NGUYỄN ĐƯỚC -
Vào thập niên 1980, Quảng Ngãi quê tôi có đoàn nghệ thuật cải lương Tiếng ca Sông Trà vang danh khắp các tỉnh miền Trung do “bà bầu” Kim Thoa quản lý với dàn diễn viên trẻ đẹp như Vương Chí Tâm, Thùy Trang, Minh Cường... và danh hài Vũ Bão với điệu kèn saxaphone làm say đắm lòng người.
Cứ vài ba tháng gánh hát Sông Trà về sân bãi phường Nguyễn Nghiêm biểu diễn một lần và thường kéo dài bốn năm suất diễn mỗi đêm cho khán giả “ghiền” cải lương quê nhà được xem. Sân bãi phường Nguyễn Nghiêm hồi đó chỉ là một bãi cỏ xanh rờn, ước đẫm sương đêm mỗi khi màn đêm buông xuống, khán giả đến xem cải lương thường mang theo đòn ghế nhựa hoặc lót dép, giấy báo để ngồi xem (sau này sân bãi phường Nguyễn Nghiêm xây ghế bằng đá để khán giả ngồi xem cải lương đàng hoàng hơn) nhưng sân bãi lúc nào cũng đông nghẹt khán giả mỗi lần gánh hát Sông Trà về quê biểu diễn.
Thường thì tôi đi xem cải lương “chui” nhiều hơn là mua vé, cứ việc ra sân bãi thấy cô bác, anh chị nào đi xem cải lương một mình tôi vội vàng chạy tới xin “đi kèm”.
Tôi không thể nào quên được hình ảnh bà lão mù, đã ngoài 80 tuổi ở xóm nghèo quê tôi thời đó, bà rất ghiền cải lương và thuộc làu nhiều vở tuồng cổ cải lương nổi tiếng đã đi vào lòng biết bao thế hệ khán giả như Chuyện tình Lan và Điệp, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài, Đời Cô Lựu… Mỗi lần gánh hát Sông Trà về sân bãi phường Nguyễn Nghiêm biểu diễn ngày thường cũng như trong ngày tết là hầu như không đễm diễn nào bà vắng mặt. Cứ tầm 5 giờ chiều là bà mò mẫn, chống gậy ra sân bãi phường Nguyễn Nghiêm bán bánh da lợn, đến giờ sân khấu mở màn là bà chống gậy, mò mẫn lên phía trước sân khấu để ngồi nghe cải lương. Đến trích đoạn thật nhiều bi thảm, từ đôi mắt mù lòa của bà hai hàng nước mắt chảy dài, nhiều khán giả quay sang nhìn bà rồi tự nhiên mủi lòng cũng thút thít khóc theo bà lão…
Gánh hát cải lương quê nhà biểu diễn vài suất diễn sau đó ra đi biểu diễn khắp các tỉnh miền Trung, nhường sân bãi lại cho các đoàn cải lương các tỉnh, thành khác về biểu diễn. Hồi đó nhiều đoàn cải lương của tỉnh Bình Định hay những đoàn cải lương từ trong Sài Gòn ra tận quê tôi biểu diễn như đoàn cải lương Hương Mùa Thu, đoàn cải lương Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3 và hầu như đêm nào khán giả cũng kéo đến sân bãi xem cải lương đông nghịt.
Một vài năm sau đó, gánh hát Sông Trà hoạt động cầm chừng rồi giải tán, sân bãi phường Nguyễn Nghiêm vắng lặng, đìu hiu. Có điều lạ là cứ vào mỗi buổi chiều tà người ta vẫn thường trông thấy một bà cụ nghèo khổ, mù lòa, mò mẫn chống gậy ra ngồi trước sân bãi phường Nguyễn Nghiêm để bán bánh da lợn mưu sinh, sau đó bà vào ngồi trên ghế đá trước sân bãi cất lên câu vọng cổ khàn đục Chuyện tình Lan và Điệp rồi hai hàng nước mắt chảy lăn dài trên má. Có lẽ bà lão nghèo khổ bị mù lòa đang nhớ nhung và tiếc nuối sân khấu tuồng cổ cải lương cũng như gánh hát Sông Trà một thời của quê hương mình? Có lẽ cải lương đã trở thành máu thịt và là niềm đam mê bất tận của bà lão mù lòa, nghèo khổ miền quê.
Gánh hát Sông Trà và bộ môn nghệ thuật cải lương một thời nổi tiếng ở quê tôi giờ chỉ còn trong dĩ vãng nhưng kỷ niệm một thời “trốn nhà” đi xem cải lương thì tôi không thể nào quên được. Có dịp, tôi vẫn thường kể lại cho con cháu mình nghe chuyện ngày xưa quê mình có gánh cải lương Sông Trà nổi tiếng, chuyện tôi “ghiền” cải lương như thế nào và hình ảnh bà lão mù lòa, nghèo khổ trong xóm mình mê cải lương.