Đức Tâm-
Mặc dù những công cụ dịch thuật ngày càng “thông minh” hơn, người theo nghề thông dịch vẫn có nhiều cơ hội nếu trang bị tốt kỹ năng và sự am hiểu cần thiết. Đây là nhận định của một số chuyên gia tham dự tọa đàm “Nhân lực thông dịch viên: Vì sao đãi cát khó tìm vàng?” do nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn kết hợp với Đại học RMIT Việt Nam tổ chức ngày 1-11 tại TPHCM.
Theo PGS.TS. Dương Thị Hoàng Oanh của Đại học RMIT, một thông dịch viên chất lượng cao không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn cần am hiểu văn hóa cũng như tường tận tiếng mẹ đẻ.
Cần nhiều kỹ năng
Tháng 10 vừa qua, Google ra mắt tai nghe thông minh Pixel Buds có thể dịch 40 ngôn ngữ. Bên cạnh đó, công cụ dịch thuật Google Translate ngày càng được cải thiện. Dù những thông tin này gợi mối lo ngại về “đất sống” của nghề thông dịch, nhưng theo một số nhà tuyển dụng Việt Nam, các công cụ trên khó so sánh với năng lực của người làm nghề này.
Theo PGS.TS. Dương Thị Hoàng Oanh của Đại học RMIT, để trở thành một thông dịch viên chất lượng cao, người làm nghề không chỉ giỏi ngoại ngữ mà cần am hiểu văn hóa cũng như tường tận tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, thông dịch viên phải có khả năng diễn đạt lưu loát, ghi chú tốt, năng động, chu đáo, lịch lãm.
Là người có thâm niên trong nghề thông dịch, ông Phạm Xuân Hoàng Ân cho rằng việc thông dịch cần hiểu rõ ý tứ của người nói. Việc hiểu ý tứ không chỉ thông qua lời nói mà còn đòi hỏi khả năng quan sát sắc thái và tông giọng vì cùng một câu nói, tông giọng khác nhau sẽ dẫn đến ý nghĩa khác nhau.
Thay vì nhìn nhận nghề này một cách máy móc và lo ngại về sự thế chỗ của các phần mềm thông dịch, các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng người làm nghề thông dịch nên xem đó là những công cụ hỗ trợ nghề nghiệp.
[box] Cơ hội thăng tiến trong nghề thông dịch
Nghề thông dịch không chỉ đem lại cho người theo nghề điều kiện học hỏi những kiến thức mới; tiếp xúc với những người nổi tiếng, thành đạt mà còn có nhiều cơ hội thăng tiến, phát triển trong sự nghiệp. Theo bà Võ Thị Bích Thủy, nhờ giỏi ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp tốt, người thông dịch viên rất dễ trở thành trợ lý cho giám đốc, tổng giám đốc. Từ đó, họ có không gian để phát triển nghề nghiệp. Không những vậy, theo ông Trần Anh Tuấn, nhiều thông dịch viên, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn nhạy bén với kinh doanh và có nhiều mối quan hệ. Sau một thời gian làm nghề, họ có thể trở thành doanh nhân, lập công ty riêng để đáp ứng nhu cầu từ thị trường. Đó là con đường thăng tiến ở doanh nghiệp tư nhân. Về phía cơ quan nhà nước, thưc tế cũng chỉ ra những trường hợp tương tự. [/box]
Khách mời tại buổi tọa đàm đặt câu hỏi trao đổi với các chuyên gia về nghề thông dịch. Ảnh: Thành Hoa
Nhiều cơ hội
So với thế hệ trước, nhờ tiến bộ công nghệ, người làm nghề thông dịch hiện nay có nhiều thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường đối với thông dịch viên rất lớn, cụ thể là nhân lực thạo tiếng Hàn, Nhật, Trung.
Lấy ví dụ về nguồn nhân lực tiếng Hàn, bà Võ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự Công ty Manpower Group Việt Nam, kể rằng gần đây công ty được đặt hàng tuyển 100 thông dịch viên tiếng Hàn cho một doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc. Sau vài tháng, hai bên phải giảm bớt yêu cầu ban đầu là có bằng đại học và thông thạo tiếng Hàn, chỉ còn tìm những ứng viên giỏi tiếng Hàn, nhưng vẫn chưa đủ số lượng. Và không riêng nhân lực tiếng Hàn, theo bà Thủy, hai nguồn khác là tiếng Nhật và tiếng Trung cũng khan hiếm khi nhu cầu doanh nghiệp lớn hơn nguồn cung từ các trung tâm đào tạo.
Tương tự, ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Công ty Inno Tech, cho biết do có nhiều khách hàng lớn ở Nhật Bản nên ông cần tuyển nhiều nhân sự thông thạo tiếng Nhật. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn cho những vị trí như kỹ sư cầu nối, thông dịch viên và cấp quản lý. “Riêng nhân sự quản lý kinh doanh, chúng tôi phải tuyển người Nhật đang sống tại các quốc gia lân cận vì tìm người Việt vừa thông thạo tiếng Nhật vừa đảm bảo chuyên môn là không có”, ông Linh nói.
Ở góc độ đào tạo, ông Jacob Heinrich, Trưởng khoa Ngôn ngữ và tiếng Anh, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế chính là cơ hội cho những người muốn trở thành thông dịch viên. Các hiệp định kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nước vào Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng có nhu cầu mở rộng thị trường sang các quốc gia khác. Vì vậy, kỹ năng ngôn ngữ cùng với kiến thức về văn hóa và chuyên ngành là điều mà nhiều tổ chức, công ty đa quốc gia đang tìm kiếm.
[box] Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng
Không những thiếu hụt về số lượng, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, chất lượng nhân lực thông dịch viên đào tạo tại các trường vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Chỉ riêng khả năng ngoại ngữ thì chưa đủ mà người phiên dịch còn cần có kiến thức chuyên sâu để có thể làm tốt công việc. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể chấp nhận ứng viên chưa có kinh nghiệm nhưng nếu không hiểu văn hóa thì khả năng được tuyển dụng sẽ rất thấp. Theo bà Võ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự Công ty Manpower Group Việt Nam, ngoại trừ chuyên ngành ngôn ngữ Anh, các ngành ngôn ngữ còn lại đang hạn chế về số lượng đào tạo. Chẳng hạn, riêng tiếng Hàn, TPHCM chỉ có một số cơ sở đào tạo như Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… với chỉ tiêu đầu vào chưa đến 300 thí sinh.Con số tương ứng với tiếng Nhật và tiếng Trung lần lượt là 300 và 500. [/box]