Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nhân sâm – món quà tặng sức khỏe

(SGTT) - Là một vị thuốc quý đứng đầu trong danh sách các loại thuốc bổ, nhân sâm lâu nay được cho là giúp con người “trường sinh bất lão”, “đại bổ nguyên khí” lợi cho sức khỏe. Không có gì ngạc nhiên khi nhân sâm được xếp vào danh mục các món quà tặng “nặng ký” vào dịp tết.

Khi con người bắt đầu chú trọng đến việc giữ gìn sức khỏe, họ quan tâm nhiều hơn đến các loại thức ăn, đồ uống bổ dưỡng. Nhân sâm là một trong những thứ được gắn nhiều sao nhất trong bối cảnh như vậy và nó cũng được dùng làm loại “quà tặng sức khỏe” được người người yêu thích dù người nhận và người cho đôi khi chưa hiểu lắm về nó.

Giá trị dinh dưỡng của nhân sâm

Nói về lợi ích của nhân sâm, dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên là giảng viên trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết trong sâm có chứa hơn 30 loại hợp chất ginsenosides (protopanaxdiol, triol, panaxdiol, triol…), rất nhiều khoáng tố vi lượng hữu ích, nhiều loại vitamin B, C, E, có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh, các loại đường đa phân tử polysaccharide và tám loại axit amin cần thiết cho cơ thể.

Với hệ thần kinh, nhân sâm có khả năng kích thích hoặc làm dịu hệ thần kinh, cân bằng các quá trình trao đổi chất, giảm lượng đường trong máu, cải thiện trương lực cơ và kích thích hệ nội tiết. Nó tăng cường nội tiết tố vỏ thượng thận của não (ACTH). Các kết quả nghiên cứu cho thấy nhân sâm có hiệu quả trong việc duy trì và khôi phục lại khả năng của tế bào và do đó có thể được coi là hữu ích để làm chậm quá trình lão hóa. Sâm còn được xem là một "adaptogen", giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, hỗ trợ chức năng đề kháng, giúp chống lão hóa mạnh, phòng ngừa cảm cúm, giảm căng thẳng. Nhân sâm còn tác động và giúp phòng bệnh Alzheimer, cải thiện trí nhớ và hành vi, khi ăn cùng với bạch quả sẽ gia tăng tác dụng.

Loại thảo dược quý này còn có tác dụng không nhỏ đối với các bệnh tim mạch, huyết áp và tiểu đường; giúp giảm cholesterol có hại và tăng lượng cholesterol có lợi, làm hạ lượng đường trong máu… và giảm đau do ung thư.

Ăn đúng cách để phát huy công dụng

Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, trẻ em từ 3 đến 12 tuổi chỉ nên dùng nhân sâm bằng cách uống trong thời gian ngắn hạn. Cụ thể là liều từ 4,5 - 26 mg mỗi ngày, trong thời gian ba ngày. Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên dùng nhân sâm vì một số nghiên cứu cho thấy có liên quan đến dị tật bẩm sinh. Riêng người sắp phẫu thuật cần lưu ý rằng, nhân sâm có thể can thiệp vào việc kiểm soát lượng đường trong máu trong và sau phẫu thuật. Người khỏe mạnh có thể uống 3g sâm mỗi ngày, chia làm ba lần trước bữa ăn, nhưng cũng tùy thuộc vào cơ địa, tuổi tác, cân nặng và tình trạng sức khỏe của từng người. Bệnh nhân đang trong giai đoạn điều trị ung thư hoặc sau ung thư cần được chỉ định và theo dõi của bác sĩ để tránh tương tác với các loại thuốc đang dùng và nên uống khoảng hai giờ trước khi ăn để tăng sự hấp thu.

Với sâm củ dạng tươi, người dùng nên chọn những củ đều đặn, không dập nát, gọt vỏ củ sâm và xắt thành lát mỏng; ngâm trong mật ong và để yên trong 15 phút, đổ thêm ít nước nóng (nhưng không sôi) để yên trong 5 đến 10 phút. Sau đó cất vào tủ lạnh và dùng trong vài ngày. Trên thị trường có sâm tươi và sâm lát, dạng củ tươi có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dài ngày, có thể ngâm trong mật ong để bảo quản.

Ngoài ra, hiện nay, sâm được chế biến thành nhiều món ăn cho thực khách trong các nhà hàng như món súp gà nhân sâm, cơm chiên nhân sâm, bột sâm hấp trứng gà, gỏi nhân sâm, nhân sâm hầm thuốc bắc… Điều lưu ý là sâm có vị đắng, tính lạnh nên tránh chế biến chung với các loại thảo mộc hoặc món ăn sống lạnh dễ gây tiêu chảy, lạnh bụng, nên thêm vào một ít gừng, sa nhân, đinh hương, thảo quả để giúp ôn ấm tỳ vị.

Nhân sâm mang nhiều công dụng là thế, tuy nhiên không phải đại bổ là lúc nào cũng dùng được. Đây càng không phải là “thuốc tiên” có thể chữa được bá bệnh.

Minh Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối