Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Nhiều cơ hội phát triển thương mại điện tử cho TPHCM

(SGTT) - Thương mại điện tử ở TPHCM đang phát triển mạnh mẽ với tiềm năng lớn, tạo ra cơ hội lẫn thách thức về quản lý nhà nước trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy nền kinh tế của thành phố.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM.

TPHCM là nơi có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sôi động, doanh nghiệp phát triển nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến... Đây là điều kiện tốt để thành phố thúc đẩy hoạt động ứng dụng thương mại điện tử, phát triển mảng thương mại di động (mobile ecommerce). Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, về các định hướng phát triển ngành thương mại điện tử trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

 

Sài Gòn Tiếp Thị: Ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại TPHCM được cho là có tiềm năng phát triển vượt bậc. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Phạm Thành Kiên: Xét về tiềm năng phát triển TMĐT, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có thị trường TMĐT hoạt động sôi động, thuộc loại lớn nhất nước. Theo bản báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, TPHCM dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử qua các năm 2017, 2018 và 2019. Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự quan tâm đầu tư vào xây dựng trang web. Hiện đã có 13.569 trang web TMĐT được Bộ Công Thương xác nhận thông báo, đăng ký. Đồng thời, các doanh nghiệp bắt đầu thiết lập trang web trên nền tảng di động theo xu thế chung của thế giới, tăng từ mức 25,5% trong năm 2015 lên 27,8% trong năm ngoái 2018 và xây dựng các ứng dụng dùng trên thiết bị di động (mobile app).

Theo Sở Công Thương ghi nhận được, mạng xã hội từng bước trở thành kênh phân phối trực tuyến chuyên về hàng tiêu dùng bình dân. Mạng xã hội đang giúp các doanh nghiệp, người bán hàng trực tuyến... chuyển đổi hình thức bán hàng qua truyền hình, từ phát sóng một chiều sang phát sóng trực tuyến (live streaming), có sự tương tác đa chiều giữa người bán và cộng đồng người mua. Kết quả khảo sát trên địa bàn thành phố ở giai đoạn này cho thấy, người tiêu dùng mua sắm trên các kênh truyền hình và mạng xã hội có lượng giao dịch thanh toán bằng cách chuyển khoản qua các ngân hàng chiếm khoảng 17,6% số người mua hàng trực tuyến.
Đối với người tiêu dùng thành phố, việc sử dụng TMĐT đã trở nên phổ biến. Lượng truy cập Internet qua các phương tiện điện tử của người dân chiếm hơn 88,8%, người dân dễ dàng tìm kiếm theo nhu cầu thông qua các trang thương mại điện tử, tiếp cận nhiều nguồn thông tin để đánh giá, lựa chọn trước khi quyết định mua hàng. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của TMĐT, như người mua và người bán chỉ trao đổi qua không gian mạng mà không gặp mặt trực tiếp nên người tiêu dùng vẫn còn e dè với việc thực hiện thanh toán trực tuyến – nghĩa là vẫn ưu tiên chọn chi trả bằng tiền mặt (chiếm tỷ lệ 93%).

Có thể thấy hoạt động TMĐT trên địa bàn đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng người dùng sử dụng thiết bị di động có kết nối Internet ngày càng nhiều.

Trong thời gian qua, các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng theo mô hình trang bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động. Không những thế, các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…), thanh toán trên Internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động… Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử còn hạn chế, nhất là trong vấn đề quản lý thuế, quản lý nguồn gốc, luồng hàng… dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng không bảo đảm như cam kết (của người bán) còn nhiều, làm cho lòng tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử chưa cao.

- Xin ông cho biết theo Đề án phát triển ngành thương mại điện tử trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành TMĐT của thành phố được định hướng phát triển theo hướng nào?
Sự phát triển thương mại điện tử là xu thế chung không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới, nhằm phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Do đó, TPHCM định hướng phát triển ngành TMĐT theo hướng như sau:

Một là khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh; đẩy mạnh hoạt động TMĐT trên thiết bị di động (mobile commerce, tạm dịch là thương mại di động), mạng xã hội theo hướng đáp ứng nhu cầu mua sắm của từng cá nhân.

Hai là khuyến khích ứng dụng thương mại điện tử theo hướng kết hợp chặt chẽ, đan xen với các loại hình phân phối hiện hữu nêu trên (có địa điểm bán hàng cụ thể, cửa hàng offline) để tạo thành phương thức phân phối đa kênh.

Ba là khuyến khích phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, góp phần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp của doanh nghiệp trẻ trên địa bàn thành phố.
Vì vậy yêu cầu đặt ra với đề án này là nội dung triển khai vừa phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TMĐT trên địa bàn thành phố, vừa bảo đảm bảo các yêu cầu của quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

- Có trở ngại nào trong quá trình thúc đẩy TMĐT phát triển không, thưa ông?

Sở Công Thương nhận thấy ngành TMĐT trên phạm vi cả nước nói chung và tại TPHCM nói riêng đang phát triển nhanh chóng, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực phân phối. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT bình quân khoảng 20% mỗi năm (nguồn: Bộ Công Thương). Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại lớn là lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp, kênh thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu.

TPHCM hiện thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp và người tiêu dùng có giao dịch thương mại điện tử. Sự đan xen giữa thương mại điện tử với thương mại truyền thống; tính chất “vô hình” của giao dịch TMĐT cũng đặt ra hàng loạt vấn đề mới về quản lý nhà nước, như chống thất thu thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... bên cạnh đó cũng đặt ra trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thương mại điện tử chính là cơ hội thúc đẩy nền kinh tế số, môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh mới trong xu hướng phát triển nền kinh tế chia sẻ (sharing economy). TPHCM với vai trò trung tâm kinh tế, “đầu tàu” của cả nước sẽ tập trung phát triển TMĐT nhằm bắt kịp xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Chí Thịnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối