(SGTT) - “Em có lớp mẫu giáo ở quận Tân Bình, đang muốn sang lại, giá rất thấp”, “Do dịch nên trường mầm non nhà mình đóng cửa, cần thanh lý lại toàn bộ thiết bị đồ dùng”… Những bài viết với nội dung sang nhượng như trên xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
- Mù đôi mắt, sáng niềm tin
- Người mẫu ngoại cỡ và định hướng cái đẹp liệu đã thay đổi?
- Di chứng hậu Covid-19 liệu có đáng sợ?
Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều những bài viết có nội dung sang nhượng trường mầm non với mức giá thấp. Khi tìm kiếm cụm từ “sang nhượng cơ sở mầm non” trên Facebook, kết quả trả về là những hội, nhóm có hàng nghìn thành viên.
Không thể giữ trường vì “nợ chồng nợ”
“Alo, bên mình đang sang nhượng cả trường mầm non, giáo viên, học sinh. Bạn cần gì?”.
Một tháng nay, chị D., chủ cơ sở mầm non tư thục ở quận Bình Tân (TPHCM), đã sử dụng câu thoại này để trả lời tất cả cuộc gọi đến. Chị D hy vọng sẽ tìm được người có nhu cầu mua lại cơ sở mầm non của mình.
“Trong 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc hoạt động của trường mầm non bấp bênh hơn, tôi phải vay mượn từ các nguồn khác nhau để duy trì, đến hiện tại, nợ chồng nợ nên tôi đành sang nhượng cơ sở thôi”, chị D chia sẻ.
Năm ngoái, chị D., có ý định sang nhượng trường và đã có một người đến đề xuất mua với giá 1,2 tỉ đồng. Thời điểm đó, chị không nỡ sang nhượng dù trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì đây còn là ngôi trường mà chị đã dùng cả tâm huyết gây dựng trong suốt 8 năm qua.
Sau đó, đợt dịch thứ 4 ở TPHCM bùng phát, chị D., nghĩ sẽ như năm trước rằng trường có thể đóng cửa từ một đến hai tháng rồi mở trở lại, nhưng 6 tháng qua, tiền vay mượn để trả phí thuê mặt bằng cứ thế ngày một tăng trong khi trẻ chưa thể quay trở lại học trực tiếp. Chị D đành lên mạng xã hội, đăng tải nội dung sang nhượng cơ sở, giáo viên và cả học sinh.
Trường mầm non tư thục của chị D được rao với giá 800 triệu đồng cho khoảng 600m². Đối với chị mức giá này thấp nhưng phải chấp nhận sang nhượng gấp.
Nếu sang nhượng được trường, chị D cũng chưa biết mình sẽ làm gì để kiếm thu nhập, tuy nhiên trước mắt mà cứ bám trụ lấy trường thì chị sẽ vô cùng khó khăn.
Cùng hoàn cảnh vay nợ để trả phí thuê mặt bằng, chị N.L., chủ lớp mẫu giáo tư thục ở huyện Hóc Môn (TPHCM) cho biết thời gian đóng cửa trường để nghỉ phòng chống dịch, chị đã mở tiệm cầm đồ để bù vốn cho hai cơ sở mầm non.
Nguồn thu nhập từ việc cầm đồ không nhiều nhưng phí thuê mặt bằng cho hai cơ sở mầm non tư thục của chị N.L lại lên đến 60 triệu đồng/tháng. Hiện tại, dù được giảm 50% tiền thuê mặt bằng nhưng chị vẫn không thể tiếp tục duy trì lớp mẫu giáo của mình.
“Tôi cầm cự không nổi nữa nên phải sang nhượng giá rẻ như cho. Lớp mầm non của tôi gồm 3 tầng nhưng chỉ sang nhượng 190 triệu đồng, trong đó 90 triệu là phí cọc nhà rồi. Từ đầu mùa dịch đến giờ, tôi vẫn duy trì cả hai cơ sở mầm non dù phải đóng cửa, nhưng bây giờ đã gần cuối năm, trường vẫn chưa mở cửa trở lại, tôi phải sang nhượng để tránh nợ thêm”, chị N.L., tâm sự.
Mong chờ chính sách hỗ trợ
Đối mặt với những khó khăn về tài chính, chị N.L., hy vọng sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ tiền để trả phí thuê mặt bằng. Theo chị, đây là sự giúp đỡ hiệu quả nhất về mặt tài chính để các trường mầm non tư thục tiếp tục duy trì hoạt động.
Còn đối với chị D., giải pháp hiệu quả nhất bây giờ là thông báo về lộ trình đi học trở lại của trẻ mầm non.
“Mong muốn của tôi là có một mốc thời gian cụ thể về việc trẻ mầm non đi học trở lại của để các chủ trường xoay sở. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng có những chính sách hỗ trợ chủ trường mầm non tư thục bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 được tiếp cận các nguồn vốn vay giá rẻ của nhà nước”, chị D., nói.
Những trường hợp như chị D., và chị N.L., không phải là hiếm gặp ở TPHCM. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, tính đến tháng 10-2021, ít nhất có 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi với dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là giáo viên mầm non.
Theo thông tin báo chí cập nhật, tại phiên thảo luận của Quốc hội diễn ra ngày 11-11, trả lời câu hỏi chất vấn về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cơ sở giáo dục, đặc biệt bậc mầm non, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ hơn 800 tỉ đồng trình Chính phủ xem xét. Bên cạnh đó sẽ có các cơ chế hỗ trợ vay vốn, thuế… cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Đến 1-12, một tia hy vọng mới về lộ trình đi học trở lại của trẻ mầm non cũng được thắp lên khi UBND TPHCM ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi sẽ đến trường từ 20-12.
Nhưng niềm vui ngắn, đến chiều 7-12, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đã đề xuất thành phố tạm dừng kế hoạch đến trường của học sinh lớp 1 và trẻ mầm non 5 tuổi. Đến 8-12, UBND TPHCM có thông báo chính thức về quyết định hoãn kế hoạch đến trường đối với lớp 1 và trẻ 5 tuổi.
Vậy là trẻ mầm non vẫn chưa được đến trường, còn hỗ trợ thì mới bắt đầu được lắng nghe. Sang nhượng hiện đang là giải pháp trước mắt để các cơ sở mầm non tự cứu lấy mình. Như vậy, những lời “kêu cứu” của các cơ sở mầm non lại không ngừng "thổn thức" trên mạng xã hội.
Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.
Nguyễn Hằng
Nguồn ảnh: Fanpage “Sang nhượng cơ sở mầm non”