(SGTT) - Việc nhiều chuỗi cửa hàng kinh doanh đóng cửa trả mặt bằng trong thời gian vừa qua khiến mặt bằng cho thuê tại khu vực trung tâm TPHCM chịu nhiều ảnh hưởng. Dù mặt bằng ế ẩm nhưng giá cho thuê vẫn “bất động". Theo chuyên gia, lý do là vì nhiều chủ nhà cho rằng khi nền kinh tế hồi phục, nhu cầu thuê mặt bằng ở vị trí trung tâm sẽ tăng cao, cho nên thay vì giảm giá họ vẫn chấp nhận để trống.
- Quốc hội lập đoàn giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
- Người trẻ đặt lại vấn đề về sở hữu nhà ở đô thị lớn
Băng rôn “cho thuê mặt bằng" nhan nhản trên các tuyến đường lớn của TPHCM
Hiện tại, trên một số tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3 như Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng... người dân dễ dàng thấy nhiều mặt bằng đề bảng cho thuê, sang nhượng, và đa số trong số đó duy trì tình trạng này từ nhiều tháng qua.
Trên các trục đường chính, nhiều mặt bằng được gọi là "mặt tiền vàng" nay đã không còn đẹp như xưa, với chi chít các biển hiệu cho thuê mặt bằng. Đơn cử như trên con đường "vàng" Lê Lợi ở trung tâm quận 1, đã có tới khoảng 18 mặt bằng dán biển cho thuê kèm với số điện thoại liên lạc.
Cuối tháng 4-2022, hàng rào tôn trên đường Lê Lợi được tháo dỡ sau nhiều năm phục vụ thi công tuyến metro. Việc này đã giúp mặt bằng đoạn đường này trở nên sạch đẹp, có không gian cho người đi bộ và tạo thuận lợi hơn cho việc kinh doanh. Tuy nhiên, dù con đường đã thông thoáng hơn một năm qua vẫn đang có nhiều mặt bằng đang "chờ chủ".
Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong quý 1/2023, nhu cầu tìm thuê mặt bằng nhà mặt phố tại TPHCM có động thái giảm, nhất là ở các khu vực trung tâm thành phố. Cụ thể, lượng khách tìm thuê nhà phố tại quận 1 giảm 40%, tại quận 3 giảm 45%, còn tại các quận ngoài trung tâm khác như quận 7 giảm 52%, quận 10 giảm 48% và quận Phú Nhuận giảm 50% so với nhu cầu thuê thời điểm quý 4/2022.
Theo báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê quý 1/2023 của Bộ phận Nghiên cứu Savills TPHCM, công suất thuê toàn thị trường đạt 92%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Ngành hàng ăn uống chiếm 30% diện tích bị bỏ trống, ngành hàng thời trang chiếm 21%, ngành vui chơi giải trí chiếm 20% và ngành giáo dục chiếm 6%.
Nguyên nhân mặt bằng tại trung tâm TPHCM ế ẩm
Theo ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án của Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA Group, những bất ổn, khó khăn của nền kinh tế trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến thu nhập của đa số người dân. Điều này tác động trực tiếp đến sức mua của toàn thị trường. Người dân sẽ chắt chiu, dè chừng hơn trong việc chi tiêu, mua sắm. Đây là lý do chính nhiều chuỗi cửa hàng ăn uống, cửa hàng kinh doanh thời trang… đóng cửa trả mặt bằng diễn ra rầm rộ trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, trước bối cảnh sức mua giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp lựa chọn tái cấu trúc, sẵn sàng đóng cửa những địa điểm kinh doanh không hiệu quả, thu nhỏ mô hình kinh doanh. Ngoài ra, chi phí mặt bằng tại khu vực trung tâm khá cao và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp ưu tiên chuyển cửa hàng ra xa trung tâm để có mặt bằng giá thấp hơn.
Ông Thắng nói thêm từ sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng có sự thay đổi lớn về thói quen mua sắm, xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng gia tăng, mặt bằng bán lẻ cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thương mại điện tử.
"Đối với mặt bằng ở khu vực trung tâm, hoạt động kinh doanh chủ yếu phục vụ khách du lịch trong khi đó khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Cộng với mặt bằng giá thuê hiện nay khá cao sau những năm thị trường bất động sản phát triển nóng khiến cho nhiều nhà bán lẻ cân nhắc khi lựa chọn mặt bằng ở những tuyến đường trung tâm”, ông Thắng nói.
Vị này cho rằng việc giá thuê mặt bằng điều chỉnh giảm trong thời gian tới hoàn toàn có thể khi tỷ lệ trả và bỏ trống mặt bằng vẫn tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, một bộ phận chủ bất động sản cho thuê còn lại sẽ vẫn duy trì giá cho thuê như trước, bởi hiện tại không ít khách thuê mong muốn giảm giá 20% - 30% với thời hạn cho thuê kéo dài 3 – 5 năm mà không tăng giá. Điều này vô hình trung khiến nhiều chủ nhà có tâm lý e ngại sẽ thất thu khi thị trường hồi phục.
Những chủ nhà không muốn giảm giá cho thuê vẫn đang có tâm lý đang trông chờ khi nền kinh tế hồi phục, nhu cầu thuê mặt bằng ở vị trí trung tâm sẽ tăng cao; vì vậy thay vì giảm giá họ vẫn chấp nhận để trống và chờ khi kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng giai đoạn này rất khó để đưa ra một dự báo chính xác thời gian thị trường cho thuê được cải thiện. Đà phục hồi sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hồi phục của nền kinh tế.
Trúc Nhã - Lê Vũ