Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Nhận diện nón bảo hiểm đạt chuẩn

Người tiêu dùng đang lo lắng cho chất lượng nón bảo hiểm (NBH) mà mình mua đội trên đầu, nên Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất NBH để tìm hiểu về hàng thật, đạt chuẩn so với hàng giả, hàng dỏm.

Nón chính hãng có ít nhất hai tem

Theo một số văn bản của Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam, Ban An toàn Giao thông… thì NBH đạt chuẩn phải có đủ ba thành phần: lớp vỏ bảo vệ bên ngoài, lớp đệm hấp thu xung động (khi có va chạm) bên trong và quai đeo nón.

Đồng thời, trên NBH phải có ít nhất là hai tem chứng nhận NBH đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Thứ nhất: tem CR (tem hợp quy); thứ hai: tem cung cấp thông tin về NBH, nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng… Trên tem thứ hai phải ghi rõ: “Nón bảo hiểm dành cho người đi mô tô-xe máy”.

Ngoài việc phải có ít nhất hai tem chứng nhận hợp quy, người tiêu dùng cần thử khóa và quai nón xem có dễ cài và chắc chắn không. Ảnh: Thành Hoa
Ngoài việc phải có ít nhất hai tem chứng nhận hợp quy, người tiêu dùng cần thử khóa và quai nón xem có dễ cài và chắc chắn không. Ảnh: Thành Hoa

Tem CR là tem chứng nhận hợp quy do các trung tâm giám định và chứng nhận chất lượng hàng hoá cấp. Tiêu chuẩn hợp quy, hình dạng, kích thước… của tem CR do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Các NBH đã hợp quy (phù hợp với tiêu chuẩn an toàn về NBH) sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đều phải dán tem CR.

Đại diện Công ty Nhựa Chí Thành (sản xuất NBH) cho biết, ngoài việc có đủ hai tem bắt buộc như nói trên, NBH của Chí Thành còn có các nhãn hiệu nón như Chita, Safe và Omno; có thêm tem chống hàng giả nhằm giúp khách hàng không mua nhầm hàng giả.

Công ty Kỹ thuật Á Châu (nón ASIA) cung cấp thêm thông tin, vỏ NBH đạt chuẩn sẽ dùng chất liệu nhựa ABS và thường có màu trắng nếu nhìn vào cạnh nón. Còn nón giả, dỏm thường sử dụng nhựa tái sinh nên sẽ có màu đen hoặc nâu.

Theo Cục Quản lý thị trường thì NBH thật sẽ không bị biến dạng nếu cố tình bóp mạnh vào hai cạnh bên của nón. Nón giả, dỏm sẽ biến dạng, móp méo khi bóp mạnh hai bên nón.

Cần xem kỹ những lớp bên trong, ngay cả gáy (mí ngoài vỏ nón) có màu gì, nếu trắng thì đúng chuẩn làm bằng nhựa ABS; nếu màu đen, nâu là làm bằng nhựa tái sinh, kém chất lượng.
Cần xem kỹ những lớp bên trong, ngay cả gáy (mí ngoài vỏ nón) có màu gì, nếu trắng thì đúng chuẩn làm bằng nhựa ABS; nếu màu đen, nâu là làm bằng nhựa tái sinh, kém chất lượng.

Nón đạt chuẩn nặng gấp đôi nón dỏm

Qua trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, một số công ty sản xuất NBH tại TPHCM cho biết, NBH thật – đạt chuẩn có trọng lượng nặng hơn nón giả, dỏm. Trung bình, nón thật nặng hơn gấp đôi (loại nón ½ đầu) so với nón giả, dỏm.

Một NBH ½ đầu có trọng lượng khoảng 450-500 g; còn nón giả, dỏm vào khoảng 200-250 g. Đối với NBH ¾ đầu (che đầu và tai) và nón che kín toàn bộ gương mặt còn nặng hơn nữa.

Theo đại diện Công ty Nhựa Chí Thành, nón bảo hiểm giả, dỏm sẽ có trọng lượng chỉ bằng ½ so với nón chính hãng. Đồng thời, nón giả, dỏm cũng không đảm bảo các yếu tố an toàn như lớp nhựa, đệm bảo vệ đầu mỗi khi có va chạm trực tiếp. Khi cơ quan quản lý thị trường đi kiểm tra NBH giả, kém phẩm chất, chỉ cần đập hai chiếc nón vào nhau đã bị nứt.

Quai đeo của NBH thật cũng chắc chắn hơn NBH giả, dỏm và khóa cài nón thật cũng dễ cài hơn. Một số NBH giả, dỏm chỉ dùng một sợi dây dù mỏng manh để làm quai đeo nón; điều này không an toàn cho người đội NBH do quai đeo có thể bị đứt.

Theo lời khuyên của nhà sản xuất nón ASIA, khi mua NBH, người tiêu dùng nên thử kéo căng dây quai nón xem có chắc chắn và có bị giãn nhiều hay không. Đồng thời, kiểm tra khóa nón để chọn loại khóa vừa nhạy để mở, gài khóa, vừa giữ chắc khi gài khóa lại.

non

Chí Thịnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối