Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Những điều cần biết về đột quỵ

(SGTTO) - Ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ, nhất là giới văn phòng. Chính quan niệm đột quỵ là bệnh cho người già khiến người trẻ rất chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa.

Trước đây đột quỵ được xem là bệnh của người cao tuổi, khoảng từ 55 tuổi trở lên. Những năm gần đây, người bị đột quỵ tập trung nhiều ở độ tuổi 40-45 và bắt đầu có những ca đột quỵ ở người từ 20-25 tuổi.

Người trẻ ngày càng dễ bị đột quỵ. Ảnh: Internet
Nguyên nhân gây đột quỵ

Có ba nguyên nhân chính: Một cục máu đông hình thành trong động mạch gây tắc động mạch (Huyết khối), một cục máu nhỏ từ nơi khác đến chặn và gây tắc động mạch (thuyên tắc) và chảy máu trong não, động mạch không bị chặn (xuất huyết).

Khó tiên đoán trước dấu hiệu đột quỵ

Chữ “đột quỵ” đã thể hiện rõ tính chất của bệnh là đột ngột, tức thì, xảy ra nhanh chóng. Do đó, hầu như rất ít có dấu hiệu nhận biết tình trạng “sắp đột quỵ”. Nếu có triệu chứng nhẹ thì đó là trường hợp cơn đột quỵ nhẹ, báo hiệu cho các triệu chứng nặng hơn sau đó theo diễn tiến của bệnh nếu như nguyên nhân gây bệnh không được giải quyết.

Các triệu chứng đột quỵ phụ thuộc vào khu vực của não bị ảnh hưởng và nguyên nhân gây đột quỵ. Đột quỵ do nguyên nhân xuất huyết sẽ khởi phát đột ngột hơn và tiên lượng kém khả quan hơn. Đột quỵ do nguyên nhân huyết khối hay thuyên tắc sẽ khởi phát chậm hơn và tiên lượng có thể tốt hơn khi được điều trị sớm.

Đôi khi cơn đột quỵ nhẹ có thể tự hồi phục với những triệu chứng bệnh thoáng qua, kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn.

Các triệu chứng của người bị đột quỵ

Hãy đưa người thân đến bệnh viện ngay lập tức khi phát hiện ra những triệu chứng sau: bất tỉnh, rối loạn ý thức, mất khả năng nói linh hoạt, mất khả năng chuyển động tay chân ở một bên cơ thể, nhìn một hóa hai (nhìn đôi) hoặc nhìn mờ, không hiểu các câu hỏi, nhức đầu, chóng mặt, khó khăn khi đi lại hay khó sử dụng tay, bị tê bì hoặc cảm giác yếu cơ mặt, tay, chân ở một bên cơ thể.

Những người dễ bị đột quỵ

Những người có các bệnh lý và tình trạng sau đây sẽ dễ bị đột quỵ hơn những người khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, thừa cân, béo phì, ít vận động, đái tháo đường, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, nhịp tim bất thường (ví dụ như rung nhĩ).

Do đó, để phòng ngừa đột quỵ, mọi người nên có lối sống điều độ, lành mạnh trong ăn uống, siêng tập thể dục, thể thao, hạn chế rượu bia, thuốc lá.

Bác sĩ Nguyễn Văn Anh

Cố vấn chuyên môn của dịch vụ bác sĩ gia đình HomeDoctors

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối