Hoàng Văn (Quảng Nam) -
Thắp nhang (tên gọi khác là hương) trên bàn thờ ông bà mỗi ngày là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam mà hầu như gia đình nào cũng thực hiện để tỏ lòng tưởng nhớ ông bà, người đã khuất hay cầu mong sự bình an cho gia đình…
Ngày xưa, nhang thường được làm từ loại bột gỗ có mùi thơm tự nhiên như gỗ trầm, gỗ quế… Khi đốt, nhang sẽ tỏa hương thơm không gây hại, thậm chí ở một lượng nhỏ, hương thơm của trầm, quế còn kích thích sự hưng phấn của con người. Ngày nay, người ta sử dụng hương liệu nhiều trong việc sản xuất nhang nên không chỉ chất lượng nhang kém đi mà nó còn gây tổn hại cho sức khỏe con người nếu thường xuyên hít phải.
Theo kết quả phân tích của các cơ quan chức năng, đa phần những loại nhang trên thị trường hiện nay có thành phần là lớp mùn cưa tẩm tinh dầu hoặc hóa chất để tạo mùi thơm. Khi cháy, nhang giải phóng các hạt hóa chất vào trong không khí. Nếu hít vào, những hạt này sẽ mắc lại ở phổi và gây nên các viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến viêm hô hấp mãn tính, phá hủy các tổ chức cơ thể dẫn đến việc làm biến đổi tế bào, biến đổi gen gây ra các hiện tượng dị sản, loạn sản. Chúng có thể tấn công các vật chất di truyền, thay đổi ADN của tế bào dẫn đến dễ mắc phải các bệnh ung thư...
Còn có một thực tế là việc sản xuất các loại nhang hiện nay chủ yếu là hoạt động mang tính thủ công do các gia đình hoặc làng nghề thực hiện mang tính tự phát, không cần phải xin phép hoặc đăng ký kiểm định an toàn chất lượng sản phẩm. Vì đây là những sản phẩm mang tính chất truyền thống, gia truyền nên việc công bố công thức sản xuất nhang cũng không thể hiện thành phần của nó là gì miễn sao nhang thơm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng là được. Do đó, các cơ quan chức năng khó xác định được các thành phần hóa chất, hương liệu nào được đưa vào để sản xuất nhang.
Người tiêu dùng nên chọn loại nhang trầm, quế có chất lượng – chúng thường được bán với giá rất cao và thường có ghi rõ nhãn mác. Nhiều gia đình hiện chọn các loại nhang cây nhỏ, thấp và chỉ thắp nhang tượng trưng. Khi thắp nhang, phải luôn mở cửa cho thoáng khí, khói nhang không bị tụ lại một chỗ. Cần tránh cho người già và trẻ em tiếp xúc với khói nhang bởi họ là những đối tượng có sức đề kháng thấp, dễ nhiễm khói độc. Hạn chế ở lâu trong các khu vực nhiều khói nhang như chùa chiền, lễ hội… Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng nhang an toàn để người sản xuất thực hiện nghiêm túc và có cơ sở để xử lý những nơi sản xuất nhang không an toàn, đưa những hương liệu, hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.