Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Nhộn nhịp thị trường du khách Hồi giáo

Minh Duy -

Ghi nhận thực tế cho thấy thị trường khách du lịch Hồi giáo từ các nước như Indonesia, Malaysia đến TPHCM đang rất sôi động. Chỉ có điều, nhóm khách này cần một số dịch vụ đặc biệt so với các thị trường khác, và trên thực tế sự đầu tư cho những dịch vụ này chưa đáp ứng nhu cầu của khách.

Cạnh tranh gay gắt

dukhachhoigiao2Du khách Hồi giáo trên đường phố TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Khoảng 7-8 năm trước, tại TPHCM chỉ có vài công ty du lịch đón khách Hồi giáo từ các nước như Indonesia hay Malaysia. Nhưng nay đã khác, khá nhiều công ty chuyển qua làm dịch vụ này. Thậm chí, có nhiều người, trong đó có nhiều người Chăm có thể giao tiếp với người Malaysia, đã tự làm dịch vụ cho khách mà không cần mở công ty du lịch quốc tế. Lượng khách đến đông hơn trước, thị trường nhộn nhịp hơn và cạnh tranh cũng gay gắt hơn.

Ông Ngô Dương Siêu, Phó giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hoa Khang, chuyên về thị trường Malaysia, cho biết năm năm trước công ty có lượng khách lớn là những người đến du lịch kết hợp mua sắm, nhưng nay số khách này bị san sẻ bởi những người làm dịch vụ tự do.

Ông cho biết có những nơi làm tour như kiểu đưa người đi chợ, tức là đón khách từ các chuyến bay giá rẻ tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất rồi dẫn đến bến xe buýt, mua vé 7.000 đồng/người để đưa khách ra trung tâm TPHCM nghỉ ngơi và mua sắm. Thậm chí, mỗi ngày, những người này còn tổ chức các chuyến xe buýt đưa du khách đi tour tham quan thành phố (city tour) hoặc tour đến Củ Chi với giá chỉ 200.000 đồng.

“Hai năm gần đây, chúng tôi mất khoảng 75% lượng khách của thị trường này do kiểu kinh doanh không lành mạnh. Nhiều nơi trốn thuế nên có giá tour quá rẻ làm chúng tôi không thể cạnh tranh lại và phải chuyển sang thị trường khác”, ông Siêu nói.

Công ty Hoa Khang đang phát triển mảng du lịch kết hợp tham gia sự kiện (MICE) và đã nhận được những kết quả khả quan. Ông Siêu cho rằng nhu cầu đi du lịch của khách còn rất lớn.

Nhiều doanh nhân khác cũng có nhận xét lạc quan về thị trường này. Chẳng hạn, với thị trường Indonesia, một số doanh nghiệp ghi nhận không chỉ có lượng khách mới đến lần đầu tăng mà tỷ lệ khách quay lại lần hai cũng tăng dần theo năm. Những năm trước, du khách thường chọn các điểm đến vịnh Hạ Long, TPHCM kết hợp đồng bằng sông Cửu Long thì nay đã mở rộng điểm tham quan ra một số điểm đến khác như Ninh Bình ở phía Bắc hay Vũng Tàu ở phía Nam.

“Tỷ lệ khách quay lại lần hai ở công ty chúng tôi vào khoảng 10%. Hiện tại, tuy phải cạnh tranh với một số điểm đến lân cận khác như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc nhưng TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn là một điểm du lịch hấp dẫn với những khách này”, ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking cho biết.

Theo ông Hùng, nhu cầu du lịch của du khách Hồi giáo rất cao. Hiện nay, các chuyến bay từ Indonesia đến Hà Nội và TPHCM thường kín khách. Đặc biệt, vào tháng tới - tháng chay Ramadan 2017 – thì không thể tìm được vé máy bay cho khách đến TPHCM.

Báo cáo mới nhất của Mastercard-CrescentRating (GMTI) về Chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu cho thấy quy mô của thị trường rất lớn. Vào năm ngoái, du khách Hồi giáo thực hiện 121 triệu chuyến du lịch quốc tế, tăng 4 triệu chuyến so với năm trước đó. Dự kiến, đến năm 2020, con số này sẽ tăng đến 156 triệu chuyến, chiếm 10% số lượng du lịch toàn cầu, đạt doanh thu khoảng 220.000 tỉ đô la Mỹ so với 155.000 tỉ vào năm ngoái.

Cần thêm dịch vụ, quảng bá

Nếu như trước đây, các công ty lữ hành thường than phiền TPHCM thiếu nhiều dịch vụ cho khách du lịch Hồi giáo, đặc biệt là dịch vụ ẩm thực Halal, thì nay nhiều doanh nghiệp cho rằng đã có sự cải thiện đáng kể.

Số lượng nhà hàng đã nhiều hơn, nhiều chủ khách sạn, đặc biệt là các chủ khách sạn ở khu vực chợ Bến Thành, nơi có nhiều du khách từ thị trường này lui tới, đã chăm chút đến dịch vụ nhiều hơn. Thậm chí, có những khách sạn không chỉ phục vụ món ăn Halal mà trong phòng ngủ còn có vạch sẵn vị trí để du khách tiện xác định hướng để cầu nguyện hàng ngày. Những tiểu thương ở chợ, đặc biệt là chợ Bến Thành, cũng sẵn sàng gửi đồ về nước cho những khách hàng mua sắm tại cửa hàng.

Tuy nhiên, những dịch vụ trên chưa đủ để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đặc biệt là những du khách trẻ, muốn có nhiều trải nghiệm, tìm hiểu sự phát triển và khác biệt của văn hóa Hồi giáo ở các nước khác, thưởng thức ẩm thực Halal, mua hàng thời trang có mức giá vừa phải.

“Còn nhiều dịch vụ cần phải phát triển. Chẳng hạn, những nhà hàng trên các tuyến du lịch nên có thêm phòng cầu nguyện để cho khách đi tour có thể dễ dàng dừng chân thực hiện nghi lễ”, ông Siêu của Hoa Khang nói.

Ông Hùng của Viking cũng có nhận định tương tự, cho rằng ẩm thực và mua sắm, đặc biệt là mua sắm hàng thời trang có giá vừa phải là nhu cầu rất lớn của du khách. Vì thế, TPHCM nên giới thiệu các nhà hàng ngon, các lễ hội ẩm thực đến với du khách cũng như nên mở thêm các Factory outlets (các cửa hàng bán hàng tồn, hàng lỗi của những hãng thời trang nổi tiếng với giá rẻ). “Có rất nhiều sự kiện như lễ hội trái cây Nam bộ hay các tháng khuyến mãi rất phù hợp với lượng khách này, cần được quảng bá rộng rãi để khách biết mà đến”, ông nói.

Doanh nhân này cũng cho rằng, ngoài việc gia tăng dịch vụ, điều mà doanh nghiệp cần nhất để phát triển thị trường là quảng bá và chăm sóc khách hàng. “Cơ quan xúc tiến du lịch cần tổ chức nhiều chương trình quảng bá điểm đến với du khách Hồi giáo vì hiện có rất ít chương trình. Với những đoàn MICE đặc biệt, khách rất thích được các quan chức du lịch chào đón. Chúng tôi cần hỗ trợ những việc này để phát triển thị trường. Thị trường rất tiềm năng, chúng ta cần nhanh để nắm bắt”, ông Hùng nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối