Trúc Diễm -
Nhiều thị trường lao động mới với mức lương cao đang chờ đón người lao động. Song, tình trạng nhân công Việt Nam không quay về nước sau khi hết hợp đồng làm việc ở nước ngoài đã gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc đàm phán để tăng số lượng người được tuyển dụng mỗi năm.
Theo bản báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), trong chín tháng đầu năm nay có 88.049 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, giảm 1,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người lao động đến khu vực Đông Bắc Á chiếm tới hơn 90%, đạt 80.472 người, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng nhẹ này là nhờ hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thị trường Đài Loan sụt giảm mạnh
Người lao động đang làm thủ tục ở sân bay để sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh: Thùy Dung
VAMAS cho biết các thị trường lao động lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực Đông Bắc Á, với hai thị trường chủ đạo là Đài Loan và Nhật Bản. Trong đó, Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng cao hơn và nhu cầu về nhân công Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên như một xu hướng trong thời gian sắp tới.
Cũng theo VAMAS, lượng người lao động đến Nhật Bản trong chín tháng vừa qua là gần 27.000 người, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân mỗi tháng có 3.000 người đến làm việc ở đất nước hoa anh đào, cao điểm là tháng 9 với khoảng 4.300 người. Trong khi đó, số người lao động đi Hàn Quốc hiện đã vượt quá 6.100, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc không bù đắp được sự sụt giảm ở thị trường Đài Loan, điểm đến của 53% tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong chín tháng đầu năm nay. Số nhân công Việt đến Đài Loan, theo bản báo cáo, chỉ mới hơn 47.000 người, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng thị trường này tiếp nhận 5.235 người lao động từ Việt Nam. Riêng tháng 9, Đài Loan tiếp nhận 5.593 người, giảm 9,67% so với tháng trước đó.
Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, đã có thêm 1.900 người Việt Nam đi làm việc tại thị trường này từ đầu năm đến nay, chiếm 2,15% tổng số người lao động xuất ngoại. Trong đó, Malaysia là thị trường trọng điểm, với thị phần 99%.
Trung Đông và châu Phi vốn còn khá mới mẻ nhưng khoảng 4.400 người lao động đã đến được với những khu vực này, chiếm 5% tổng số người lao động xuất ngoại trong ba quí vừa qua và tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bốn thị trường đang được kỳ vọng nhiều là Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) với 537 người, Ả-rập Saudi 2.931 người, Quatar 664 người và Isarel 250 người. VAMAS cũng lạc quan trong lời dự báo rằng một số nước ở khu vực Trung Đông có xu hướng tăng dần quy mô tiếp nhận người lao động từ Việt Nam.
Thêm nhiều sự lựa chọn
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết nhu cầu đi làm việc tại Đài Loan đã giảm khá mạnh trong thời gian gần đây, nguyên nhân có liên quan đến việc thu phí. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có giải pháp chấn chỉnh nhưng số lượng người đăng ký đi làm việc ở thị trường này vẫn liên tục sụt giảm, các doanh nghiệp về xuất khẩu lao động gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng.
Người lao động không mặn mà với thị trường Đài Loan, một phần là do sức hút ngày càng nóng từ thị trường Hàn Quốc. Điển hình là đợt thi tiếng Hàn được tổ chức cho người lao động vào tháng 10 vừa qua, với “tỷ lệ chọi” còn cao hơn kỳ thi tuyển đại học. Nhiều người lao động dù đang theo học tiếng Đài Loan cũng đã nộp đơn đi thi tiếng Hàn. Tuy nhiên, hạn ngạch mà Hàn Quốc tiếp nhận lao động Việt Nam trong đợt thi này chỉ 2.100 người, trong khi các thị trường khác có chỉ tiêu rất lớn. Ví dụ, hàng năm lượng người lao động Việt Nam đi Nhật Bản khoảng 30.000-35.000 người, đi Đài Loan khoảng 70.000 người.
Đợt thi tiếng Hàn nói trên cũng là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động đi Nhật Bản. “Hy vọng trong thời gian sắp tới, sau khi kỳ thi tiếng Hàn lắng xuống, người lao động sẽ lựa chọn các thị trường khác có tính phù hợp hơn, với chỉ tiêu tuyển dụng lớn hơn”, ông Diệp nói.
Đề cập đến triển vọng thị trường, ông Diệp cho rằng Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc vẫn là ba thị trường chính của nhân công Việt Nam. Phần lớn người lao động sang Nhật Bản làm các nghề hộ lý, điều dưỡng hoặc nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại các tòa nhà. Nhật Bản cũng đang điều chỉnh quy định để cho phép người lao động Việt Nam có thể ở lại thị trường này lên tới năm năm.
Ông Diệp cho biết thêm Thái Lan vừa qua đã mở cửa đối với nhân công ngành xây dựng và đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa đủ hấp dẫn vì mức lương thấp. Trong đó, công việc đánh bắt thủy hải sản gần bờ có điều kiện lao động khá khắc nghiệt. Các đội tàu cá của Thái Lan có phương tiện thô sơ và thiếu an toàn so với các đội tàu của nước khác nên mặc dù các công ty xuất khẩu lao động đã nỗ lực nhưng việc tuyển dụng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đối với một số thị trường có yêu cầu khắt khe nhưng mức lương cao như Úc, New Zealand thì Việt Nam đều đã ký kết bản thỏa thuận về xuất khẩu lao động nhưng hạn ngạch rất thấp, chỉ vài trăm người mỗi năm. Vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có cuộc đàm phán với Đại sứ Israel về hạn ngạch đưa người lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp. Tuy nhiên, phía Israel còn quan ngại về tình trạng bỏ trốn của người lao động Việt Nam. Ở Hàn Quốc, hơn 40% người lao động sau khi hết hạn hợp đồng làm việc đã không quay về nước, ở Đài Loan tỷ lệ này là 18-20%. Theo ông Diệp, tình trạng người lao động không về nước, ở lại bất hợp pháp tại các thị trường lao động nước ngoài đã khiến cho công tác đàm phán về mở cửa thị trường của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.