Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Những kỹ năng cần thiết khi tìm việc ở nước ngoài

Mỹ Huyền -

Giới trẻ ngày nay có trình độ ngoại ngữ tốt, tự tin hơn rất nhiều, nên đã không còn giới hạn mình vào không gian làm việc trong nước nữa. Nhiều sinh viên đang tự tìm cơ hội thực tập cho mình ở các nước nói tiếng Anh, hoặc tìm việc ở nước ngoài với hy vọng nâng cao kiến thức trong nghề. Dù là với lý do nào, chúng ta đều cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi nộp đơn xin việc ở nước khác.

Khi nộp đơn xin việc ở nước ngoài, các bạn phải hình dung sẽ cạnh tranh với những người bản xứ có nền giáo dục và văn hoá tương đồng với nhà tuyển dụng, nên hành trang cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Những lý do mơ hồ như thích đi làm ở Hàn Quốc vì cuồng ca sĩ, diễn viên hay chỉ để chứng tỏ với một ai thì sẽ rất khó thích ứng với môi trường làm việc cường độ cao của họ. Nhân viên tuyển dụng ở nước ngoài không chỉ được đào tạo bài bản mà họ còn có giác quan thứ sáu từ những kinh nghiệm cũ, nên ứng viên nào nói giỏi mà thực lực kém sẽ khó thành công. Các công ty cũng không muốn đầu tư nhiều vào đào tạo mà cần người có kinh nghiệm. Do đó, người xin việc ở nước ngoài phải tự trau dồi nhiều kỹ năng mềm nếu muốn có việc làm.

Hội thảo Skill to apply for job abroad.

Nghiên cứu của các cơ quan truyền thông như CNBC, Business Insider và CEMS cho thấy chỉ 19% các nhà quản lý có ý định thuê mướn sinh viên làm việc, vậy nên tìm việc ở nước ngoài thì phải là người xuất sắc nhất, cho thấy khả năng giao tiếp giỏi đủ gạt bỏ các rào cản văn hóa, và sớm thích nghi với môi trường mới cả về địa lý lẫn nghề nghiệp.

Nên có những kỹ năng mềm thực tế

Tại hội thảo ‘Skills to apply jobs abroad’ tại trường ĐH Kinh tế TPHCM, chị Jennifer Nguyễn đồng sáng lập của American Education Alliance, chia sẻ một số kỹ năng mềm cần thiết để tìm việc ở nước ngoài. Trước tiên, giao tiếp ngôn ngữ của người bản xứ rất khác với những gì các bạn được học ở nhà trường, nên điều đầu tiên người tìm việc ở nước ngoài phải chú ý là luyện nghe từ người bản xứ, có thể nói sai ngữ pháp nhưng để họ hiểu thì cần phát âm chuẩn. Kế đến, các giao tiếp như viết email, thư xin việc và cả hồ sơ lý lịch cũng rất quan trọng. Các bạn có thể đăng hồ sơ tại các trang tìm việc nước ngoài như LinkedIn, Monster, Dice (Mỹ), workopolis, Jobbank.gc.ca (Canada), Passport Career hay ngay cả Facebook nhưng hãy chắc chắn hồ sơ được cập nhật đầy chuyên nghiệp và nên viết bằng ngoại ngữ cùng tiếng Việt, do nhà tuyển dụng có thể cần người nói được tiếng Việt.

Tiếp theo, dù đang xin việc hay đã có việc làm thì vẫn phải luôn cập nhật kiến thức vì sự đào thải ở công ty rất lớn. Việc học còn nhằm xây dựng mạng lưới làm việc, với những công việc đòi hỏi tính chuyên môn thì học để có thể trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, chia sẻ với người cùng mạng lưới. Lợi ích có thể không đến ngay nhưng khi đã có mạng lưới làm việc thì cơ hội thăng tiến, thuyên chuyển sẽ đến nhiều hơn. Những người trong mạng lưới làm việc còn giúp đánh giá tốt về bạn khi nhà tuyển dụng kiểm tra lý lịch của bạn từ họ. Chủ động cải thiện bản thân cũng giúp bạn vượt qua giới hạn của mình và giải quyết công việc hiệu quả khi gặp sức ép cao.

Làm việc ở nước ngoài đòi hỏi các bạn từ bỏ vùng an toàn của mình, nhà tuyển dụng cần phản ứng tích cực và nhanh khi công việc áp lực cao, đồng thời còn phải chủ động biết điểm yếu để khắc phục. Các chuyên gia khuyên các bạn trẻ cần tranh thủ rèn các kỹ năng cần thiết khi còn đi học. Đây là lúc trau dồi ngoại ngữ, tham gia hoạt động tình nguyện quốc tế để rèn luyện kỹ năng làm việc chung, hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường quốc tế và xây dựng lòng tự tin.

Những chuẩn bị để phỏng vấn và làm việc ở nước ngoài

Tuyển dụng ở nước ngoài sẽ có lúc đến sáu vòng phỏng vấn, đôi khi phải trả lời cùng lúc đến chín người nên các bạn cần luyện tập trả lời lưu loát những câu hỏi thường gặp. Với phỏng vấn qua điện thoại, người tuyển dụng chỉ cần thông tin cơ bản thì các bạn nên ngắn gọn, vào vấn đề ngay. Khi phỏng vấn trực tiếp, các bạn nên dự trù trước các tình huống liên quan đến trình độ, kinh nghiệm, thành tựu nổi bật, các trường hợp giả định nhằm xem xét kỹ năng giải quyết vấn đề của ứng viên, khả năng đối phó với những khó khăn.

Về lương thưởng, các bạn nên kiểm tra thị trường lương để tránh tình trạng đưa ra mức lương không thực tế - lương đề nghị quá thấp sẽ không đủ cho sinh hoạt tối thiểu ở nước ngoài. Các bạn có thể truy cập các trang như Glassdoor.com để có gợi ý mức lương cho nhiều vị trí; hoặc lấy trung bình của hai mức lương cao và thấp nhất làm lương đề xuất. Nếu công việc đang ứng tuyển mang lại cơ hội học hỏi hoặc thăng tiến thì nên đưa mức lương thấp hơn mong đợi để tăng thêm cơ hội cho mình. Một lưu ý khác là nhà tuyển dụng muốn kiểm tra đạo đức nghề nghiệp của ứng viên nên có thể đưa ra câu hỏi về phản ứng khi không được giao nhiệm vụ tương đồng với giá trị của ứng viên, các bạn nên cẩn thận với các câu hỏi như vậy.

Ứng viên cũng cần kiên nhẫn đợi phản hồi từ nhà tuyển dụng. Thống kê từ các công ty tuyển dụng ở Mỹ cho biết một người nộp đơn xin việc tại Mỹ có xác suất thành công ở lần thứ 200. Khi được liên hệ thì nên phản hồi sớm, và cần đặt những câu hỏi quyết định trước khi nhận việc, ví dụ nhà tuyển dụng có hỗ trợ xin cấp visa hay không...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối