Khi dịch bệnh bùng phát, các loại hình kinh doanh giải trí như rạp phim, karaoke, bar, dịch vụ ăn uống tại chỗ… luôn đóng cửa đầu tiên nhưng đây cũng là những dịch vụ mở cửa cuối cùng khi dịch được kiểm soát. Đến nay, TPHCM đã dần mở cửa các hoạt động kinh tế theo trạng thái bình thường mới, các loại hình này vẫn chật vật để tồn tại khi chưa xác định được “ngày trở lại”.
- Kinh doanh thời trang gặp khó sau khi được mở cửa trở lại
- Phòng gym, spa đóng cửa, hội viên hoang mang vì nguy cơ mất tiền
- Cửa ngõ miền Tây tấp nập người dân quay lại TPHCM làm việc
- Từ vụ ‘suýt’ không bay được, xem lại quy trình tiếp nhận chuyến bay
Các đợt giãn cách kéo dài liên tiếp nhau khiến cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh giải trí, chăm sóc sắc đẹp, ăn uống tại chỗ… gần như đóng cửa. Gần một năm không có doanh thu, vẫn phải gồng gánh các chi phí cố định, các doanh nghiệp này đang mong chờ từng ngày để mở cửa, nuôi hy vọng phục hồi.
Kinh doanh trong không gian kín đang “bí”
Trong công văn gửi đến Thủ tướng và UBND TPHCM mới đây, đại diện của 20 nhà sản xuất, phát hành phim kiến nghị được phục hồi kinh doanh. Các doanh nghiệp cam kết thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Theo họ, nếu đến đầu năm 2022 rạp chiếu phim mới được hoạt động lại, nhiều doanh nghiệp điện ảnh dù lớn hay nhỏ đều đứng trước nguy cơ phá sản.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của hệ thống rạp chiếu phim CGV, cho biết trong 4 tháng qua, hệ thống rạp chiếu phim đóng cửa trên toàn quốc. Thách thức lớn nhất của CGV là dòng tiền trong kinh doanh. Trong bối cảnh doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng 0, hệ thống rạp chiếu phim phải gồng gánh nhiều chi phí suốt thời gian qua.
Tài chính cạn kiệt cũng là tình trạng của cụm rạp BHD khi đóng cửa trong thời gian dài, lãi vay ngân hàng, chi phí nhân viên, bảo trì thiết bị… đang đè nặng. Đến nay, nguồn nhân lực của công ty cũng bắt đầu gặp khó khăn, một số nhân viên phải tìm hướng đi khác khi không thể chờ đợi ngày hệ thống rạp chiếu phim mở cửa trở lại.
“Trong năm 2021, các cụm rạp chiếu phim của BHD đã phải đóng cửa hai lần. Lần đầu là vào tháng 2, ngay dịp Tết Nguyên đán – đây là thời điểm thường có doanh thu cao nhất trong năm. Lần thứ hai là từ tháng 5 kéo dài đến nay. Rạp đã gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh gần 2 năm qua. Nếu việc đóng cửa kéo dài hơn thì các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh, rạp chiếu phim sẽ khó cầm cự lâu hơn và có thể dẫn đến nguy cơ phá sản”, một đại diện của BHD chia sẻ.
Không có văn bản kiến nghị chính thức như các nhà kinh doanh rạp chiếu phim nhưng các hệ thống kinh doanh karaoke, quán bar cũng đang ở trong một tình cảnh tương tự. Trong giai đoạn giãn cách họ phải chật vật xoay xở bằng việc kinh doanh thực phẩm để bù đắp đôi chút vào chi phí duy trì hệ thống.
Đại diện quản lý hệ thống karaoke ICool tại TPHCM cho biết, hệ thống này có gần 20 chi nhánh. Bình quân mỗi tháng tốn khoảng 150 triệu đồng/mặt bằng, như vậy tiền thuê mặt bằng cho gần 20 chi nhánh hết khoảng 3 tỉ đồng/tháng. Ngoài ra, chi phí hỗ trợ cho gần 800 nhân viên trong toàn hệ thống lên đến hàng tỉ đồng mỗi tháng. “Không còn cách nào khác, gần 20 chi nhánh của chúng tôi đã chuyển sang bán cà phê, thức ăn nhanh và chạy giao hàng trên cả ứng dụng giao đồ ăn. Đây là cách chúng tôi cầm cự và phải mở xuyên suốt để 800 con người trong hệ thống vẫn có công việc mưu sinh qua ngày”, vị này cho hay.
Hay như các quán bar, club, karaoke, hàng ăn uống… ở phố đi bộ Bùi Viện, thường ngày rất nhộn nhịp, nhưng sau gần năm tháng ngừng hoạt động vì giãn cách, nay nhiều quán bar, nhà hàng đã trở thành quầy bán rau củ, thịt, cá… Tuy nhiên, với hơn bốn tháng không có doanh thu, các chủ quán cũng vẫn gặp áp lực rất lớn về tiền thuê mặt bằng cùng nhiều chi phí khác.
Ngậm ngùi chờ mở cửa từng bước
Các hoạt động giải trí như quán bar, karaoke, rạp chiếu phim… đều là những loại hình hoạt động trong môi trường kín và có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, thông thường những ngành nghề này sẽ thuộc nhóm mở cửa sau cùng. Nhiều doanh nghiệp cũng hiểu rõ tính chất của loại hình kinh doanh này và đành chấp nhận chờ diễn biến tích cực hơn của dịch bệnh.
Tuy nhiên, điều họ mong muốn là cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp chậm trả lãi ngân hàng, cho vay lãi suất thấp, kéo dài thêm thời gian trả nợ, không phạt việc chậm trả nợ…, để những người kinh doanh có thể xoay xở và tính đến việc mở cửa từng bước khi được phép hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội, CGV mở rộng phát triển các nội dung trực tuyến. Tuy nhiên, doanh thu từ các chương trình này không nhiều, chỉ mang tính duy trì kết nối với khán giả. “Với mong muốn khôi phục lại hoạt động kinh doanh của các rạp chiếu phim tại Việt Nam nói chung và CGV nói riêng, chúng tôi hy vọng chủ trương mới của Chính phủ sẽ cho phép nhà rạp được phép mở cửa hoạt động trở lại vào đầu tháng 11, khi mà các trung tâm thương mại đã được hoạt động lại”, ông Hải đề nghị.
Hệ thống rạp sẽ tiến hành khử khuẩn hàng ngày bằng các thiết bị chuyên dụng, trang bị đầy đủ dụng cụ khử khuẩn cho nhân viên lẫn khách hàng, đo thân nhiệt trước khi vào rạp, khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến và sử dụng vé xem phim điện tử để hạn chế tiếp xúc… Hiện 100% nhân viên làm việc tại rạp đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19, ông Hải chia sẻ thêm.
Trong khi đó đại diện hệ thống rạp BHD cho biết, nếu hệ thống rạp chiếu phim được mở cửa trở lại vào tháng 11 sẽ đón đầu nhiều thuận lợi. Thời điểm này nhiều phim bom tấn được ra mắt ở thị trường nước ngoài, các nhà phát hành tại Việt Nam cũng chuẩn bị sẵn nhiều nguồn phim hay, tốt để trình chiếu.
Để đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng khi rạp hoạt động trở lại, đại diện BHD cho biết đang nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài về việc phòng dịch, đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
TPHCM chưa cho phép dịch vụ ăn uống tại chỗ mở lạiTại cuộc họp báo chiều 11-10, trả lời câu hỏi về kế hoạch cho phép quận 7 thí điểm mở lại dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết thời gian qua thành phố đã mở lại một số loại hình dịch vụ theo Chỉ thị 18. Tuy nhiên, đối với các dịch vụ tập trung đông người, thành phố chưa có chủ trương mở lại. Trên tinh thần các sở ban ngành đã tham mưu cho UBND TPHCM, các loại hình kinh doanh, dịch vụ có đủ điều kiện để tổ chức hoạt động trong an toàn thì được mở lại, những loại hình có khả năng gây rủi ro sẽ phải được cân nhắc, tính toán thêm. Theo ông Phương, hiện nay các loại hình dịch vụ do sở ngành chuyên môn phụ trách. Cụ thể, dịch vụ vui chơi giải trí do Sở Văn hóa và Thể thao phụ trách, dịch vụ tư vấn làm đẹp do Sở Y tế phụ trách và dịch vụ ăn uống do Ban quản lý an toàn thực phẩm phụ trách. Khi tham mưu cho UBND TPHCM, Sở Công Thương không chịu trách nhiệm tham mưu lĩnh vực này.
V.Dũng
Theo KTSG Online