NGỌC HÙNG -
Khi mua một món hàng gia dụng, đặc biệt là hàng điện máy, điện tử, điều đầu tiên người tiêu dùng thường làm là đọc bảng giới thiệu tính năng, công dụng của sản phẩm đó trước khi quyết định mua. Song đối với những mặt hàng như rau quả, người mua thường nhận xét cảm quan, nhìn bằng mắt xem có tươi hay không tươi chứ khó biết được nguồn gốc sản phẩm.
Với những mặt hàng như rau quả, người mua thường nhận xét cảm quan, nhìn bằng mắt xem có tươi hay không tươi. Ảnh: Thành Hoa
Những hạn chế trong việc xác định nguồn gốc trong lĩnh vực thực phẩm đã được các nhà chuyên môn nhìn thấy từ lâu. Nhu cầu thực tế đòi hỏi một công cụ mà chỉ cần nhìn qua là biết sản phẩm nông sản ấy được sản xuất như thế nào. Do vậy, từ những năm 90 của thế kỷ 20, Liên đoàn Tiêu chuẩn sản xuất quốc tế (International Federation for Produce Standards – IFPS) đã đưa ra công cụ “Đánh giá qua cái nhìn” (Price Look Up – PLU).
Theo giải thích từ trang www.ifpsglobal.com của IFPS, công cụ đánh giá qua cái nhìn này cung cấp cho người tiêu dùng một bảng nhận diện sản phẩm, tựa như quy định bảng số xe ở Việt Nam. Nếu thấy biển số xe 49, người quan sát sẽ biết đó là chiếc xe được đăng ký ở Lâm Đồng, biển số 51, 53 là xe đăng ký ở TPHCM… Công cụ đánh giá này cần thiết đối với nhà sản xuất là nông dân, trang trại, doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin minh bạch tới người tiêu dùng. Đây cũng là một yếu tố gần như bắt buộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.
Lâu nay, nhiều người vào siêu thị mua trái cây chủ yếu nhìn bằng mắt, nên khả năng bị mua hớ rất cao. Tuy nhiên, nếu làm theo cách của IFPS, việc lựa chọn trái cây sẽ đơn giản hơn.
Theo quy định của IFPS, những trái cây trồng tự nhiên có mã số gồm bốn chữ số. Dãy số này được bắt đầu bằng con số 3 hoặc 4, từ 3000 đến 4999. Ví dụ, trái táo nhập từ Mỹ sẽ có dãy số 4567 ghi trên nhãn. Con số này nói cho người tiêu dùng biết sản phẩm này được trồng một cách tự nhiên, có phun thuốc bảo vệ thực vật.
Còn những sản phẩm hữu cơ được quy định với năm con số và bắt đầu bằng số 9. Theo đó, dãy số nhận diện các sản phẩm hữu cơ nằm trong khoảng 93000 đến 94999. Ví dụ, trái táo có ghi mã số là 93765 sẽ nói cho người tiêu dùng biết đây là sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tiến sĩ Trang Quang Sen, một người nghiên cứu về công nghệ sinh học ở Đức, cho biết nếu nhìn bên ngoài một sản phẩm biến đổi gen (GMO) và một sản phẩm bình thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được. Cách phân biệt duy nhất là đem vào phòng thí nghiệm để phân tích.
IFPS đã đơn giản việc này bằng cách quy định những sản phẩm GMO phải được nhận biết bằng một dãy số gồm năm chữ số, bắt đầu bằng số 8. Khi nhìn các sản phẩm có dãy số từ 83000 đến 84000, người tiêu dùng biết đó là sản phẩm GMO.
Chỉ có điều, với quy định nói trên, người tiêu dùng hiện nay chỉ có thể nhận biết để mua những sản phẩm trái cây nhập khẩu như chuối, lê, táo, nho… Còn đối với sản phẩm trong nước, người tiêu dùng vẫn phải dựa vào mắt thường.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đang tiến hành vận động để thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch mà ở đó, các nông dân, trang trại, doanh nghiệp khi tham gia vào phải minh bạch thông tin sản phẩm. Nhà sản xuất sẽ phải cho người tiêu dùng biết sản phẩm của mình có xuất xứ ở đâu, được sản xuất như thế nào, kể cả việc đóng gói và vận chuyển.
Hiệp hội này sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất một mã vạch dán lên sản phẩm. Người tiêu dùng nếu muốn kiểm tra chỉ cần lấy điện thoại thông minh có cài chương trình QR Code reader quét qua mã vạch đó là có thể biết nguồn gốc, xuất xứ cũng như quy trình đóng gói sản phẩm.