THÁI HÀ -
Cho đến gần đây, thực khách đến nhà hàng chẳng mấy hỏi nhiều về con tôm hay con cá họ ăn đến từ đâu, có nghĩa là các nhà hàng và người cung cấp hải sản cũng không cảm thấy họ cần phải cung cấp thông tin.
Nhưng bây giờ, nhu cầu được biết nguồn gốc hải sản đó ngày càng lớn vì tình trạng ô nhiễm, những sự cố tràn hóa chất ra biển xảy ra khắp nơi.
Red’s Best phát triển một phần mềm nhằm theo dõi nguồn cá thu gom từ các ngư dân dọc bờ biển bang New England.
“Nhiều người nghĩ rằng số liệu thống kê là thứ không gợi cảm gì hết, nên còn ít người kết hợp nó với việc đánh bắt”, Jared Auerbach, chủ công ty phân phối hải sản Red’s Best ở thành phố Boston (Mỹ), nói. Auerbach và một vài người đang làm trong ngành này sử dụng công nghệ để nâng bức màn bao phủ những chi tiết mơ hồ vây quanh việc đánh bắt hải sản ở đâu và như thế nào đối với thực khách.
“Phần lớn hải sản được đóng gói, rất khó phân loại fillet của cá nào. Hải sản đang thiếu truy xuất nguồn gốc và thiếu sự minh bạch cần thiết”, Beth Lowell, chuyên gia từ công ty tư vấn về chế biến thủy sản Oceana nhận xét.
Một cuộc điều tra được Oceana thực hiện gần đây cho thấy nhiều người không biết mình đang ăn gì. Oceana mua cá bán ở nhà hàng, chợ hải sản, cửa hàng sushi, siêu thị tiện lợi và tiến hành các cuộc thử ADN. Kết quả là 33% loại cá bị đánh sai nhãn mác, chủng loại.
Cách đây vài năm, Red’s Best phát triển một phần mềm nhằm theo dõi nguồn cá thu gom từ các ngư dân dọc bờ biển bang New England. Các công ty cung cấp hải sản khác, Sea To Table và Wood’s Fisheries, cũng phát triển phần mềm để khách hàng truy xuất nguồn gốc hải sản họ mua. Từ mùa thu này, Oceana kết hợp với Google và Sky Truth, một tổ chức phi lợi nhuận, sử dụng hình ảnh vệ tinh để nghiên cứu sự biến đổi của địa hình. Sáng kiến có tên Global Fishing Watch sử dụng các dữ liệu vệ tinh để phân tích các hoạt động đánh bắt, bao gồm luồng cá, thông tin về các tàu cá.
Từ nhỏ, Jared Auerbach, chủ Công ty Red’s Best, đã muốn làm nghề đánh bắt hải sản, vì “vừa được gần gũi với thiên nhiên, vừa kiếm sống được từ đó”. Ông tham gia nghề này ngay khi rời trường học, nhận một công việc trên chiếc tàu chuyên đánh cá hồi ở Alaska, sau đó chuyển đến New England làm cho các tàu đánh bắt tôm và học nhiều về ngành công nghiệp đánh bắt ở đây.
Khi lập Red’s Best năm 2008, Auerbach nhận thấy sự kết hợp giữa các quy định của chính phủ với công nghệ đánh bắt thương mại đe dọa đến sự tồn tại của các tàu cá nhỏ. Vì vậy, những tàu cá nhỏ đánh bắt gần bờ và ít cá hơn không còn cách nào khác là phải cải thiện giá trị sản phẩm để tồn tại. “Chúng tôi thuyết phục mọi người ăn cá do địa phương đánh bắt, và các sản phẩm của chúng tôi đều có nguồn gốc rõ ràng”, Auerbach nói.
Khi trước, Red’s Best dùng hóa đơn bốn liên để xử lý việc thu mua. Nay họ dùng máy tính bảng và máy in cầm tay để làm việc đó. “Ngay sau khi thu mua, dữ liệu được đưa lên Internet, tất cả các nhân viên của chúng tôi ở khắp cả nước đều có thể nhìn thấy dữ liệu trên thời gian thực”, Auerbach cho biết. Công ty gắn nhãn truy xuất nguồn gốc lên mỗi hộp hải sản, chỉ cần dùng điện thoại thông minh (smartphone) là truy xuất được ai đánh bắt, ở đâu và bằng cách nào.
Red’s Best có 100 nhân viên, dự tính sẽ bán 9.000 tấn hải sản trong năm nay. Hải sản được đánh bắt chủ yếu từ hơn 1.000 tàu nhỏ. Họ hy vọng bán lẻ thẳng đến từng khách hàng, theo từng ký, qua các kênh FedEx và Amazon Fresh, chứ không phải chỉ qua các cửa hàng. “Tôi có cá, tôi có dữ liệu, tôi biết mọi người đều muốn cá có dữ liệu như vậy”, Auerbach nói.
Công ty Sea to Table cũng hy vọng làm điều tương tự vào cuối năm nay. “Người tiêu dùng hiện vẫn có thói quen mua hải sản rẻ, vì đó là loại được đánh bắt không đúng quy định, không có báo cáo, bất hợp pháp, thị trường tràn ngập những loại này. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó, truy xuất nguồn gốc là điểm tựa để thực hiện sự thay đổi”, Michael Dimin, ông chủ của Sea to Table, nói.
Jared Auerbach của Red’s Best thừa nhận hải sản địa phương đắt hơn, nhưng ông cho rằng còn rất nhiều loại hải sản rẻ mà sạch khác cho người tiêu dùng. Ông nói: “Có thể cá bơn hay sò điệp dành cho những người khá giả. Nhưng cá nhám, cá đuối, cá mùi, cá thu… đều không đắt và ăn cũng rất ngon”.