HỒNG QUÂN -
Bài toán khó và lâu dài của nền kinh tế Nhật Bản là cân đối nguồn lao động. Dân số giảm có nghĩa rằng, cho dù năng suất và GDP trên đầu người trong nước tăng đáng kể nhưng tổng tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hoặc thậm chí âm. Điều đó làm cho núi nợ của Nhật Bản (cao nhất trong số các quốc gia giàu có nếu tính theo chỉ tiêu tỷ lệ so với GDP) sẽ khó có thể giảm xuống. Trong lúc này, dân số ngày càng già đồng nghĩa rằng tỷ lệ người đi làm/người đã nghỉ hưu sẽ giảm.
Xuất khẩu lao động sang Nhật được nhiều người Việt Nam xem là cơ hội đổi đời.
Nhiều giải pháp đã được đề xuất để giải quyết bài toán nhân khẩu học này. Người ta hy vọng việc cân bằng cuộc sống và công việc sẽ làm tăng tỷ lệ “dính bầu”, phụ nữ sẽ không còn buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình con cái. Còn robot, nhiều người tin rằng, sẽ thay thế con người lao động. Nhưng không ít người đặt câu hỏi: Tại sao Nhật Bản không thử cho nhập cư số lượng lớn?
Đối với Mỹ, Canada hoặc Úc, lượng dân nhập cư tăng lên sẽ là giải pháp tự nhiên bù đắp lượng lao động thiếu hụt. Trong thực tế, nhập cư là nguyên nhân duy nhất giúp Mỹ tăng trưởng dân số khoảng 0,5-1% một năm trong những thập kỷ qua, mặc dù tỷ lệ sinh của nước này chỉ đủ để duy trì dân số. Vì vậy, chẳng phải tăng lượng dân nhập cư là giải pháp không cần nghĩ ngợi nhiều cho một Nhật Bản đang già cỗi?
Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Trước tiên, Nhật dự kiến sẽ giảm đi khoảng 500.000 lao động/năm trong vài thập kỷ tới. Để bù lại lượng lao động thiếu hụt có nghĩa là Nhật phải nhập cư gần như 0,5% dân số hàng năm. Chống lại dân số lão hóa nghĩa là phải nhận nhiều luồng người nhập cư. Điều này đòi hỏi Nhật phải có chính sách nhập cư mở ra thông thoáng như Mỹ.
Nhưng Nhật Bản không giống như Mỹ hay một số quốc gia khác, luật không quy định quyền công dân dựa trên nơi sinh. Con cháu những người có được thị thực làm việc tại Nhật Bản vẫn chỉ có quốc tịch ngoại, trừ phi được nhập tịch. Chính cơ chế này tạo ra một lớp “người ngoài” thường trú, bị phân biệt đối xử bởi tất cả các loại quy định chính thức và phi chính thức. Chẳng hạn, con cháu những người Triều Tiên di cư đến Nhật Bản dưới thời thuộc địa được gọi là “zainichi”, biết nói tiếng Nhật và trưởng thành trong văn hóa xứ mặt trời nhưng vẫn chỉ có hộ chiếu Triều Tiên. Mặc dù thành đạt, họ vẫn phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và thỉnh thoảng là mục tiêu của bọn phân biệt chủng tộc. Chỉ gần đây, do tỷ lệ hôn nhân quốc tế tăng lên, nhóm này đã hòa nhập tốt hơn vào xã hội Nhật Bản.
Một ví dụ thứ hai là làn sóng của người Brazil, được gọi là "dekasegi”, những người đến sống và lao động ở Nhật Bản trong thập kỷ 1980 và 1990. Họ có quốc tịch Nhật Bản, nhưng văn hóa khác biệt và không hòa nhập được vào xã hội Phù Tang. Vào cuối những năm 2000, khi nền kinh tế của Nhật bất ổn, họ từng bị yêu cầu rời khỏi Nhật.
Việc phân biệt đối xử tại Nhật Bản dựa trên quốc tịch. Các cá nhân người Nhật nhìn chung rất hiếu khách nhưng doanh nghiệp Nhật lại là câu chuyện khác. Có ý kiến cho rằng tư duy bài ngoại, mặc dù không phổ biến trong nhân dân Nhật nhưng lại phổ biến trong giới cầm quyền.
Vì vậy, liệu chúng ta có nên quên đi khả năng dùng dân nhập cư để giúp Nhật cải thiện tình trạng khó khăn về lực lượng lao động hay không. Có lẽ không. Mặc dù nhập cư số lượng lớn là chuyện không thể bàn vào lúc này, việc nhập cư lao động có tay nghề cao là chuyện khác. Chính phủ Nhật lại đang mở rộng vòng tay đón nhân tài. Năm ngoái, Nhật vừa thông qua một đạo luật cấp quyền di trú dài hạn sau ba năm làm việc tại Nhật (đã giảm xuống từ 10 năm).
Các cư dân di trú dài hạn này sẽ được đối xử khác với các nhóm người nhập cư ồ ạt vào các thời kỳ trước đây. Bởi vì họ nhập cư theo dạng cá nhân thay theo nhóm, họ có lẽ có vị trí tốt hơn kết bạn và kết hôn với người Nhật. Họ cũng sẽ rất thành thạo tiếng Nhật, làm cho quá trình nhập tịch dễ dàng hơn.
Quan trọng là nhiều người trong số những người nhập cư sẽ không thuộc sắc tộc châu Á. Sự hiện diện của họ với tư cách là công dân nhập tịch chính thức, với các vị trí cao trong các doanh nghiệp Nhật, sẽ từ từ xác nhận khái niệm người nhập cư theo đúng nghĩa. Hãy hy vọng điều này sẽ chuyển biến làm giảm vấn đề phân biệt đối xử đối với lao động nhập cư tại Nhật, và càng có nhiều sự ủng hộ của Nhà nước Nhật Bản đối với các chính sách ưu ái dân nhập cư. Nói cách khác, chính sách nhập cư mới, ưu ái với người có tay nghề sẽ dần dà thay đổi cơ chế phân biệt đối xử đối với người nước ngoài của đất nước này. Có lẽ trong một vài thập kỷ tới, Nhật Bản sẽ mở rộng cửa hơn cho dân nhập cư.