Chụp hình cưới ở Trung Quốc có thể rất đắt đỏ, lên tới hàng tỉ đồng một bộ ảnh, biến dịch vụ ảnh cưới trở thành ngành hái ra tiền.
Nhiếp ảnh gia và ê kíp ngồi bên ngoài bể nước, vừa cười thoải mái vừa hỏi một cách khích lệ: “Cô dâu xinh đẹp ơi, cô nín thở dưới nước được bao lâu?”. Nói với cô dâu đang lóp ngóp ướt sũng trong bộ váy cưới xong, họ quay sang chú rể: “Này anh chàng đẹp trai, khi lặn xuống, anh hóp bụng vào chút nhé”.
Quá trình chụp hình chẳng lãng mạn tí nào nhưng kết quả sau khi được chỉnh sửa bằng Photoshop – rất... gây choáng! Cô dâu ngày hôm ấy, cô Jenny Cheng, nhân viên quản lý sự kiện, không hề biết bơi. Cô cực kỳ căng thẳng khi tập nắm tay dưới nước trong bể bơi với chồng, anh David Shaw, một người Úc làm trong ngành ngân hàng.
Shaw biết các cảnh này đều là “giả” nhưng anh vẫn răm rắp làm theo hướng dẫn. Chụp hình cưới ở Trung Quốc bây giờ có thể rất đắt đỏ, lên tới 180.000 đô la Mỹ nếu cô dâu, chú rể chịu chơi sang tận Paris (Pháp), Sydney (Úc)... để ghi lại dấu ấn tình yêu.
Không chỉ là một bộ ảnh
Sau khi sống tại Thượng Hải bốn năm, nữ nhiếp ảnh gia người Úc Olivia Martin-McGuire thấy hứng thú về ngành công nghiệp chụp hình cưới hái ra tiền ở Trung Quốc tới nỗi cô đưa đề tài này vào bộ phim đầu tay “China Love” (tạm dịch: Tình yêu Trung Quốc) của mình. Theo cô Martin-McGuire, câu chuyện chụp ảnh cưới ở Trung Quốc là một câu chuyện đầy cuốn hút, khi người dân nước này ngày càng giàu và chưa có cơ hội chụp một bộ hình cưới ấn tượng.
Bộ phim của cô Martin-McGuire ghi lại lời kể về những cặp đôi đến với nhau bằng hôn nhân sắp đặt thời Cách mạng văn hóa (1966-1976). Hình cưới của họ trắng đen, trong giống thẻ căn cước và hai nhân vật chính vẫn mặc đồng phục. “Thế hệ sau họ lại khác hẳn bởi lúc này Trung Quốc đã phát triển kinh tế nhanh chóng. Do đó, giữa hai thế hệ có một sự căng thẳng không nhỏ do cách biệt về lối sống. Ở những quốc gia khác, bạn có cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Còn tại Trung Quốc, tương lai và quá khứ luôn nghịch với nhau” – cô Martin-McGuire nhận xét.
Ra nước ngoài chụp hình cưới không còn xa vời với nhiều người dân Trung Quốc nữa. Bà Tracey Lin, người sáng lập công ty TL Wedding ở Sydney (Úc), cho hay trong số khách hàng của bà có phân nửa là người Úc gốc Hoa và phân nửa – khoảng 200 cặp – bay từ đại lục tới đất nước xa xôi ở Nam bán cầu để chụp hình với hậu cảnh là nhà hát con sò Opera House hoặc nhà thờ St Mary’s nổi tiếng. Đa số đặt lịch chụp thông qua đại lý vì ở Trung Quốc hạn chế truy cập vào Google và Facebook.
Đằng sau hào nhoáng là gánh nặng đời thường
Cũng theo bà Lin, chụp hình cưới bắt đầu từ khoảng 50 năm trước và bùng nổ trong 10 năm trở lại đây. Bà nói cạnh tranh bây giờ rất khốc liệt và công ty nào cũng dốc tiền đầu tư để qua mặt đối thủ. Kể về lần chụp hình cưới của mình tại Trung Quốc 10 năm trước, bà Lin cười lớn khi mô tả: “Phòng chụp nhỏ hơn bây giờ nhiều và phông màn như một tờ giấy bình thường, sau đó người ta photoshop bãi biển vào. Vậy mà tôi tốn khoảng 5.000 đô la Mỹ đấy. Lúc đó, tôi thích chụp ngoại cảnh hơn nhưng không khí bên ngoài ô nhiễm, còn phong cảnh lại không đẹp bằng Sydney”.
Chụp hình cưới tuy tốn kém nhưng các cặp đôi Trung Quốc còn đối mặt áp lực tinh thần nhiều hơn. Một cặp đôi hiện đại xuất hiện trong bộ phim “China Love” là William Fong, một giám đốc tiếp thị, và Viona Ma, làm nghề “săn đầu người”. Cả hai sống ở Thượng Hải và quyết định kết hôn sau khi cô Ma có thai. Họ chọn gói chụp hình cưới khoảng 1.600-1.800 đô la Mỹ song mức giá này đội lên 3.000 đô la Mỹ sau khi tính thêm các khoản như đổi váy cưới “xịn” hơn hay thậm chí thuê luôn một nhà thiết kế váy cưới. Anh Fong với báo Guardian Australia rằng bộ ảnh cưới của mình theo phong cách Hàn Quốc, với kiểu chụp và bối cảnh đậm chất “ngôn tình” của phim ảnh xứ kim chi.
Về phần mình, Ma tâm sự về gánh nặng phải kết hôn và sinh con theo đúng truyền thống Trung Quốc, thay vì được tận hưởng sự độc lập và một sự nghiệp thăng hoa. Nhưng sức ép không chỉ trút xuống phụ nữ. Anh Fong kể: “Đàn ông Trung Quốc cũng chịu đựng không kém. Trên vai họ là kỳ vọng gia đình nhà trai phải đảm bảo cuộc sống cho cô dâu, ví dụ phải có sẵn căn hộ để làm tổ ấm”. Theo anh Fong, nhiều người Úc có thể cười cợt chuyện này vì nghe có vẻ nông cạn nhưng hoàn cảnh sống ở hai nơi khác nhau. Trong khi người Úc khá “an toàn” về mặt an sinh xã hội với các chính sách của nhà nước thì người Trung Quốc không có được cảm giác như vậy.
Duy An