Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nhiều bệnh viện ở TPHCM xuống cấp, người dân e ngại khi đi khám

(SGTT) - Hiện nay, một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM đang xuống cấp trầm trọng với tình trạng tường sơn bị bong tróc; trần nhà bị nứt vỡ; dây điện chằng chịt; nhà vệ sinh ẩm thấp… Tình trạng cơ sở hạ tầng ngày càng đi xuống, khiến nhiều bệnh nhân lo lắng khi đến thăm khám và điều trị tại các bệnh viện.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TPHCM), ngay lối đi của khu vực truyền nhiễm, một mảng tường trên trần nhà đang bị nứt vỡ, có nguy cơ rơi xuống bất kỳ lúc nào. Khu vực sân sau của bệnh viện được trưng dụng làm nơi để các vật dụng như gạch xây dựng, bìa carton, thùng nhựa, bình oxy y tế… rất ngổn ngang, gây mất mỹ quan xung quanh. Có thể dễ dàng thấy rằng, việc tu sửa của bệnh viện được thực hiện theo cách chắp vá, hư hỏng khu vực nào thì sửa chữa và sơn lại.

Phía bên ngoài của bệnh viện này, lớp tường xây cũng đã có dấu hiệu bong tróc sơn, rạn nứt. Hệ thống dây điện chằng chịt, đấu nối tạm bợ có thể gây nguy hiểm cho bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Dù nằm ngay tại trung tâm thành phố (quận 5), Bệnh viện Tâm thần TPHCM lại vô cùng cũ kỹ, chật hẹp với các tường bị rêu mốc. Ghi nhận tại khu khám và điều trị bệnh, sàn lót gạch và lớp sơn tường có nhiều mảng bám đen, bẩn theo thời gian… Dù có người trông coi và dọn dẹp nhưng khu vực nhà vệ sinh luôn trong tình trạng có mùi hôi, ẩm thấp và tối tăm.

Ngay tại lối đi của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TPHCM), một mảng tường trên trần nhà bị nứt vỡ, có nguy cơ rơi xuống bất kỳ lúc nào gây nguy hiểm cho những người qua lại. Ảnh: M.T.
Sau nhiều năm sử dụng, cơ sở vật chất của Bệnh viện Tâm thần TPHCM đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: H.H.

Đến khám tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, chị H.N. (26 tuổi), ngụ tại quận Gò Vấp, cho biết khi vào bên trong, bệnh viện chỉ như một căn nhà cấp bốn xuống cấp. Đèn chiếu sáng ở sảnh còn yếu, phòng ốc ẩm thấp gây ra cảm giác tù túng, thấp thỏm lo sợ khi ngồi chờ.

Đáng nói hơn, hệ thống nhà vệ sinh của bệnh viện cũng không được cải tạo, vẫn xây dựng theo kiểu cũ với bệ ngồi xổm. Tường nhà nơi đây đóng các mảng rêu xanh khiến nhiều người liên tưởng đến các nhà thương thời xưa. Tình trạng xuống cấp này gây ám ảnh, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bệnh nhân mỗi khi nhắc đến bệnh viện này, chị N. bày tỏ.

Ngoài ra, ghi nhận tại Viện Pasteur (TPHCM), ngay tại lối đi, lớp vữa cũng bị bong tróc, rơi rụng khiến cho tường nhà trở nên sần sùi, nhếch nhác. Còn Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng đang trong tình trạng xuống cấp với sàn nhà tại một số khoa lộ nền xi măng. Một số khu vực được trưng dụng làm nơi để các vật dụng thi công xây dựng.

Trong khi yêu cầu của người dân về khám chữa bệnh đang ngày càng tăng cao, cơ sở vật chất của một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM lại xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, nhiều bệnh nhân đã chấp nhận vượt tuyến, tốn thêm chi phí để đến được các cơ sở khám và điều trị bệnh an toàn và tốt hơn.

Việc đầu tư cải tạo, xây dựng mới cơ sở hạ tầng của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đang là bài toán thách thức đối với ngành y tế thành phố trong thời gian vừa qua. Ảnh: H.H.

Thực tế cho thấy, để tiếp tục duy trì hoạt động của các bệnh viện công, thành phố cần phải chi thêm vốn để nâng cấp các công trình y tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết hiện TPHCM đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công và thi công các dự án của ngành y tế. Theo đó, một số dự án đang bị chậm tiến độ do giá xăng dầu tăng, dẫn đến các nguyên vật liệu cũng tăng giá. Một số công trình hầu như nhà thầu không thực hiện vì càng làm càng lỗ.

Một nhà thầu phụ trách dự án tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định được lên phương án giá đầu tư từ 10 năm trước. Tuy nhiên, chủ thầu này cho rằng hiện nếu làm tiếp công trình này có thể lỗ 50 tỉ đồng, nên dù đền hợp đồng còn hơn là tiếp tục xây dựng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết.

Theo ông Nam, giá thời điểm trước đây và hiện nay chênh lệch rất lớn. Nếu như thời điểm xây dựng, giá suất đầu tư rất thấp, bình quân 2 tỉ đồng/m2 giường bệnh, hiện nay đã lên 4,5 tỉ đồng. Vì vậy, khối lượng giải ngân của khối điều trị nội trú của Bệnh viện Nhân dân Gia Định hiện chỉ đạt 36,8%.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công của ngành y tế, ông Hoài Nam cho biết tiến độ giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân như không có khối lượng giải ngân; một số dự án hết thời gian thực hiện dự án phải chờ quyết định gia hạn; một số chủ đầu tư chậm thực hiện chủ trương đầu tư dù đã có trong danh sách trung hạn, cũng như còn vướng các gói đấu thầu trang thiết bị.

Trước tình trạng này, trong năm 2021-2022, Sở Y tế TPHCM cũng đã liên tục họp mỗi ngày để tìm hướng đi cho các công trình chậm này; đồng thời chủ động từng bước tháo gỡ khó khăn cho các công trình trọng điểm này.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối