Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Nhiều địa phương hướng đến xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng

Nhiều tỉnh thành như Bình Phước, Tiền Giang, Gia Lai, Lâm Đồng đang hoàn tất các thủ tục đăng ký mã số, cấp mã số vùng trồng đạt điều kiện xuất khẩu chính ngạch, đặt mục tiêu sản xuất dài hạn cho trái sầu riêng nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Xuất khẩu trái sầu riêng. Ảnh: Hữu Thiện

Theo TTXVN, Bình Phước đang có 5 mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Người dân những vùng này đang thực hiện nhiều phương pháp chăm sóc cây trồng theo đúng quy định, tạo điều kiện tiến đến việc xuất khẩu chính ngạch trong vụ thu hoạch tới.

Toàn tỉnh có hơn 3.000 hecta diện tích trồng cây sầu riêng. UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng theo quy định.

Một số tỉnh thành khác cũng đang hướng đến việc sản xuất trái sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hoàn thiện các thủ tục để được phép xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường.

Như ở Gia Lai, huyện Đức Cơ đang thực hiện thủ tục đăng ký cấp 9 mã số vùng trồng cây sầu riêng, đồng thời hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xin cấp mã số cơ sở đóng gói.

Dự kiến, vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, huyện sẽ có những sản phẩm đầu tiên đạt chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc theo nghị định thư đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết.

TTXVN thông tin, diện tích trồng sầu riêng tỉnh Gia Lai khoảng 4.000 héc-ta. Sản lượng sầu riêng đạt khoảng 25.000 tấn. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ tăng diện tích sầu riêng lên thành 5.000 héc-ta.

Ở Đắk Lắk, sau Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, vào tháng 7-2022, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị về hướng dẫn thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho các tỉnh Tây Nguyên.

Ở Lâm Đồng, trong tháng 9-2022, lô sầu riêng với trọng lượng 70 tấn lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo thống kê, diện tích sầu riêng trên toàn tỉnh Lâm Đồng hơn 14.000 héc-ta, tập trung chủ yếu tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh.

Còn ở tỉnh Tiền Giang, như tiengiang.gov.vn đưa tin, tỉnh có định hướng sẽ chú trọng việc ứng dụng khoa học – công nghệ, khuyến khích nông dân thâm canh theo hướng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Đến năm 2025, sản lượng trái sầu riêng đạt khoảng 360.000 tấn. Trong đó, có 25% diện tích được công nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 50% diện tích được cấp mã số vùng trồng và tỷ lệ sầu riêng xuất khẩu chiếm 70-80% sản lượng.

T.Đào

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối