Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Nhật ký tình nguyện tại tâm dịch của nữ sinh trường y

(SGTT) - “Mẹ đã khóc khi biết nơi mình đến hỗ trợ có ca F0 và liên quan đến 1.000 người. Nhưng bản thân là một sinh viên ngành y, mình mong muốn đem sự hiểu biết trong suốt quá trình học tập đến giúp cho mọi người. Thực sự mà nói thì đây là mùa hè và cũng là mùa thực tập ý nghĩa nhất đối với mình”, chị Hoàng Hạ, sinh viên năm 3, trường Cao đẳng Quân Y II bày tỏ niềm vui.

"Mùa thực tập ý nghĩa nhất đối với mình"

Tuy công việc hỗ trợ của chị Hạ chỉ là đo thân nhiệt, khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người dân đến lấy mẫu nhưng Hạ cảm thấy rất vui khi được đóng góp chút sức tại tâm dịch tại Thủ Đức và quận Gò Vấp suốt hơn một tuần vừa qua. Giờ làm việc của chị Hạ cũng không cố định vì trong quá trình lấy mẫu sẽ có nhiều phát sinh khác nhau.

Thông thường có hai ca làm, ca 1 bắt đầu từ 7:00 – 14:00, ca 2 từ 14:00- 22:00. “Nhiều lúc công tác hỗ trợ có thể kéo dài khá trễ, nếu hơn 22:00 mà công việc vẫn chưa xong, mình và các bạn ở tại một số khu vực quá xa thì được mọi người ưu tiên về sớm”, cô bạn cho biết.

Chị Hoàng Hạ cùng các bạn chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Ảnh: NVCC

Mặc dù được sự ủng hộ từ gia đình khi tham gia hỗ trợ, nhưng nhiều khi Hạ cũng gặp phải những khó khăn, thử thách, khi chính chị và nhiều bạn trẻ khác vẫn tiếp xúc với người dân trong tâm dịch. “Mẹ mình đã khóc khi biết nơi mình đến hỗ trợ có ca F0 và liên quan đến 1.000 người khác. Bản thân là một sinh viên ngành y, mình mong muốn đem sự hiểu biết trong suốt quá trình học tập đến giúp cho mọi người. Thực sự mà nói, đây là mùa hè và cũng là mùa thực tập ý nghĩa nhất đối với mình”

So với việc học ở trường thì đến lúc đi thực tế, trực tiếp chăm sóc và theo dõi ở người dân, Hạ nhận thấy nhiều điều khác biệt. Chị cho rằng đây là cơ hội để bản thân học hỏi và tích lũy kinh nghiệm làm việc sau này. “Thực tế, người mắc bệnh Covid cũng sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau, đối với những người có sức đề kháng tốt, quá trình phát bệnh có thể diễn ra chậm hơn. Thậm chí với những ai không đủ sức đề kháng chống chọi, bệnh sẽ phát tán và trở nặng, còn lý thuyết mình học và quan sát được sẽ có những kiến thức chung. Tuy nhiên, bệnh biểu hiện ở mỗi người thì rất phức tạp”.

Dù việc thực tập bị hoãn lại do tình hình dịch bệnh căng thẳng nhưng chị Hạ và nhiều sinh viên khác vẫn hân hoan với niềm vui được tình nguyện hỗ trợ chống dịch. Cô sinh viên chia sẻ: "Tham gia hỗ trợ tại tâm dịch không chỉ có nhiều kỷ niệm, chính bản thân mình cũng học cách yêu thương và chăm sóc sức khỏe bản thân nhiều hơn. Vậy mới thấy sức khỏe là điều rất quan trọng".

Người xa lạ bỗng hóa gia đình

Chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, chị Hạ kể lại kỷ niệm nhớ nhất trong suốt quá trình tham gia hỗ trợ tại tâm dịch là một lần bị say nắng. Do phải mặc đồ bảo hộ liên tục trong thời gian dài, cộng với thời tiết bên ngoài quá cao, chị bị choáng váng, cảm lạnh vì ngày hôm đó làm tận 2 ca liên tiếp.

Tuy nhiên sau lần ấy, chị Hạ cũng bắt đầu luyện tập thể chất để tham gia chống dịch an toàn hơn. “Chỉ cần được giúp mọi người tham gia chống dịch, dù đó là việc nhỏ nhất thì mình cũng thấy rất vui. Ở đây, mình nhận được sự yêu thương từ các chú dân phòng, các chú công an, dân quân, nhân viên y tế, người dân và kể cả các anh chị, bạn bè tình nguyện viên”, chị Hoàng Hà bày tỏ.

Những lời động viên đáng yêu từ gia đình. Ảnh: Go Volunteer

Khi ứng tuyển tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch, người tham gia không chỉ có các bạn học sinh, sinh viên mà còn có sự ủng hộ, góp sức của mọi người dân. Từ những bạn đang đi làm có công việc, có gia đình, đến các cô chú đã về hưu cũng sẵn sàng góp sức, tình nguyện đăng ký vào hỗ trợ đội ngũ hỗ trợ các y, bác sĩ, ngành chức năng địa phương trong công tác xét nghiệm, tuyên truyền và hậu cần.

Uyên Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối