Hà Bi -
Trong sự gấp gáp của những ngày cuối năm âm lịch 2017, Hà Nội vẫn khá sôi nổi với nhiều hoạt động, sự kiện liên quan tới văn hóa, điện ảnh.
Thảo luận cùng tiến sĩ Phương Mai về văn hóa
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, tác giả của nhiều cuốn du ký mang chiều sâu văn hóa, như cuốn Tôi là một con lừa, Con đường Hồi giáo…, sẽ có 3 buổi nói chuyện tại Hà Nội về văn hóa. Các buổi nói chuyện này đều xoay quanh “mô hình mới của truyền thống văn hóa, một góc nhìn sâu sắc từ sinh học thần kinh (Neurobiology)”, diễn ra vào ngày 25, 27 và 30-1.
Chủ đề của buổi thảo luận vào hôm 25-1 tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội là về thế giới quan và hệ quy chiếu mới của giao tiếp liên/đa văn hóa - các đóng góp của thần kinh học và sinh học tiến hóa. Đây là chủ đề đòi hỏi người nghe có kiến thức nhất định, nên chỉ giới hạn trong phạm vi học thuật và chuyên gia.
Hai buổi thảo luận còn lại diễn ra lần lượt vào ngày 27-1 tại iSEE Hub (Giảng Võ, Hà Nội) với chủ đề “Sự đa dạng văn hoá đến từ đâu?”, và vào ngày 30-1 với chủ đề “Tẩy não” tại Nhã Nam Book n Coffee (Times City, Hà Nội). Các chủ đề này dành cho những người quan tâm tới khoa học và văn hóa, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của sinh viên và người trẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là học giả có kiến thức văn hóa phong phú cả trên lý thuyết lẫn thực tế, nên những sản phẩm văn hóa của chị đều được công chúng đón nhận. Qua cách viết sách du ký có chiều sâu, tiến sĩ Nguyễn Phương Mai không chỉ truyền tải trải nghiệm bản thân, mà còn lồng ghép những mảng sáng - tối của văn hóa vùng miền, lề thói xã hội của quốc gia nơi chị đặt chân tới.
Phim và tọa đàm về “Tính nghệ thuật của chữ Nôm”
Phần hai của chuỗi sự kiện về chữ Nôm do tổ chức giáo dục phi lợi nhuận FVH (Friends of Vietnam Heritage) thực hiện sẽ diễn ra tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), Hà Nội vào 14g ngày 27-1. Đây là sự kiện theo sau phần một (buổi tọa đàm do tiến sĩ Trần Đoàn Lâm thực hiện, cũng về chữ Hán Nôm, diễn ra vào ngày 21-1).
Trong buổi tọa đàm, FVH cùng Suzanne Lecht, Giám đốc phòng tranh Art Vietnam Gallery, sẽ trình chiếu phim tài liệu ngắn mang tên “Tính nghệ thuật của chữ Nôm” của đạo diễn Bill Perna phối hợp thực hiện với Zen’ei Gang of Five (nhóm thư pháp bao gồm các học giả và nghệ sĩ người Việt) và Suzanne Lecht. Bộ phim sẽ mở ra những kiến thức mới về loại ký tự chữ viết ngàn năm của Việt Nam khi xem xét nó trong dòng chảy văn hóa, lịch sử lâu đời của người Việt.
Tháng phim 74, 84, 94, 04, 14
Tiếp nối tháng phim “Chuyển thể từ tác phẩm văn học”, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD khởi động sự kiện Phim 74, 84, 94, 04, 14 bắt đầu từ ngày 12-1 và kéo dài cho đến dịp Tết Nguyên đán. Sự kiện này sẽ lần lượt giới thiệu tới khán giả yêu điện ảnh 5 tác phẩm xuất sắc được sản xuất lần lượt trong các năm 1974, 1984, 1994, 2004 và 2014. Những tác phẩm này không phải là phim xuất sắc nhất của năm đó nhưng đều là những bộ phim nổi bật của điện ảnh thế giới.
Bộ phim Chinatown (1974) của đạo diễn Roman Planski đã mở màn cho sự kiện này, và sắp tới là phim Amadeus (1984) của đạo diễn Milos Forman. Trong các tuần tiếp theo, TPD sẽ trình chiếu Léon (1994) của đạo diễn Luc Besson, Closer (2004) của đạo diễn Patrick Marber và The grand budapest hotel (2014) của Wes Anderson.
Các buổi chiếu đều được tổ chức vào tối thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ 19g tại rạp chiếu của TPD (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Mức phí đóng góp là 20 ngàn đồng/người, vào cửa tự do.
Chú dế mèn cho tôi tìm lại tuổi thơ
Lần đầu tiên, những phiên bản từ cổ xưa nhất cho tới hiện đại nhất của chú dế mèn trong truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài sẽ ra mắt đông đảo bạn đọc. Từ những bản phác thảo, in tranh, minh họa… vẽ tay của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, họa sĩ Tạ Huy Long, họa sĩ - đạo diễn Trương Qua… cho đến những phiên bản pop-up 3D hiện đại, xử lý trên máy móc tinh xảo tới từng nét sẽ xuất hiện trong triển lãm “Dế mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới”. Triển lãm được tổ chức bởi Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) và Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, kéo dài từ ngày 21-1 đến 25-3.
Tại triển lãm, nhiều kỷ vật liên quan tới nhà văn Tô Hoài mà VCCA tìm được cũng được trưng bày, cùng đó là hàng trăm câu chuyện gắn liền với tuổi thơ trong ký ức độc giả thế hệ 8x, 9x. Trong khuôn khổ triễn lãm còn có nhiều hoạt động khác dành cho cả người lớn lẫn trẻ em tham dự.
Ngày 27-1, hoạ sĩ Tạ Huy Long - hoạ sĩ thiết kế chính của NXB Kim Đồng - cùng các nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày sẽ có buổi chia sẻ với công chúng về hành trình vẽ tiếp nhân vật Dế mèn. Bên cạnh đó, vào các ngày cuối tuần, triển lãm sẽ sôi động hơn với các lớp học vẽ màu nước miễn phí, xếp giấy cho thiếu nhi, chương trình ca nhạc với những tác phẩm mang âm hưởng dân gian đương đại, tình cảm gia đình, tình yêu…
Triển lãm mở cửa tự do từ 10g đến 20g tại VCCA (72 Nguyễn Trãi, Hà Nội).