Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Nhanh trắng, nhưng cũng nhanh đen!

Bình An

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa ký công văn đình chỉ lưu hành 56 loại kem dưỡng da, kem tắm trắng đa chức năng...do sản xuất không đạt tiêu chuẩn. Điều này một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. Song, trên thực tế, nhu cầu làm đẹp ngay tức thì, làm đẹp mau chóng đang tiếp tay cho loại mỹ phẩm này tồn tại.

Chế phẩm “tự nhiên”

Hiện có nhiều chị em phụ nữ rỉ tai nhau cách làm đẹp từ những mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Với mong muốn làm đẹp “siêu tốc”, có người sẵn sàng thoa lên người các loại kem làm trắng da hay trị mụn được làm từ dịch tiết hay nước dãi ốc sên, nhau thai cừu và cả các loại kem trộn từ thuốc tây... Trên thực tế, không ít người lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

H.A, sinh viên một trường đại học ở TPHCM, thời gian gần đây cảm thấy khó chịu khi trên gương mặt xinh đẹp của mình xuất hiện những cái mụn nhỏ. Khi nghe bạn bè “tư vấn” rằng dùng kem trị mụn chiết xuất từ nước dãi ốc sên sẽ hết mụn và sáng da, chị đã ra một tiệm mỹ phẩm ngoài chợ để mua hũ kem loại này có giá 45.000 đồng.

Một bệnh nhân bị dị ứng da do dùng mỹ phẩm dỏm đã phải đến bệnh viện da liễu để điều trị.
Một bệnh nhân bị dị ứng da do dùng mỹ phẩm dỏm đã phải đến bệnh viện da liễu để điều trị.

H.A kể, dùng hết hai hũ đầu tiên thấy mặt hết mụn, làn da trắng hẳn lên. Thấy hiệu quả, chị ngưng không dùng nữa, nhưng hai ngày sau là da mặt đen sạm lại. Thấy vậy, chị tiếp tục bôi và da trắng trở lại, nhưng không trắng hồng mà lại trắng bệch ra. “Tôi sợ quá, ngưng dùng thì da tiếp tục sần lên và nổi mụn. Bác sĩ của bệnh viện da liễu cho biết, da mặt của tôi đã bị tổn thương nặng do dùng mỹ phẩm dỏm và phải điều trị ít nhất nửa năm”, H.A nói.

Dạo quanh các tiệm mỹ phẩm tại TPHCM có thể thấy nhiều loại mỹ phẩm được làm từ ốc sên, với những lời quảng cáo gây hiếu kỳ: kem trị mụn, trắng da được chiết xuất từ nhớt (dãi) ốc sên, cùng với tinh dầu nghệ và các loại vitamin làm từ phương pháp cổ truyền.

Hàng sản xuất trong nước có giá bán khá rẻ, khoảng 88.000 đồng/hũ 8 g. Còn hũ kem làm từ dãi ốc sên có thêm tổ yến, bột ngọc trai và tảo biển, được quảng cáo có thể làm da trắng hồng tự nhiên, da đen sạm trở nên trắng sáng… có giá ghi trên bao bì là 98.000 đồng/hũ, nhưng người mua chỉ phải trả 55.000 đồng. Tương tự, hũ kem ốc sên ngừa mụn được ghi giá 78.300 đồng/hũ, nhưng giá bán chỉ 45.000 đồng/hũ.

Trong khi đó, hàng nhập khẩu cũng đa dạng không kém. Kem dưỡng da ốc sên của Hàn Quốc có giá khoảng 2 triệu đồng/hũ, của Thái Lan khoảng 700.000 đồng/hũ và của Nhật khoảng 2,2 triệu đồng/hũ. Dĩ nhiên, những loại kem này được quảng cáo với những lời “có cánh”, đầy hoa mỹ.

Không chỉ có kem ốc sên, trên thị trường còn có kem làm từ nhau thai của con cừu. Loại kem “thiên nhiên” này được đồn thổi có thể làm cho làn da người dùng trở nên mịn màng, trẻ trung. Thực hư ra sao chưa biết, chỉ thấy cuối tháng 1 vừa qua cảnh sát kinh tế tại Hà Nội đã phát hiện kho hàng lên đến 12 tấn thực phẩm chức năng giả, trong đó có sản phẩm nhau thai cừu.

Gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại mỹ phẩm được giới thiệu là chiết xuất từ hoa hồng. Không ít người, sau một thời gian sử dụng, đã ngỡ ngàng với khuôn mặt đầy mụn, phải đến bệnh viện điều trị.

Kem trộn siêu tốc

Không dừng lại ở những sản phẩm gần gũi với tự nhiên, nhiều chị em còn mách nhau dùng kem trộn để làm trắng siêu tốc. Loại kem này được trộn sẵn, bán ở chợ với giá 130.000 đồng/hũ. Những người bán quảng cáo đây là kem huyết thanh tế bào gốc, có thể trị mụn, làm trắng da cực nhanh.

Không bằng lòng với làn da ngăm, chị Th., nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM ra chợ mua kem trộn tẩy trắng siêu tốc về đắp lên mặt và toàn thân, với hy vọng sẽ có làn da trắng đẹp tự nhiên. Hậu quả là, mặt chị nóng bừng, toàn thân tấy đỏ, da khô rát như có hàng trăm con kiến bò lên thi nhau cắn. Chị Th. cho biết đã tốn gần 20 triệu đồng để chữa bệnh, nhưng hiện mặt vẫn chưa hết mụn và da vẫn còn nám.

Một người bán kem trộn làm trắng da siêu tốc tại chợ Gò Vấp (TPHCM) cho biết, khi đã dùng kem trộn thì… phải dùng mãi mãi. Những ai dùng 2-3 lần rồi thôi không dùng nữa thì da mặt sẽ nhăn nheo và thâm nám.

Làm “chuột thí nghiệm”

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM, cho biết trong đông y chưa bao giờ nói tới dịch nhầy ốc sên dùng để làm đẹp. “Tôi chỉ biết, trước đây người ta dùng dịch nhầy ốc sên để bôi lên da khi bị bỏng cho mát trong trường hợp người đó không có loại thuốc gì để bôi”, vị lương y nói. Dịch nhầy ốc sên chỉ bôi lên vùng da không bị hở, lở loét, bởi dịch nhầy chứa nhiều loại ký sinh trùng, giun, sán…

Với Đông y, khi người bệnh đến điều trị về da sần sùi, nhiều mụn, nám, các lương y sẽ bắt mạch xem bệnh do nội tiết tố hay do môi trường để kê toa thuốc. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ cần có chế độ ăn uống khoa học, ngủ đúng giờ cũng có thể khỏi bệnh.

Bác sĩ Ngô Quốc Hưng, Trưởng đơn vị thẩm mỹ da của Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết hàng ngày bệnh viện này tiếp nhận hàng trăm ca bệnh có liên quan đến dị ứng với mỹ phẩm bôi lên da. Nhiều bệnh nhân kể với bác sĩ rằng mình dùng mỹ phẩm có tiếng, quảng cáo nhiều trên ti vi, được cơ quan chức năng cho phép. Ban đầu dùng vài lọ thấy trắng da, nhưng sau đó ngưng bôi thuốc lại bị đen nám, mụn thâm đen và chảy máu. Có người còn bị nhiễm trùng nặng, điều trị cả năm trời mới khỏi.

Bác sĩ Hưng cho biết nhiều loại kem được quảng cáo với công dụng “tẩy trắng siêu tốc”, “hiệu quả tức thời”, nhưng trong đó có chứa nhiều hóa chất có hại cho làn da như corticoid. Đây là chất làm trắng, mịn và căng da tức thì vì tác động vào các mao mạch máu gây giãn nở và ửng đỏ. Người dùng cảm thấy hơi cay, mặt bừng lên và tưởng như trắng hồng. Chất làm trắng da siêu tốc bào mòn da, dễ gây nám da và nổi mụn trứng cá khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi mua sản phẩm mỹ phẩm người tiêu dùng nên đọc kỹ thành phần, và nên thử nhiều lần ở những vùng da nhạy cảm như vùng cánh tay hoặc ở vùng đùi để xem mỹ phẩm đó có an toàn cho da mặt hay không.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối