Thứ tư, Tháng Một 22, 2025

Nhiều triển lãm văn hóa vào những ngày cuối năm

Hà Bi -

Vào thời điểm kết thúc năm 2017 và đầu năm 2018, tại Hà Nội và TPHCM sẽ diễn ra nhiều triển lãm văn hóa-nghệ thuật, giới thiệu đến công chúng tại đây nhiều góc nhìn mới lạ về đình làng Bắc bộ, lễ tết cũng như không gian đô thị Việt Nam.

Tàn chỉ - tìm lại vẻ đẹp làng quê Bắc bộ

Triển lãm mang tên “Tàn chỉ” kéo dài từ ngày 16-12-2017 đến 21-1-2018 sẽ đem đến công chúng nhiều thông tin, hình ảnh về đình làng Bắc bộ Việt Nam và chu kỳ đổi dòng của sông Hồng. Đây là kết quả của hơn 2 năm nghiên cứu và 6 tháng làm việc giữa nghệ sĩ Lê Giang và nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Hưng, cùng sự giúp sức của kiến trúc sư chuyên ngành tu bổ Phạm Thanh Thủy, và chuyên viên tư vấn môi trường Nguyễn Thùy Dương.

Triển lãm là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Định hình tương lai - một góc nhìn văn hóa” do Viện Goethe Hà Nội khởi xướng và hỗ trợ kinh phí. Dựa trên những nghiên cứu về mối quan hệ giữa sông Hồng và các công trình kiến trúc tâm linh, hệ thống tín ngưỡng và tinh thần của làng quê đồng bằng Bắc bộ đã được đem ra xem xét lại. Triển lãm nhằm tìm kiếm giải đáp cho câu hỏi “làm sao định vị bản thân trong hiện tại, suy tưởng về tương lai khi những bằng chứng vật chất của lịch sử đang biến mất?”.  Khi chưa có câu trả lời đích xác, cuộc tìm kiếm sẽ chưa dừng lại.

Một ký họa về Hà Nội trong khuôn khổ triển lãm “Ký họa Hà Nội 2017”.

Tọa đàm “Hội hè lễ nghi ở Việt Nam”

Nhân dịp ra mắt cuốn sách Hội hè lễ tết của người Việt của giáo sư Nguyễn Văn Huyên, một buổi tọa đàm mang tên “Hội hè lễ nghi ở Việt Nam” sẽ diễn ra dưới sự dẫn dắt của nhà phê bình Mai Anh Tuấn, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng vào 18g ngày 21-12 tại hội trường L’Espace, Hà Nội. Đây là dịp những người yêu thích văn hóa Việt Nam có cơ hội nhìn nhận lại những điều đã viết trong cuốn sách, đồng thời phân tích sâu hơn về lề thói của người Việt, thông qua những nét văn hóa in sâu trong các nghi lễ hội hè.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên sinh thời là một người đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về cấu trúc và thiết chế xã hội cũng như các đề tài về tâm thức, tín ngưỡng, tôn giáo. Khi nghiên cứu các đề tài về văn hóa vật chất như nhà cửa, y phục, ông cũng cố gắng khám phá ra ý nghĩa xã hội của nó. Cuốn sách Hội hè lễ tết của người Việt không chỉ là một công trình khảo cứu, mà còn là kim chỉ nam cho những ai yêu mến và mong muốn gìn giữ văn hóa Việt Nam.

Ký họa Hà Nội 2017: Sắc màu Hà Nội lên tranh

Từ 29-12-2017 đến 5-1-2018, tại trung tâm giao lưu Văn hóa Hồ Gươm (Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm “Ký họa Hà Nội 2017” đợt 1 với nhiều tác phẩm ký họa của nhiều tác giả trẻ. Triển lãm đợt 1 sẽ giới thiệu 160 bức ký họa của các tác giả là thành viên nhóm Urban Sketchers Hanoi - đây là một tổ chức nhánh, thuộc Urban Sketchers Vietnam và Urban Sketchers thế giới nhằm kết nối Hà Nội với thế giới thông qua ký họa.

Ở các đợt tiếp theo, ban tổ chức sẽ trưng bày tác phẩm của nhiều tác giả trẻ khác. Mục tiêu của “Ký họa Hà Nội 2017” là thu thập được khoảng 1.000 bức ký họa đa dạng về Hà Nội, trưng bày thành nhiều đợt khác nhau. Cho tới giữa tháng 10-2017, ban tổ chức đã kêu gọi được hơn 450 tác phẩm, và con số này đang không ngừng tăng lên.

Cái nhìn đậm chất thơ trong giai đoạn đất nước trở mình

“Chúng ta mất gì?” “Chúng ta được gì?” là những câu hỏi liên quan tới sự chuyển đổi giữa quá khứ và tương lai được đặt ra, và tìm tòi lời giải đáp trong nhiều năm bởi ba nghệ sĩ Pháp, Bỉ, Việt Nam. Đây cũng là nội dung chính trong triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” khai mạc vào ngày 21-12-2017 và kéo dài tới 14-1-2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Trước đó, vào tháng 9-2017, triển lãm cũng được tổ chức tại Hà Nội trong khuôn khổ liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu 2017”.

Trong triển lãm, ba nghệ sĩ Pierre Larauza, Emmanuelle Vincent và Trương Minh Thy Nguyên sẽ khai thác chủ đề biến đổi hình thái không gian đô thị trên nhiều khía cạnh thông qua hội họa, vũ đạo và nghệ thuật sắp đặt. Ba nghệ sĩ đến từ ba vùng đất khác nhau, bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa và giáo dục khác nhau, và cùng quan sát những thay đổi mà các đô thị lớn ở Việt Nam đang trải qua bằng một cái nhìn lạc quan. Từ đó, họ đưa vào triển lãm những góc nhìn nhận mới mẻ, sử dụng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau.

Triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” giới thiệu đến công chúng cái nhìn đậm chất thơ về đất nước Việt Nam trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Triển lãm còn có sự tham gia của nhiều sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, và dành một không gian thực nghiệm cho khách tham quan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối