải chờ đến 2-3 ngày vì phải làm nhiều xét nghiệm như chụp CT, MRI...

Do lượng bệnh nhân đông, phải chờ đợi lâu nên bệnh nhân buộc phải sử dụng hệ thống nhà trọ để nghỉ ngơi, để thực hiện những chỉ định của bác sĩ, rồi sau đó vào bệnh viện mổ theo lịch hẹn. Cũng do nhu cầu của bệnh nhân ngày một đông, nắm bắt được tâm lý của bệnh nhân, một số bác sĩ mở ra dịch vụ cho thuê nhà trọ và mở luôn phòng khám có tất cả những bác sĩ chuyên môn cần thiết của Bệnh viện Chợ Rẫy khám theo yêu cầu của bệnh nhân.[/box]

“Không ở đây thì ở đâu!”

Anh Nguyễn Anh Thuấn, quê xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết anh và vợ đang thuê một căn phòng trên đường Tân Thành. Hai người đã ở đây được một tuần. Vợ anh được bác sĩ chỉ định xạ trị 30 tia, mỗi tuần bác sĩ bắn năm tia, tính ra họ phải ở đây khoảng một tháng rưỡi. Hàng ngày, từ sáng sớm, anh Thuấn vào bệnh viện lấy số thứ tự, rồi ngồi đợi gần đến lượt mình, anh chạy về đưa vợ vào bắn tia chừng 15 phút rồi lại quay về phòng trọ.

Tại một căn nhà trọ khác cách đó vài bước chân, chị Hà quê ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đang nuôi chồng điều trị hóa trị đợt thứ hai. Hàng ngày, sáng sớm chị đưa chồng vào bệnh viện điều trị, chiều đến chị lại đưa anh về. Mỗi đợt điều trị, hai vợ chồng phải thuê nhà trọ ở hơn một tuần.

Anh Tuấn, quê ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, cho biết đang thuê một phòng trọ trên đường Phạm Hữu Chí, quận 5. Anh cho biết, anh mổ thận cách đây nửa năm. Dạo gần đây thấy đau lại, lên Bệnh viện Chợ Rẫy tái khám thì bác sĩ nói bệnh anh phải hóa trị. Lần này anh lên bệnh viện để vào hóa chất đợt hai. “Họ cho điều trị ngoại trú, không ở đây thì ở đâu! Nhưng tính ra, ở ngoài này còn dễ chịu hơn trong bệnh viện”, anh Tuấn nói.

Anh H., một chủ nhà trọ có 16 phòng cho bệnh nhân thuê điều trị ngoại trú trên đường Tân Thành, cho biết trước đây khách trọ chủ yếu là người đi khám bệnh, tái khám, chờ đến ngày mổ hay chờ lấy kết quả. Khoảng ba năm trở lại đây, khách thuê chủ yếu là bệnh nhân thuê để điều trị ngoại trú dài ngày.

Khám bệnh tại nhà trọ

Sáng 24-3, theo chân một người nhà bệnh nhân nằm ở Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Chợ Rẫy, người đang có nhu cầu được chuyển tới một nhà nghỉ cho thoải mái, chúng tôi được cho số điện thoại của một bác sĩ. Nói chuyện qua điện thoại, vị bác sĩ này chỉ đến một phòng khám gần Bệnh viện Chợ Rẫy, đoạn cuối đường Trần Quý. Tại đó có phòng khám, phòng riêng nghỉ ngơi nhìn giống như khách sạn. Tiền phòng trọ khoảng 300.000 đồng/ngày, chi phí thuốc men tính riêng. Tạm trú tại đây, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ khám tại chỗ, hoặc vào bệnh viện khám theo lịch hẹn của bệnh viện.

Tại một phòng khám khác trên đường Thuận Kiều, chị Điệp, quê ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cho biết chị đang chăm sóc cho chồng bị tai nạn giao thông. Sau gần một tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chồng chị đã khá hơn và bác sĩ cho chuyển về bệnh viện đa khoa Lâm Đồng điều trị thêm. Tuy nhiên, gia đình không an tâm đưa về tuyến tỉnh, đã tìm đến phòng khám này để điều trị, nơi có y tá theo dõi làm thuốc hàng ngày và được bác sĩ điều trị khám. “Không tốn kém hơn so với ở trong bệnh viện, ở ngoài được cái sạch sẽ, chăm sóc chu đáo và tái khám trong bệnh viện cũng rất tiện”, chị Điệp cho biết.

Bác sĩ Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng việc đưa bệnh nhân ra các phòng trọ, nhà nghỉ và phòng khám bên ngoài pháp luật không cấm. Người dân có quyền làm và bác sĩ cũng có quyền làm như vậy. Chủ trương giảm tải bệnh viện là cần thiết để đảm bảo chất lượng điều trị. Vấn đề làm sao để phù hợp với pháp luật và hợp lý chuyên môn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối