Thứ hai, Tháng tư 21, 2025

Nhức đầu vì lấy hình trên mạng

Minh Duy -

Thói quen phổ biến của nhiều doanh nghiệp du lịch là lên mạng “kiếm đại” vài tấm ảnh đẹp nào đó để quảng cáo cho tour mới. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền lại một lần nữa được đặt ra, nhất là sau khi có tác giả phản ứng trước tình trạng xài ảnh “chùa” hiện nay.

Thấy đẹp là lấy!

p1060063Tự chụp hình trong mỗi chuyến đi cũng là cách xây dựng kho hình ảnh của doanh nghiệp.  Ảnh: Đào Loan

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp cho rằng, tình trạng doanh nghiệp du lịch sử dụng hình ảnh, video không nguồn gốc hoặc tự lấy ảnh của cá nhân, của công ty khác để gắn vào các chương trình quảng cáo, các ấn phẩm giới thiệu sản phẩm của công ty mình vẫn xảy ra hàng ngày mà chưa có cách nào để xử lý. Thậm chí, có công ty còn lấy cả chương trình tour, bao gồm hình ảnh của nơi khác cho các ấn phẩm của doanh nghiệp mình cho tiện vì thấy chương trình cũng tương tự.

Cách đây vài năm, Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ tại TPHCM đã buộc một doanh nghiệp ở Hà Nội phải xin lỗi công khai trước Hiệp hội du lịch TPHCM và gỡ bỏ toàn bộ hình ảnh, chương trình tour của Thế Hệ Trẻ bị công ty này sử dụng trái phép. Mới đây, Thế Hệ Trẻ lại phát hiện hình ảnh của công ty bị một doanh nghiệp khác tại TPHCM sử dụng tùy tiện.

“Đi đâu tôi cũng mang máy ảnh, máy quay phim để chụp ảnh, làm phim nên có khá nhiều hình ảnh đặc biệt. Chúng tôi cũng có bộ phận chuyên lo ảnh, phim du lịch để quảng cáo cho sản phẩm của công ty nhưng nhiều nơi lại không  muốn đầu tư, cứ thấy ảnh đẹp là lấy xuống dùng. Tôi rất bức xúc nhưng chẳng lẽ phải lấy bớt thời gian làm ăn để đi kiện bản quyền”, ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Thế Hệ Trẻ nói.

Doanh nhân này cho biết, để hạn chế tình trạng này, công ty chèn thêm tên của công ty vào các tấm ảnh nhưng một số nơi còn gỡ chữ ra để dùng. Doanh nghiệp cũng khó kiện chứng minh nguồn gốc của ảnh.

Các công ty du lịch có nhu cầu sử dụng hình ảnh rất lớn cho các ấn phẩm quảng cáo công ty, sản phẩm, đưa lên trang web... Tuy nhiên, nhiều công ty chưa xây dựng kho ảnh hoặc chưa chấp nhận bỏ tiền để mua bản quyền của tất cả những bức ảnh được sử dụng. Ngoài lý do về kinh phí, ý thức của nhân viên và bản thân doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào các vi phạm.

Qua trao đổi, một số nhân viên bán hàng cho rằng, do chương trình tour chỉ phát trong một phạm vi nhỏ, chỉ ở nhóm khách hàng nào đó, phạm vi lan tỏa của ảnh không lớn nên “dùng tạm” ảnh tìm được trên mạng. Ý thức về chuyện bản quyền ở một số nhân viên truyền thông hay làm web cũng chưa tốt. Nhiều người thường tìm hình trên mạng để dùng cho nhanh, cho tiện thay vì tìm trong kho tư liệu hình ảnh vốn thường thiếu của công ty.

“Tôi vừa buộc bộ phận bán hàng thay mấy tấm ảnh không có bản quyền trong chương trình tour mới. Cứ thấy ảnh quá đẹp là tôi hỏi ngay và thường phát hiện sai sót do nhân viên thấy hình trên mạng đẹp quá nên tải về dùng”, giám đốc một công ty không muốn nêu tên cho biết. Mặc dù đã nói rất rõ với nhân viên về chuyện bản quyền, nhưng doanh nhân này cũng không dám đảm bảo tất cả hình ảnh dùng trong ấn phẩm quảng cáo, trên web, trong các chương trình tour của công ty đều có bản quyền đàng hoàng.

Không thể “xài chùa” mãi

Một số doanh nhân cho rằng đã đến lúc phải thay đổi, chấp hành nghiêm túc những quy định về sở hữu trí tuệ để tránh các vụ kiện tụng phức tạp, tốn thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Điều này không chỉ giúp công ty giữ vững uy tín mà còn bảo đảm các mối làm ăn lâu dài với khách hàng, đặc biệt là với đối tác nước ngoài.

“Đối tác nước ngoài rất kỹ về chuyện bản quyền. Khi xin hình ảnh, video clip để bán hàng họ thường hỏi kỹ là có bản quyền hay không và từ chối dùng những hình ảnh không đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Vì thế, chúng tôi phải luôn chuẩn bị sẵn kho ảnh để dùng”, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Asian Trails cho biết.

Một số người trong ngành cho rằng có nhiều cách để chuẩn bị kho ảnh. Doanh nghiệp có thể mua trực tiếp từ người chụp ảnh, mua qua mạng, tự chuẩn bị bộ phận hình ảnh hoặc tài trợ chuyến đi cho những người chụp ảnh chuyên nghiệp.

Trong đó, việc mua ảnh trực tiếp từ các nhiếp ảnh gia thường khá tốn kém bởi nhu cầu sử dụng hình ảnh của doanh nghiệp rất nhiều trong khi giá bán mỗi tấm ảnh không rẻ. Giá một bức ảnh dao động từ 500.000 đồng đến hai triệu đồng. Vì thế, một số công ty chọn cách rẻ hơn là trả tiền cho một số trang web bán ảnh để được phép tải về một số lượng ảnh cụ thể trong một khoảng thời gian cố định.

Những công ty lớn lại thì chấp nhận đầu tư bài bản hơn, với đội ngũ nhân viên chụp ảnh riêng hoặc bộ phận thiết kế sản phẩm sẽ chịu trách nhiệm chụp ảnh khi đi khảo sát, thiết kế tour. Một vài công ty lại áp dụng cách tài trợ các chuyến đi cho nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh chuyên nghiệp của nước ngoài để đổi lại những hình ảnh đẹp.

Cách đây vài ngày, phòng tiếp thị và truyền thông cùng một số bộ phận liên quan của một công ty du lịch lớn tại TPHCM đang phải đau đầu tìm cách thuyết phục để một nhiếp ảnh gia khá tên tuổi bỏ quyết định kiện công ty ra tòa vì đã tự tiện lấy ảnh của ông để quảng cáo tour.

Một nhân viên phòng truyền thông, người gây ra rắc rối trên, giải thích rằng dù kho ảnh của công ty có ảnh chụp thắng cảnh giới thiệu trong chương trình tour mới, nhưng anh đã tiện tay tải ảnh của nhiếp ảnh gia này về gắn vào brochure quảng cáo vì thấy ảnh quá đẹp. Anh không thể lường trước được rằng, chỉ vì một chút tiện lợi cho mình mà có thể hình ảnh công ty sẽ xấu đi vì dính vào một vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“Chúng tôi đang cố gắng giải thích để nhiếp ảnh gia này thông cảm và rút quyết định kiện ra tòa. Chúng tôi có ý thức về vấn đề bản quyền hình ảnh nhưng không ngờ chỉ vì sơ suất của một nhân viên lại gây nên việc đau đầu này”, giám đốc bộ phận tiếp thị và truyền thông của công ty nói.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối