Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Nhật ký của người ham mê chu du

NGUYỄN HUỆ NGHI - 

Ấn tượng của người viết bài này về tác giả quyển sách Hành trình đến cùng trời cuối đất (NXB Trẻ ấn hành, 2016), đó là một gã bụi bặm, đầu đội nón tai bèo, máy ảnh đeo lủng lẳng trước ngực, chân không ngừng lang thang hết miền nọ đến xứ kia. Và cũng ấn tượng thật sâu đậm, là sau những ngày rong ruỗi núi đèo sông suối, đêm khuya, trong những lán dừng chân tạm bợ giữa rừng sâu heo hút, ông lại mở máy gõ lọc cọc những bài nhật ký lữ hành gửi về các tòa soạn báo ở TPHCM.

TRẦN-THẾ-DŨNG-TRONG-MỘT-CHUYẾN-KHẢO-SÁT-TOUR-2015--ẢNH-NGUYỄN-HUỆ-NGHI

Tôi nói đùa, ông Dũng vừa có nốt ruồi ở bàn chân (mê đi) vừa có nốt ruồi ở ngón tay (mê viết). Thật vậy, trong giới làm du lịch lữ hành, Trần Thế Dũng được biết tới như một nhà sáng tạo tour mới, tour độc. Có nhiều tour của ông thiết kế một thời bị các công ty du lịch khác copy, dư luận một phen rộn ràng, nhưng dần dần, ông có những tour khó đến mức các công ty du lịch khác muốn cũng không copy được vì việc tổ chức đòi hỏi nhất thiết người làm tour phải có trải nghiệm và thiết lập các quan hệ dịch vụ ở những vùng chưa… có dịch vụ du lịch.

Công ty ông không lớn, nhưng thương hiệu mà ông tạo dựng bao năm, được “giang hồ” biết tới, đó chính là chuyên tạo ra những tour độc quyền, không giống ai. Đó là nhờ ông đã nhường cái ghế giám đốc cho vợ mình ngồi lo chuyện “hậu phương” để trong vai trò một phó giám đốc, được cầm “ấn kiếm” mà tha hồ đi khảo sát tour, được theo đuổi cái giấc mộng sang trọng nhất mà nhiều kẻ làm du lịch salon dại dột từ chối: “on the road” (rong ruỗi trên đường).

Không ai khổ bằng ông Dũng. Xuất thân từ Công ty Du lịch Thanh Niên (Thành đoàn TPHCM), sau đó, tự mở công ty, “ra riêng”, làm sếp phó nhưng trong những tour mà ông khảo sát và thiết kế, thì không ai thay thế ông lo được chuyện hậu cần lẫn hướng dẫn (tour guide), vậy là ông kiêm nhiệm. Nhưng không ai sướng bằng ông Dũng, trong cái “trần ai khoai củ” đó, ông được in dấu ấn của mình trên những con đường hiểm trở và ngoạn mục nhất của đất nước bằng những bài giới thiệu đầy kinh nghiệm từ đảo tiền tiêu Quan Lạn, Vân Đồn đến điểm cực Tây A Pa Chải, từ Nam Du, Thổ Chu đến sông Gâm, sông Năng, Đà Giang… Ông nếm trước những đặc sản địa phương, đi trước những điểm đến mới vào những thời khắc đẹp nhất trong năm, ông hiểu trước về phong tục tập quán và trải nghiệm trước cái cảm giác kỳ thú của phiêu lưu để rồi “đóng gói dịch vụ”, mang đến cho khách hàng.

Cái khổ và cái sướng của một nhà thiết kế tour mới là vậy. Nhưng như đã nói, ông còn có khái khổ và cái sướng gấp đôi của một người viết nhật ký lữ hành. Những bài báo về điểm đến mới được ra đời, nóng hổi dọc hành trình, những bức ảnh phong cảnh, phong tục có tính tư liệu cao, mà đôi khi để mục kích có được, phải mất vài ba chuyến đi, nằm phục hàng tháng trời… xuất hiện đều đặn trên trang du lịch của nhiều tờ báo lớn.

Muốn ăn sim chín phải vào rừng sâu. Muôn đời vẫn thế. Lẽ dĩ nhiên, chuyện viết nhật ký lữ hành trên báo với ông Dũng, đôi khi cũng phục vụ cho mục đích giới thiệu tour mới (dù biết điều này cũng hoàn toàn hợp lý) nhưng ngay cả như thế, thì những nhà báo như chúng tôi đôi khi cũng thấy ở cái sự mê viết ở ông là một thứ trời đày. Chẳng ai quay quắt với những bài viết đến độ gửi đi rồi cứ tìm cách “quấy” các biên tập viên, năn nỉ họ nhận xét thẳng thắn “nói thật cho tui nghe bài tui viết thế nào” chỉ để… lấy kinh nghiệm cho những bài viết sau tốt hơn. Dẫu vẫn biết, nếu chỉ xét trên số lượng bài báo và “vốn đi” của ông Trần Thế Dũng chắc chắn giàu có hơn đa số phóng viên, biên tập viên mảng du lịch trong làng báo.

Tập hai của cuốn Hành trình đến cùng trời cuối đất vừa ấn hành (tập 1 in năm 2007). Vẫn thế, câu chuyện một người ham mê phiêu du, mê những cung đường, điểm đến mới sẽ đem lại một nguồn cảm hứng mới mẻ cho những ai thích xách ba lô lên đường. Đậm đà nhất, bay bổng nhất trong tập sách này, là những trang viết về các dòng sông Tây Bắc, Đông Bắc: sông Gâm, sông Nho Quế, sông Đà và những mô tả về đời sống phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Ông cũng có những trang viết mở rộng ra những điểm đến ở Myanmar, Canada, Trung Quốc… nhiều chất liệu thú vị.

Tuổi ngoài 60, Trần Thế Dũng vẫn “máu lửa” vào rừng sâu tìm sim chín!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối