Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Nhớ những con đường Sài Gòn

Nguyễn Thị Hậu -     

Những người bạn ở xa, thỉnh thoảng gặp nhau trên Facebook vẫn hay hỏi tôi: Sài Gòn bây giờ thế nào? Dạ, Sài Gòn vẫn vậy… Tôi trả lời vì biết câu hỏi không về đời sống xã hội, bởi vì tin tức thì mọi người vẫn xem hàng ngày trên vô số tờ báo mạng.

6__duongsaigonMàu xanh từ những con đường với hai hàng cây cao rợp mát tạo thành một phần cảnh quan của đô thị Sài Gòn.  Ảnh: Thành Hoa

Người xa Sài Gòn luôn muốn biết Sài Gòn đang thay đổi thế nào, sự thay đổi của cảnh quan, từ một góc phố, quán xá thân quen đến những địa điểm công cộng khách xa người gần đều biết. Cho nên, gần đây khi tôi lại nhận được câu hỏi đó nhưng có phần “giận dỗi”: Sài Gòn của H. thế nào rồi? Tôi chợt hiểu, hỏi về sự thay đổi của Sài Gòn trong tâm trạng một người mang hoài niệm – Sài Gòn không còn là của những ký ức!

Ký ức nhiều thế hệ “người Sài Gòn” đã lưu giữ về Sài Gòn gồm có những gì? Đó là cảnh quan vốn có của vùng đất này như những con sông, dòng kinh với cảnh trên bến dưới thuyền; là những con đường lâu đời cây xanh bóng mát tạo thành ô bàn cờ ở quận trung tâm thành phố; là những sinh hoạt văn hóa đa dạng trong kiến trúc, cảnh quan, nhà cửa, lối sống, ẩm thực... mà ai đi xa cũng một lần tự hỏi “còn nhớ hay đã quên?”.

Trong nhiều sự đổi thay của Sài Gòn, tôi muốn nói về những con đường, bởi lối sống của người Sài Gòn mang tính hướng ngoại nên mỗi ngày thời gian có mặt trên đường, bên đường khá nhiều: cà phê quán xá hay trên vỉa hè, chạy công chuyện giữa trưa nắng hay trong cơn mưa bất chợt... Sài Gòn hồi cuối thế kỷ 19 đã là “một thành phố nhiệt đới xinh đẹp, thành phố duyên dáng nhất vùng Viễn Đông. Một số công trình nghệ thuật ở Sài Gòn rất đẹp, tất cả đều có kích thước lớn, nhà cửa nói chung khá xinh xắn, đường phố rợp bóng cây xanh, tất cả như bị ngập trong một đại dương xanh. Nhìn từ trên cao xuống, từ chòi quan sát trên nóc một con tàu hoặc từ các tháp của nhà thờ, Sài Gòn hiện ra như một công viên rộng lớn…”. Màu xanh từ những con đường với hai hàng cây cao rợp mát, hai bên ẩn hiện những ngôi nhà, biệt thự, công sở, quán xá, tất cả tạo thành cảnh quan của đô thị Sài Gòn, với thời gian đã lưu lại thành ký ức – một hình thức của di sản văn hóa.

6__duongsaigon2

Những tuyến đường “di sản” thường có niên đại lâu đời, ở đó có những công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử nghệ thuật, có không gian xanh mang dấu ấn của đô thị Sài Gòn, ngoài chức năng lưu thông còn là không gian công cộng quen thuộc của cư dân: sinh hoạt kinh tế và văn hóa như mua bán, dạo chơi, ngắm cảnh, tổ chức lễ hội… Các tuyến đường khu trung tâm như Tôn Đức Thắng/ bến Bạch Đằng-Hàm Nghi-Lê Duẩn-Đồng Khởi-cùng hai trục chính là Lê Lợi và Nguyễn Huệ hội đủ các yếu tố tạo nên đô thành Sài Gòn: sông nước, cây xanh, đường lớn, kiến trúc tiêu biểu, là khu vực lâu đời phát triển liên tục từ thời Nguyễn (Thành Gia định 1790) và thời Pháp (giữa thế kỷ 19) đến nay.

Đường Tôn Đức Thắng/bến Bạch Đằng là con đường chính với ven sông, điểm bắt đầu của các con đường lớn từ bờ sông đến khu trung tâm (Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi). Trên con đường này có di tích Cột cờ Thủ Ngữ, có bến đò/phà Thủ Thiêm nổi tiếng một thời, có tòa nhà trụ sở Hải Quan, khách sạn Majestic, khách sạn Riverside, công trường Mê Linh và tượng danh tướng Trần Hưng Đạo, doanh trại Hải quân, công xưởng Ba Son, hệ thống các công trình tôn giáo như Đại chủng viện Thánh Jyse, Dòng kín Cát Minh, tu viện Thánh Phaolo… Đặc biệt, những hàng cây xanh hơn trăm năm trên đoạn đường này cũng như ở các con đường nhỏ gần đấy như Nguyễn Du, Nguyễn Trung Ngạn, Đồn Đất… làm nên một khoảng xanh rất đặc trưng “Sài Gòn”. Nó hòa hợp tuyệt vời với những công trình tôn giáo còn khá nguyên vẹn ở đây, tạo nên không khí trầm mặc, bình yên, cổ kính giữa một đô thị sôi động đêm ngày.

Hiện nay, tại khu vực Ba Son đang hiện lên những tòa nhà cao vút đồ sộ như bức tường thành chắn giữa sông Sài Gòn và phần còn lại của khu vực Thị Nghè, Tân Cảng. Liệu vài năm nữa thôi còn ai nhận ra con đường này khi cầu Thủ Thiêm 2 được xây dựng nơi đây?

Đường Nguyễn Huệ độc đáo hình thành từ kinh Chợ Vải (1859, người Pháp gọi là kinh Lớn – grand canal) thành đại lộ (1887, dân gọi là đường Kinh Lấp) và nay là phố đi bộ (2015) mang dáng dấp của một quảng trường.

Đầu con đường này là tòa nhà UBND TPHCM, phía trước là khu quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng lại vào năm 2014, hai bên có khu Eden (đã bị phá xây mới mang tên Vincom B) và khách sạn Rex (cũng đã trùng tu và mở rộng). Hướng xuống bờ sông hai bên có những cụm nhà phố Sài Gòn xưa trên các con đường Nguyễn Huệ-Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế kéo dài đến những ô phố đối diện chợ Bến Thành, bên kia là những khách sạn trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi cùng các tuyến phố nhỏ cắt ngang qua đến Hai Bà Trưng, Thi Sách, Đồn Đất...

Ngã tư giữa giao lộ đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi từ thời Pháp có một cái bùng binh (vòng xoay giao thông) xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn. Ban đầu, nó là một cái bệ cao hình bát giác, chiều cuối tuần tại đây có mấy chú lính chơi nhạc Tây cho người dân thưởng thức, nên còn gọi tên là bùng binh Bồn Kèn. Sau đó, bùng binh được sửa chữa thành một vòng xoay giao thông, có đài phun nước ở giữa, xung quanh trồng những cây liễu nhẹ nhàng, thướt tha, đẹp và rất thanh thoát, nên còn gọi là bùng binh cây liễu. Bùng binh cây liễu và thương xá TAX là điểm nhấn độc đáo của đường Nguyễn Huệ.

Dẫu biết những biến đổi trong cuộc sống theo bước đi thời gian vốn là lẽ thường nhưng với thế hệ “người Sài Gòn” xưa không khỏi chút gì nhung nhớ. Với họ, có những thay đổi đã làm cho Sài Gòn mất dần ký ức. Trong ký ức đó, khu vực trung tâm là tiêu biểu và đặc trưng cho di sản văn hóa đô thị, những con đường, tòa nhà, sinh hoạt cộng đồng… tạo nên “không gian cộng cảm” giữa con người với con người, giữa cộng đồng và cảnh quan, giữa quá khứ và hiện tại...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối