Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Nhân lực CNTT: bất ổn từ “bong bóng” lương

Chí Thịnh-Ngọc Ánh-

Công nghệ thông tin, một trong những trụ cột của quá trình chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, đang bộc lộ những bất ổn từ tình trạng “bong bóng” lương, thưởng. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn lực để hòa mình vào guồng quay công nghệ cũng là một vấn đề lớn.

Một số doanh nghiệp gia công phần mềm, đơn vị tuyển dụng, đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) cho rằng, trên thị trường tuyển dụng nhân sự cho ngành này đã hình thành mức lương “bong bóng”, tức là quá cao so với mặt bằng lương trong thực tế.

 

Từ cuộc cạnh tranh thu hút người tài

Tại cuộc hội thảo “Bong bóng nhân sự ngành CNTT? Đâu là lối ra để phát triển” do Liên minh các doanh nghiệp gia công CNTT (VNITO, Vietnam IT Outsourcing) tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, một số doanh nghiệp gia công phần mềm cho biết đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và đã xuất hiện tình trạng đẩy mức lương nhân sự CNTT lên cao để lôi kéo người giỏi. Trong khi đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng cho biết tình trạng mất cân đối cung cầu nhân sự trong ngành đã kéo dài vài năm nay, và nguồn cung nhân lực hiện vẫn đang thấp hơn nhu cầu tuyển dụng từ phía các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search, dẫn ra lời dự báo đến năm 2020 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 100.000 nhân sự trong ngành CNTT. Điều này dẫn tới cuộc chiến thu hút tuyển dụng giữa các doanh nghiệp, đẩy mức lương lên cao nhằm mục đích giữ chân nhân tài.

Chia sẻ quan điểm của bà Mai, ông Lại Đức Nhuận, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và phát triển phần mềm Larion, nói rằng đang có hiện tượng câu kéo, đưa ra mức lương cao hơn mức lương trung bình để giành lấy các nhân sự chủ chốt. Các công ty khởi nghiệp (start-up), công ty cung cấp giải pháp, sản phẩm dễ thu hút nhân sự CNTT hơn các công ty gia công phần mềm.

Trước đó, trong bản báo cáo về nhân sự ngành CNTT quí 1-2017, mạng tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks.com cũng ghi nhận rằng sinh viên ngành CNTT ra trường với hai năm kinh nghiệm sẽ có mức lương lên đến 800 đô la Mỹ/tháng và nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong ngành này đang ở mức cao nhất. Đây là một mức lương khá cao đối với một sinh viên học về CNTT mới tốt nghiệp ra trường.

Từ năm 2012 cho đến nay, CNTT luôn dẫn đầu bảng trong số 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Theo số liệu thống kê của VietnamWorks, số lượng việc làm ngành CNTT được đăng tải trên trang đã tăng từ 6.142 vào năm 2012 lên 9.846 vào năm 2013 và lên tới 14.997 vào năm 2016. Trong vòng bốn năm qua, nhu cầu việc làm trong ngành CNTT đã tăng hơn gấp đôi.

Ông Lâm Quang Vũ, Phó trưởng khoa Khoa CNTT, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết các cuộc khảo sát của trường ghi nhận rằng sinh viên ngành CNTT dễ kiếm được việc làm và có mức lương thử việc cao hơn các ngành học khác. Năm 2015, mức lương sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã lên mức 8-10 triệu, một số ít trong đó nhận lương 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Ước tính, mức lương sinh viên ngành CNTT tăng đều theo từng năm; trong vòng 3 năm sau khi tốt nghiệp đạt mức 18 triệu đồng mỗi tháng.

Các doanh nghiệp gia công CNTT cho rằng, họ chỉ có thể giữ chân nhân viên, cán bộ quản lý bằng cách tập trung vào nhân sự chủ lực, và việc mở rộng quy mô cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn chi lương sẽ tăng nhanh hơn so với lợi nhuận.

nhansu-CNTTCuộc cạnh tranh thu hút nhân sự bằng cách nâng lương trong ngành CNTT có thể tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Đến nỗi lo lắng về chất lượng nhân sự

Có một thực tế là sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp ra trường thường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong ngành, khiến tình trạng khan hiếm nhân lực vốn đã kéo dài trong nhiều năm lại càng thêm  trầm trọng bởi doanh nghiệp phải dành nhiều nguồn lực cho việc chọn lọc hoặc đào tạo lại. Dự tính nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống cung cấp nhân lực về CNTT trên cả nước chỉ có khả năng đáp ứng quá nửa con số ấy.

Sự thiếu hụt nhân sự không chỉ khiến doanh nghiệp loay hoay trong việc phát triển quy mô và các kế hoạch mới, mà còn dẫn tới tình trạng bất ổn định trên thị trường lao động bởi sự giành giật nhân sự một cách âm thầm giữa các doanh nghiệp. Sự bất ổn định đó nếu tiếp tục không được xử lý ổn thỏa có thể tiếp tục làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, nhận định, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội trong sân chơi CNTT toàn cầu nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cần mở rộng quy mô đào tạo kỹ sư chuyên ngành từ nay đến năm 2020 lên gấp ba lần mới có thể đáp ứng về số lượng.

Để đối phó với thực trạng khan hiếm nguồn lực, một số doanh nghiệp trong ngành đã linh hoạt trong đào tạo nguồn lực tại chỗ. Thế nhưng, chất lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ của sinh viên ngành CNTT mới ra trường lại rất hạn chế. Bởi vậy, việc tuyển kỹ sư CNTT làm chuyên gia đi triển khai dự án ở nước ngoài càng khó khăn hơn nhiều.

Theo PGS.TS. Trần Quang Anh, Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, ngoại ngữ kém trở thành rào cản hạn chế cơ hội tiếp cận với thị trường tuyển dụng đa dạng trong nước, và thị trường nhân sự chất lượng cao của quốc tế. Đồng thời, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thế giới, thiếu ngoại ngữ sẽ biến các bạn trẻ trở thành thợ thủ công, làm việc theo kinh nghiệm bởi không thể tiếp cận và học hỏi được những sự thay đổi, tiến bộ mới của thế giới.

Một nỗi lo lắng khác, đó là giá nhân công ngành CNTT ở Việt Nam không còn rẻ và mức lương trong ngành này được đẩy lên khá cao cùng với nhu cầu nhân lực tăng vượt mức kiểm soát có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt đường dài.

Theo bà Phương Mai, người có thâm niên trong hoạt động tuyển dụng nhân sự, việc Ấn Độ gần đây đã được chọn để xây nhà máy sản xuất iPhone của Apple thay vì Việt Nam và Apple tiếp tục xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thứ hai tại Trung Quốc cũng như sẽ đầu tư xây dựng trung tâm R&D ở Indonesia trong năm nay có thể xem là một dấu hiệu đáng lo ngại cho tính cạnh tranh của ngành CNTT Việt Nam.

Bà Mai chia sẻ thêm là vào đầu năm 2016, một công ty lớn trong ngành CNTT của Mỹ phải đóng cửa hoạt động sau thời gian dài không tìm được nhiều lập trình viên giỏi dù đã đưa ra mức lương tuyển dụng lên đến 2.000 đô la (khoảng 45 triệu đồng) mỗi tháng.

Theo các chuyên gia công nghệ, hệ lụy của “bong bóng” tiền lương trong ngành CNTT đang là lực cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp và làm “méo mó” thị trường lao động, tạo ra sự chuyển dịch lao động bất bình thường, phá vỡ hệ thống quản trị của doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối