Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nhìn lại lịch sử của Công ty Việt Á ‘thổi’ giá kit xét nghiệm Covid-19

Trước khi bị khởi tố hình sự vì “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc cung ứng bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á do ông Phan Quốc Việt làm Tổng giám đốc, kinh doanh không mấy khả quan và có dấu hiệu suy giảm.
Tuy nhiên, trong năm đầu được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm Covid-19 và cung ứng ra thị trường (năm 2020), doanh thu của công ty mẹ đã tăng hơn 6 lần.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hôm 17-12 đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Công ty Việt Á do ông Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.

Trong đó, cơ quan điều tra cho biết Việt Á đã có hành vi cấu kết với nhóm lãnh đạo CDC Hải Dương lập hồ sơ, xác nhận khống để nâng giá bán kit xét nghiệm Covid-19 cao hơn quy định.

Doanh nghiệp làm ăn ra sao trước khi dính sai phạm

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á được thành lập từ năm 2007 với tên cũ là Công ty cổ phần Thương mại – Sản xuất và Dịch vụ Việt Á, có trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Trong đó, người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Phan Quốc Việt (sinh năm 1980) – một trong những người vừa bị khởi tố.

Doanh nghiệp có doanh thu đột biến sau khi được đồng ý đăng ký lưu hành kit xét nghiệm. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại thời điểm thành lập, công ty này chỉ có vốn điều lệ 80 triệu đồng. Đến tháng 10-2017, Việt Á đã tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ lên 1.000 tỉ đồng, nhưng vẫn giữ nguyên 3 cổ đông sáng lập là ông Phan Quốc Việt (nắm giữ 10,2% cổ phần); ông Đồng Sỹ Huy (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) nắm giữ 5% và bà Hồ Thị Thanh Thủy (thường trú huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nắm giữ 4,8%. Số cổ phần 3 cổ đông sáng lập nắm giữ là 20%, còn khoảng 800 tỉ đồng vốn điều lệ là của các cổ đông khác góp vốn.

Dù là doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới cả nghìn tỉ đồng nhưng giai đoạn 2016-2019, kết quả kinh doanh của Việt Á có chiều hướng đi xuống cả về doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, năm 2016, Việt Á ghi nhận 166,1 tỉ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh, với vốn chủ sở hữu cùng thời điểm đạt trên 200 tỉ đồng. Đến năm 2017, sau khi tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng thì doanh thu lại giảm xuống còn 116,2 tỉ đồng. Trong năm 2018 và 2019, doanh thu của Việt Á tiếp tục giảm xuống chỉ còn 68 và 63,4 tỉ đồng.

Doanh thu biến động mạnh khiến lợi nhuận ròng của công ty mẹ Việt Á trong giai đoạn 2016 – 2019 chỉ đạt từ vài chục triệu cho tới hơn trăm triệu đồng. Riêng năm 2018, công ty lỗ ròng 165 triệu đồng.

Kết quả kinh doanh của Việt Á tăng đột biến khi đến năm 2020, sau khi được Bộ Y tế cấp phép và cung ứng ra thị trường bộ xét nghiệm Covid-19, doanh thu công ty đã tăng vọt 6,4 lần, đạt 406,7 tỉ đồng. Tuy vậy, con số lợi nhuận ròng công ty mẹ Việt Á thu về được trong năm vừa qua chỉ là 1,4 tỉ đồng, tỷ lệ lợi nhuận ròng thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Tuy nhiên, theo chia sẻ mới nhất của lãnh đạo Công ty Việt Á, sau khi được Bộ Y tế cấp phép và cung ứng sản phẩm xét nghiệm Covid-19 ra thị trường từ tháng 4-2020, doanh thu công ty ghi nhận được trong giai đoạn này đã đạt gần 4.000 tỉ đồng.

Liên tiếp trúng các gói thầu lớn

Trước khi ghi nhận nguồn thu hàng ngàn tỉ đồng từ sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19, Việt Á đã ghi nhận nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm, thiết bị y tế cho các cơ sở y tế và bệnh viện lớn trên cả nước.

Theo giới thiệu của công ty này, Việt Á đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ, và là đối tác của Học viện Quân Y trong hơn chục năm qua. Đây cũng chính là đơn vị hợp tác cùng Việt Á để sản xuất thành công kit xét nghiệm Covid-19 “made in Vietnam” vào tháng 3-2020.

Từ năm 2016 đến nay, Việt Á đã trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai…

Ông Phạm Quốc Việt ngoài là Chủ tịch HĐQT của Việt Á còn sở hữu nhiều công ty khác. Ảnh minh họa: DNCC

Cụ thể, năm 2016-2017, công ty trúng gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho Bệnh viện Quân y 175. Đây cũng là thời điểm công ty tiến hành tăng vốn từ 200 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng.

Đến giai đoạn 2018-2019, công ty tiếp tục trúng gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm cho Bệnh viện Da liễu Trung ương. Cùng với đó là gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Việt Á là đơn vị trúng thầu gói cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm.

Ngoài ra, công ty này còn cho biết đang là đối tác của nhiều bệnh viện đa khoa các địa phương như Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định; Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ; Bệnh viện C Đà Nẵng…

Ngoài việc là chủ sở hữu Công ty Việt Á, ông Phan Quốc Việt còn là cổ đông sáng lập tại Công ty cổ phần Y tế Việt Á (Viet A Medical) thành lập năm 2013 với vốn 500 tỉ đồng. Trong đó, ông Việt sở hữu 67,5% vốn.

Dù có vốn điều lệ hàng trăm tỉ đồng, trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu của Viet A Medical (riêng công ty mẹ) chỉ dao động từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng, đỉnh điểm là năm 2019 với 2,4 tỉ đồng. Đi kèm với đó là khoản thua lỗ 5 năm liên tiếp với số lỗ lũy gần 13 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Việt còn đang nắm 51% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Kinh doanh Việt Á (vốn 200 tỉ đồng). Tuy vậy, trong những năm gần đây công ty này chưa phát sinh doanh thu.

Nhiều nghi vấn về chất lượng sản phẩm

Theo quảng cáo của Công ty Việt Á, đây là bộ kit chẩn đoán SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam, được Bộ Y tế cấp số đăng ký; Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE), cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS); Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm cho phép lưu hành toàn cầu.

Năng lực sản xuất của Công ty Việt Á khoảng 30.000 kit xét nghiệm/ngày. Bộ kit xét nghiệm này cho kết quả chính xác 100% sau 2 giờ và đáp ứng được các tiêu chí tương đương các bộ sinh phẩm do CDC Mỹ và WHO hướng dẫn.

Tuy nhiên, trong danh sách mang tên “SARS‐CoV‐2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận cho EUL”, đang nằm trên website chính thức của WHO cập nhật 10-12-2021, lại có tên bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Cụ thể, trong mục “Các ứng dụng đã được đánh giá và không đáp ứng được các bằng chứng, tài liệu cần thiết về độ an toàn, hiệu suất và/hoặc hệ thống quản lý chất lượng – xét nghiệm axit nucleic SARS-CoV-2”, có tên sản phẩm “LightPower iVASARS‐CoV‐2 1stRT‐rPCR Kit” của Công ty Công nghệ Việt Á, mang mã số EUL 0524‐210‐00.

“SARS‐CoV‐2 IVDs” là danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO dành cho các chẩn đoán In vitro SARS-CoV-2; trong khi EUL là quy trình lập danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO. EUL dựa trên rủi ro để đánh giá và liệt kê các vắc-xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán In vitro chưa được cấp phép với mục đích cuối cùng là xem xét khả năng tạm thời cung cấp các sản phẩm này cho những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

EUL sẽ như một tài liệu tham khảo, hỗ trợ các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên trong việc chấp nhận sử dụng và mua sắm các sản phẩm, dựa trên một bộ dữ liệu cần thiết về chất lượng, an toàn, hiệu quả và hiệu suất có sẵn.

Thêm vào đó nhiều câu hỏi cũng đặt ra về năng lực sản xuất, nhà xưởng và nguyên liệu đạt chuẩn để doanh nghiệp này sản xuất kít xét nghiệm cung ứng ra thị trường.

Tại cuộc họp báo do Bộ KH&CN tổ chức tháng 3-2020, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cho biết, năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Trên hộp Kít test Covid-19 thành phẩm được Công ty Việt Á sản xuất bán ra cho các CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước thể hiện “nguồn gốc” từ 2 địa chỉ tại TPHCM và Bình Dương.

Tuy nhiên sau khi Bộ Công an khởi tố, bắt giam, trụ sở chính tại TPHCM của Công ty Việt Á (372A/8 Hồ Văn Huê, Phường 9, Quận Phú Nhuận) thì chỉ có cái biển hiệu đặt nhờ, không có nhân viên.

Còn tại trụ sở ở Bình Dương (9/1A, Quốc lộ 1, khu phố Bình Đường 2, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), khi lực lượng công an khám xét thu giữ tài liệu liên quan khu sản xuất “dây chuyền tiêu chuẩn ISO…” chỉ là căn phòng rộng hơn 10m2 với vài tủ lạnh, tủ cấp đông, máy chiết tách cũ kỹ, vài chiếc hộp kính khung nhôm đặt trên mặt bàn đá nhân tạo.

Nhân viên kỹ thuật tại trụ sở này cho hay, mỗi ngày ở đây sản xuất được 30.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên trên thực tế nơi đây họ chỉ có nhiệm vụ phối trộn nguyên liệu lại để hoàn thiện bộ kit xét nghiệm Covid-19. Còn nguyên liệu sản xuất ở đâu, ra sao thì họ không được biết và chỉ có Tổng giám đốc là ông Phan Quốc Việt nắm khâu này. Từ những điều này đã dấy lên nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ của những bộ kit xét nghiệm dán nhãn Công ty Việt Á sản xuất.

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm (test) Covid-19 của các địa phương trên cả nước và việc sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do doanh nghiệp này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành.Đồng thời, để được giao quyền cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng không giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.Đến nay, bước đầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Phan Quốc Việt đã chi phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỉ đồng.

V.Dũng

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối