Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Nhiều đồ lót “Made in Vietnam” sản xuất ở Trung Quốc

Tâm An -

Ở thị trường đồ nội y (đồ lót) hiện nay, tình trạng hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam (made in Vietnam) rất phổ biến. Vấn đề là, có không ít doanh nghiệp có thương hiệu cũng gian lận xuất xứ khiến người tiêu dùng càng chịu thiệt.

Vàng thau lẫn lộn

ba-HuanRất nhiều sản phẩm đồ lót đang bị giả xuất xứ. Ảnh: Tâm An

Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sơn Việt, doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm đồ lót cho biết nếu tính riêng ở phân khúc hàng tầm trung (có giá vài trăm ngàn đồng/một áo ngực và trên dưới 100.000 đồng/quần) thì thị trường đang rất bát nháo, vàng thau lẫn lộn. Nguyên nhân là không ít doanh nghiệp có thương hiệu thực hiện nhập khẩu hàng tại Trung Quốc rồi về gắn mác “Made in Vietnam”, gian lận nguồn gốc xuất xứ. Mục đích là đánh lừa khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam đang có tâm lý e ngại, tránh xa hàng Trung Quốc.

Tại sao lại là Trung Quốc mà không phải quốc gia nào khác thì rất dễ hiểu. Theo ông Anh, thứ nhất là giá hàng rất rẻ khi đây là công xưởng của thế giới với hàng ngàn, hàng vạn xưởng sản xuất, quy mô to nhỏ khác nhau, từ đầu tư bài bản để làm gia công cho các hãng lớn trên thế giới đến cơ sở nhỏ chuyên thu gom nguyên liệu giá rẻ để sản xuất hàng chất lượng thấp. Năng suất lao động thì vào dạng dẫn đầu khu vực (chẳng hạn hiệu suất may đồ lót nữ hiện đã gấp đôi Việt Nam).

Thứ hai, quan trọng hơn là nhập hàng từ Trung Quốc không mất công sức đầu tư thiết kế mẫu nhưng vẫn có mẫu mới liên tục. Lâu nay, thiết kế là khâu yếu nhất của hầu hết các doanh nghiệp đồ lót Việt Nam bởi nhân lực chuyên cho ngành này gần như không có trên thị trường lao động (ít người theo học và thiếu trường đào tạo chính thức).

Chị V.L., phụ trách mảng bán lẻ của một thương hiệu đồ lót trung cấp (giá áo ngực 400.000- 700.000 đồng/cái) cũng chia sẻ vì người tiêu dùng “chạy xa” hàng gắn mác “Made in China” nên các doanh nghiệp dù nhập hàng từ Trung Quốc về nhưng đều gắn mác sản xuất tại Việt Nam để bán được hàng. Như công ty chị, gần phân nửa hàng hiện nay là nhập từ Trung Quốc nhưng không có bất kỳ nhãn mác nào thể hiện điều đó.

Bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thời trang Sơn Kim, doanh nghiệp sở hữu và nhượng quyền các thương hiệu đồ lót như Jockey, Vera, WOW, Misaki và J.Buss… bày tỏ điều nguy hiểm là hàng nhập lậu, hàng nhái xuất xứ hiện đang được bày bán công khai tại khắp các chợ, cửa hàng của Việt Nam, thậm chí là cả ở siêu thị, trung tâm thương mại mà không gặp khó khăn gì. Và nhờ lợi thế giá đầu vào thấp nên người kinh doanh sẵn sàng chi chiết khấu cao cho các kênh phân phối, lấy vị trí trưng bày rộng, đẹp; thực hiện các chương trình giảm giá hấp dẫn để thu hút đại đa số khách hàng. Đây là sức ép rất lớn đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính, khiến không ít đơn vị phải thu hẹp sản xuất vì không thể cạnh tranh.

[box type="info"] Loạn hàng giả ở thị trường đồ lót

Ngoài chuyện nhái xuất xứ, thị trường đồ lót hiện nay còn nhức nhối tình trạng hàng nhái, hàng giả tràn lan. Hầu hết các thương hiệu nội y có tiếng, từ Victoria’s Secret đến Triumph đều bị làm giả, bày bán khắp các chợ, cửa hàng hay trung tâm mua sắm với mác “hàng Việt Nam xuất khẩu” dư và có giá bán từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Các thương hiệu chán nản, ngán ngẩm “chịu trận” vì làm không xuể còn người tiêu dùng thì hoang mang. Thậm chí, có người làm trong ngành còn thừa nhận chỉ dám mua đồ lót tại nước ngoài để tránh hàng giả.[/box]

Lỗi của nhiều bên

Ông Xuân Anh cho biết  phương thức để các doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc về rồi gắn mác “Made in Vietnam” qua mặt cơ quan quản lý hiện nay là vẫn thực hiện gia công một phần tại các cơ sở, nhà máy trong nước. Mục đích của việc này là để có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Theo bà Hồng Trang, sở dĩ hàng lậu, hàng nhái xuất xứ có đất sống và sống tốt được như vậy là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, cơ quan chức năng hầu như buông lỏng quản lý khâu kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa trên thị trường.

Thứ hai, những người bán lẻ (ở kênh hiện đại lẫn truyền thống) chỉ tập trung vào thị hiếu thích hàng giá rẻ của khách hàng, chú trọng vấn đề lợi nhuận. Điều này đã làm cho những nhà sản xuất làm ăn đàng hoàng khó có thể tham gia kênh phân phối hoặc tham gia một cách hạn chế khi chênh lệch giá quá lớn giữa các sản phẩm trong cùng một khu vực trưng bày cũng như tỷ lệ chiết khấu. Thứ ba, bản thân rất nhiều người tiêu dùng chuộng hàng giá rẻ mà ít quan tâm đến kỹ thuật, chất liệu (là hai yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe).

Ông Xuân Anh cho rằng với tình trạng này, cơ quan quản lý phải có giải pháp ngăn chặn để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Việc đầu tiên cần làm là phải tăng cường kiểm tra kiểm soát biên giới để chặn hàng nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Tiếp đó là phải thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp trên cơ sở đối chiếu thông tin, số liệu trong hóa đơn chứng từ với thực tế hàng trong kho. “Tất nhiên, việc này đòi hỏi rất nhiều công sức và sự phối hợp của nhiều lực lượng nhưng khó vẫn phải làm”, ông Xuân Anh nói.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối