Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Những dấu ấn đáng nhớ của du lịch Việt Nam năm 2021

(SGTT) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch Việt Nam trong năm 2021. Hãy cùng Sài Gòn Tiếp Thị điểm lại những dấu ấn đáng chú ý của ngành "công nghiệp không khói" trong một năm qua.

Một năm trầm lắng của du lịch Việt Nam

Trong năm 2021, các làn sóng Covid-19 thứ 3 và thứ 4 đã khiến du lịch Việt lao đao. Khách quốc tế hầu như không có, khách nội địa cũng ồ ạt hủy, hoãn tour do tâm lý e ngại dịch bệnh.

Tàu du lịch đưa khách tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) nằm chờ khách tại bến Ninh Kiều. Ảnh: Trung Chánh

Hệ quả là các địa phương vốn là điểm “hot” du lịch rơi vào tình trạng sụt giảm lượng khách thê thảm chưa từng có. Trong đó khách Hà Nội giảm 47,7%, TPHCM giảm 69,2%, Đà Nẵng giảm 67,7%, Thừa Thiên Huế giảm 73,3%... Năm 2021 quả là một năm trầm lắng của ngành du lịch Việt, xét một cách tổng thể.

Du lịch nhộn nhịp dịp Lễ 30-4 và 1-5

Ngay sau khi đợt dịch thứ ba được kiểm soát, du lịch dần ấm lên trong đợt nghỉ Lễ 30-4 và 1-5.

Du khách vui chơi tại quảng trường Lâm Viên Đà Lạt dịp nghỉ lễ 30-4-2021 vừa qua. Ảnh: Đoàn Kiên

Theo đó, 4 ngày nghỉ lễ, nhiều địa phương như Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)... ghi nhận cảnh đông đúc và tắc đường. Trong đó thành phố Đà Lạt ước đón hơn 145.000 lượt, tăng 179,8% so với cùng kỳ năm ngoái; thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón hơn 215.000 lượt; thành phố Nha Trang đón hơn 125.000 lượt; thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đón hơn 90.000 lượt khách trong kỳ nghỉ; thành phố Đà Nẵng ước đạt hơn 74.000 lượt; thành phố Vũng Tàu đón hơn 70.000 du khách...

Việt Nam quảng bá thành công du lịch tại World Expo 2020 Dubai

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp, lần thứ 7 Việt Nam tham gia quảng bá du lịch tại World Expo 2020 Dubai đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, để lại nhiều ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế.

Lễ khai mạc EXPO 2020 Dubai. Ảnh: nhandan.vn

Theo đó, Việt Nam đã ứng dụng khoa học công nghệ để giới thiệu các giá trị tinh hoa truyền thống và thành tựu đổi mới sáng tạo của quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, du lịch Việt Nam, mở ra cơ hội gia tăng hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông và thế giới.

Du lịch bước vào giai đoạn “bình thường mới”

Ngày 1-11-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã góp phần tích cực vào quá trình tái khởi động ngành du lịch Việt.

Du khách quét mã QR code khi vào khu, điểm du lịch tại Trà Vinh. Ảnh: Nguyễn Nam

Du lịch nội địa cũng đã có những thay đổi về chiến lược, sản phẩm, cách tiếp cận... để thu hút du khách. Đồng hành với doanh nghiệp là hàng loạt sự kiện tìm cách gỡ khó cho du lịch như: Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” của Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Hội thảo “Du lịch Việt Nam-phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức…

Đón khách quốc tế trở lại sau 18 tháng

Ngày 17-11-2021, chuyến bay của Vietnam Airlines đưa 29 khách Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Áo, CH Czech, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Australia... trở lại Việt Nam theo chương trình thí điểm đón khách có hộ chiếu vắc-xin.

Những khách Hàn Quốc đầu tiên trở lại Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Dương Đông

Đây là lần đầu tiên sau 18 tháng nước ta có số liệu về khách quốc tế. Tiếp theo đó là những chuyến bay đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa. Tính đến 6-12, số lượng khách quốc tế là 1.179 người.

Năm Du lịch Quốc gia 2021 diễn ra thành công

Năm 2021, Ninh Bình là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm". Mặc dù dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp nhưng được sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan ban ngành... Đặc biệt là sự ủng hộ, đồng hành của người dân, doanh nghiệp, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công sự kiện.

Nhiều sự kiện trong Năm du lịch quốc gia diễn ra tại Ninh Bình cũng đã tổ chức thành công.

Những hoạt động này đã đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần động viên, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho ngành du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

TPHCM triển khai phát triển du lịch thông minh

Năm 2021, TPHCM triển khai nhiều hoạt động du lịch gắn với công nghệ. Trong đó phải kể đến một số hoạt động như tích hợp thông tin dịch vụ du lịch; xây dựng ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch, tham quan thực tế ảo và lên lịch trình du lịch trực tiếp...

Người dân TPHCM trải nghiệm không gian giới thiệu hình ảnh và thông tin điểm đến nổi bật tại Bưu điện Trung tâm Thành phố. Ảnh: Mỹ Phương

Năm qua, TPHCM cũng triển khai hệ thống ứng dụng mã QR trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan; xây dựng kế hoạch triển khai hệ thống wifi công cộng; triển khai hệ thống cung cấp thông tin kết hợp các chương trình giải trí thực quan truyền thống với công nghệ kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã triển khai chương trình Tuần lễ du lịch với loạt sản phẩm du lịch mới, những điểm đến lần đầu được đưa vào tour nhằm quảng bá, thu hút du khách trở lại dịp cuối năm.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phát động chương trình Sáng kiến Điểm đến an toàn

Đây là sân chơi của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, lữ hành, danh lam thắng cảnh với mục tiêu du lịch xanh, an toàn bền vững.

Đến nay, sau gần 1 năm hoạt động, chương trình Sáng kiến Điểm đến an toàn đã thu hút sự tham dự của 90 đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tham gia.

Trong năm qua, mặc dù giãn cách xã hội nhưng chương trình đã thực hiện nhiều chủ đề có ý nghĩa với các thành viên là doanh nghiệp du lịch, điển hình là “Chat với doanh nhân du lịch” trực tuyến và trực tiếp. Đây là nơi các doanh nghiệp chia sẻ, đề xuất những tâm tư, nguyện vọng, góp phần vào quá trình hồi phục du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

Hình thành xu hướng du lịch mới sau dịch

Dịch bệnh Covid-19 khiến xu hướng đi du lịch của du khách cũng thay đổi. Nhiều hình thức du lịch mới xuất hiện hoặc trở thành trào lưu như du lịch ảo, chek-in tại nhà; du lịch ít chạm và ứng dụng công nghệ thông tin trong tra cứu điểm đến.

Dịch bệnh cũng đã thay đổi xu hướng du lịch của khách, thiên về nhóm nhỏ gia đình, hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Ảnh: Saigontourist

Ngoài ra, hình thức du lịch sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm với môi trường trong việc bảo vệ và sử dụng các sản phẩm tái chế từ rác... cũng được doanh nghiệp du lịch xây dựng và khách đón nhận.

Bên cạnh đó, hình thức du lịch tại chỗ (staycation), tự khám phá theo cách riêng của mình hoặc đi theo nhóm nhỏ, gia đình với cung đường gần và sử dụng phương tiện cá nhân… cũng là những hình thức du lịch mới được ra đời từ khi dịch dịch Covid-19 xuất hiện.

Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức chương trình “Bình chọn Top 7 Ấn tượng Việt Nam”

Chương trình gồm năm hạng mục, là các điểm đến trên khắp cả nước, được bạn đọc, du khách bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất. Cụ thể, các hạng mục được đề cử và bình chọn bởi độc giả gồm: Top 7 điểm du lịch có cảnh đẹp mê hồn; Top 7 điểm ngắm thành phố đêm lung linh; Top 7 thác nước ảo diệu; Top 7 cung đường đèo ngoạn mục; Top 7 cảnh đẹp bất ngờ nhìn từ không trung.

Top 7 điểm ngắm thành phố đêm lung linh

Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII, triển lãm ảnh “Di sản và Bạn” do Sở Du lịch phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, trưng bày hơn 60 bức ảnh được chọn lọc nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh những điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế.

Chương trình đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự sự kiện và nhận được nhiều ý kiến đánh giá tốt.

Nam Sơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối